Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Tài chính ngày 6/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nguồn lực công lớn nhất là từ trụ sở, đặc biệt từ đất đai có quy mô rất lớn nhưng chưa được định giá chính xác, có phần tùy tiện là tâm điểm của tham nhũng, lợi ích nhóm và cũng là điểm nghẽn tăng trưởng của nền kinh tế.

Trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2016, thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt khoảng 1,094 triệu tỷ đồng, vượt 79,6 nghìn tỷ đồng (tăng 7,8%) so với dự toán, tăng thêm 55 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kết quả này đã thể hiện nỗ lực quyết tâm vượt bậc cao độ của ngành tài chính cũng như các bộ ngành địa phương trên cả nước. “Tôi đánh giá cao các thành phố lớn như Tp.HCM, Hà Nội, các tập đoàn tổng công ty… đã có nhiều cố gắng cùng Trung ương và Bộ Tài chính đạt được số thu này”, Thủ tướng biểu dương.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.


Tại hội nghị này, người đứng đầu Chính phủcũng nhắc lại chủ trương cấm biếu xén cấp trên dịp Tết. “Không được trích đồng ngân sách nào để đi biếu xén cấp trên”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại trong quản lý nợ công. Theo đó, tỷ lệ nợ công tăng rất nhanh. 5 năm qua tăng 18,4%, nhanh gấp 3 lần tốc tộ tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng chi thường xuyên cũng cao. Dư địa chính sách tài khóa còn hạn hẹp, cân đối ngân sách luôn khó khăn.

“Thu không đủ chi thường xuyên và trả nợ. Hệ quả là để có đầu tư phát triển, có tăng trưởng, Chính phủ buộc đi vay”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cũng chỉ rõ chi thường xuyên tăng nhanh là nguyên nhân chính làm ngân sách nhà nước luôn căng thẳng. Nợ công theo số liệu báo cáo đã tiến sát trần cho phép là 65% GDP, nhưng nếu tính đầy đủ thì nợ công đã vượt trần. Đó là con số mà theo Thủ tướng rất đáng phải suy nghĩ.

“Một số chuyên gia cảnh báo nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ của nền tài chính quốc gia là không thể tránh khỏi”, Thủ tướng cảnh báo và cho rằng trong ngắn hạn nợ xấu là vấn đề, song về trung hạn thì vấn đề của Việt Nam sẽ là nợ công.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính đề xuất 1 phiên họp chuyên đề bàn về cắt giảm chi thường xuyên, chống xa hoa lãng phí trong chi tiêu ngân sách.

Thủ tướng lưu ý ngành tài chính cũng như cả bộ máy nhà nước phải tiến hành chi ngân sách công khai, minh bạch, làm rõ tập thể cá nhân gây thất thoát thoát tài sản nhà nước, nhất là tài sản công, để xây dựng niềm tin, trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Lúc khó khăn này thì chỉ tiêu từng đồng tiền vào những gì cần thiết cho phát triển, phải chi có hiệu quả.

Thủ tướng cũng nêu cao tinh thần tiết kiệm, giản dị, đơn cử như phê bình việc đi hàng dài xe ô tô mấy chục chiếc đón lãnh đạo nhà nước về làm việc với địa phương vì như thế là “lãng phí quá trời đất”.

Quản lý chặt chẽ tài sản công

Đề cập đến chủ trương khoán xe công ở Bộ Tài chính vừa qua, Thủ tướng đã đánh giá cao việc làm này của Bộ Tài chính. Thủ tướng giao Bộ này tổng kết mặt được, chưa được của chủ trương này, không đơn thuần chỉ là khoán kinh phí từ nhà đến cơ quan, mà phải xem việc này có giúp giảm số đầu xe, giảm biên chế không.

“Phải giảm được số xe công, rồi đấu giá công khai để bán số ô tô công chúng ta đã mua để dành cho ngân sách nhà nước”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng lưu ý xe công chỉ là “một hạt ngọc trong kho châu báu là khối tài sản rất khổng lồ” mà chúng ta đang quản lí.

Theo Thủ tướng, nguồn lực công lớn nhất là từ trụ sở, đặc biệt từ đất đai có quy mô rất lớn nhưng chưa được định giá chính xác, có phần tùy tiện là tâm điểm của tham nhũng, lợi ích nhóm và cũng là điểm nghẽn tăng trưởng của nền kinh tế. Cho nên cần nghiên cứu áp dụng phương thức quản lí hiệu quả nguồn lực đặc biệt quan trọng này.

Do đó, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu giải pháp đột phá trong quản lý tài sản công, để tăng nguồn thu cho nhà nước.

Lương Bằng