- Thoái vốn tại Bia Sài Gòn - một hãng bia Việt đang được thị trường định giá 4,9 tỷ USD - là một bài toán khó. Bộ Công Thương đã có những quy định siết chặt thoái vốn, thiết lập thị trường bia cạnh tranh, hạn chế độc quyền trong ngành bia.

Bộ Công Thương vừa công bố chào bán 343,66 triệu cổ phần tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã CK: SAB). Với giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phiếu, Bộ Công Thương dự tính thu về tối thiểu 4,9 tỷ USD từ đợt thoái vốn này. 

Viễn cảnh độc quyền ngành bia nếu Sabeco bị “cá mập” thâu tóm

Nắm tới 40% thị phần bia tại một quốc gia 100 triệu dân với tỷ lệ uống bia thuộc top ở khu vực châu Á, Sabeco có sức hút đặc biệt đối với cả nhà đầu tư trong nước và cả thế giới. Trong quá khứ, có loạt đại gia lớn trên thế giới “xếp hàng dài” để mua cổ phần tại Sabeco như Asahi Group Holdings, Kirin Holdings (Nhật Bản), Anheuser-Busch InBev (Bỉ), Charoen Sirivadhanabhakdi (Thaibev)… Tuy nhiên, với quy mô thoái vốn lên tới 4,9 tỷ USD khiến cho “game thoái vốn” của Sabeco chỉ dành cho những đối tác cực lớn, có tiềm lực tài chính hùng mạnh. 

Trên thị trường, phiên ngày 1/12, cổ phiếu SAB đang được giao dịch ở mức giá 328.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hoá 210.000 tỷ đồng. 

{keywords}
 Thoái vốn tại Bia Sài Gòn là một bài toán khó.

Theo nhận định của các đơn vi tư vấn, Chính phủ hiểu rất rõ về giá trị thương hiệu và đang lựa chọn nhà đầu tư phù hợp nhất với Sabeco bởi vấn đề không chỉ ở việc bán được giá cao nhất mà còn là phát triển hãng bia lớn nhất nước. Theo đó, các doanh nghiệp ngoại, quỹ đầu tư nước ngoài mua thì sẽ đảm bảo về nguồn lực tài chính. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cũng cho rằng vì vốn hoá của Sabeco rất lớn nên thoái vốn cần có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Theo quy định, nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu 49% tại Sabeco. Như vậy, với mức sở hữu của nước ngoài tại Sabeco hiện nay là 9%, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua tối đa 38,59% vốn trong Sabeco. 

Tuy nhiên, với mục đích thâu tóm Sabeco, không ngoại trừ việc các nhóm nhà đầu tư có thể "góp gạo thổi cơm chung" để mua được cổ phần của Sabeco. Hoặc trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nhờ các doanh nghiệp trong nước đứng tên giúp bởi tỷ lệ room ngoại của Sabeco được khống chế ở mức 49, hay đơn giản là đầu tư kiểu lướt sóng sau đó bán lại cho nước ngoài như cái cách mà Heineken đã thâu tóm được 5% cổ phần của Sabeco trước đây. 

Sabeco không chỉ thu hút ở thương hiệu mà còn “quyến rũ đặc biệt” ở hệ thống phân phối trải đến 64 tỉnh thành cả nước, nếu tính điểm bán lẻ thì ngang ngửa Vinamilk, một hãng bia bình thường có đổ hàng nghìn tỷ cũng không thể làm nổi việc này. Do đó, nếu Sabeco rơi vào tay đại gia ngoại rất có thể viễn cảnh thị trường bia Việt sẽ rơi vào thế độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh. 

Thực tế, trên thị trường bia Việt, Sabeco đang là “vua thị phần” nắm 40%, Heineken nắm 28%, Habeco mặc dù thị phần giảm nhưng vẫn năm 12% còn “đại gia” Carlsberg đang nắm khoảng 7%… Như vậy, nếu như Heineken hay AB-Inbev mua được Sabeco sẽ trở thành “người khổng lồ”, làm trùm thị trường bia Việt. 

AB - Inbev hiện là hãng bia lớn nhất thế giới bằng con đường M&A. Hãng bia này làm chủ các thương hiệu, kênh phân phối khiến cho các thương hiệu bia địa phương khác không có cơ hội phát triển. Hiện AB-Inbev đã có nhà máy bia 50 triệu lít tại Việt Nam, nếu thâu tóm thêm được Sabeco, AB-Inbev sẽ trở thành ông lớn ngành bia lớn nhất Việt Nam. 

Ví dụ như một ông lớn có thị phần số 1 thế giới nếu sở hữu Sabeco thì liệu có được coi là tập trung kinh tế không? Liệu có còn cơ hội cho các thương hiệu mới gia nhập thị trường hay không? Thực tế cho thấy khi hai hãng bia số 1 và số 2 thế giới sát nhập với nhau thì tại rất nhiều thị trường mà ở đó Luật cạnh tranh đi vào đời sống, các hãng bia này đã phải đối mặt với một số yêu cầu nghiêm khắc về việc thực hiện đúng các quy định cạnh tranh bao gồm cả việc bán bớt tài sản hoặc chia tách.

Quy định “khắc chế" độc quyền ngành bia

{keywords}
Bộ Công Thương đã có những quy định siết chặt thoái vốn, thiết lập thị trường bia cạnh tranh, hạn chế độc quyền trong ngành bia.

Bộ Công Thương đã đưa ra quy chế chào bán cổ phần tại Sabeco. Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, trong quyết định của Bộ Công thương cũng đã có quy định chi tiết để thực hiện như tỷ lệ sở hữu mà các nhà đầu tư nước ngoài tối tối đa được mua là 49%, bao gồm cả phần sở hữu hiện hữu của các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay là hơn 9%. Nghĩa là, các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua tối đa 38,59% vốn điều lệ của Sabeco trong đợt này.  

Trường hợp tham gia chào bán cạnh tranh, nhà đầu tư không phải thực hiện theo các quy định về chào mua công khai khi có ý định mua đạt hoặc vượt các tỷ lệ sở hữu phải chào mua công khai quy định tại Luật Chứng khoán. Nhà đầu tư có nhu cầu đặt mua với khối lượng đạt hoặc vượt các tỷ lệ sở hữu phải chào mua công khai 25% phải thực hiện báo cáo Ban tổ chức chào bán cạnh tranh và công bố thông tin trước ngày tổ chức chào bán 07 ngày về số lượng cổ phần dự kiến mua.

Nhà đầu tư cũng phải thực hiện các quy định về thông báo tập trung kinh tế cho Bộ Công thương trước, khi nhà đầu tư là tổ chức cùng ngành với Sabeco đăng ký tham gia chào giá cạnh tranh, mua cổ phần Sabeco có thể dẫn đến việc thị phần kết hợp vượt mức theo quy định của Luật cạnh tranh.

Bộ Công thương sẽ để báo cáo Chính phủ việc vượt các thị phần kết hợp trên thị trường bia của nhà đầu tư và Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định cuối cùng.

Một chuyên gia tài chính đánh giá, so với các quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần nhà nước trước đây, Quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần nhà nước tại Sabeco được công bố ngày 29/11/2017 đã có những tiến bộ cũng như đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khách quan. 

"Việc yêu cầu Nhà đầu tư mua lô lớn phải công bố thông tin số lượng cổ phần dự kiến mua trước ngày tổ chức chào bán 7 ngày, giúp các nhà đầu tư nhỏ nắm bắt được tình hình và chủ động trong kế hoạch tham gia mua cạnh tranh”, vị này cho biết. 

Tuy nhiên, trong thực tiễn đầu tư, để bảo mật thông tin, nhà đầu tư có thể sẽ chia nhỏ tỷ lệ tham gia thông qua nhiều công ty khác nhau sao cho dưới ngưỡng 25% để không phải công bố thông tin. Mặc dù Quy chế chào bán cạnh tranh của Sabeco không có quy định trực tiếp hướng dẫn tỷ lệ 25% nhưng đã gián tiếp quy định tại Mẫu số 11 – Thông báo đăng ký mua cạnh tranh cổ phần khối lượng lớn, kèm theo Quy chế, trong đó yêu cầu nhà đầu tư cung cấp thông tin về số lượng, tỷ lệ cổ phiếu dự kiến nắm giữ của không chỉ nhà đầu tư mà của cả người có liên quan. Điều này là phù hợp với các quy định pháp luật chứng khoán khi tỷ lệ 25% được xác định bao gồm của cả nhà đầu tư và người có liên quan, tránh việc nhà đầu tư né nghĩa vụ công khai thông tin.

Mạnh Phan