Một đại gia bí ẩn có năng lực tài chính khủng bên cạnh một cái tên mang tính biểu tượng đang nhăm nhe thâu tóm ông trùm xây dựng, đơn vị sở hữu hàng triệu m2 đất. Nghịch lý room ngoại xuống 0% cũng khiến nhiều người chú ý.
Con trai gia tộc Trịnh Văn Bô đấu vụ 2.000 tỷ thâu tóm ông lớn Việt Nam
Chỉ khoảng 10 ngày trước phiên đấu giá trị tối thiểu hơn 7 ngàn tỷ đồng tại Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG), các bên đã rà soát và công bố tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp này là 0%.
Điều đó có nghĩa, Vinaconex ngay lập tức phải khóa room ngoại (đã thực hiện), các nhà đầu tư nước ngoài không được mua thêm, không được tham gia vào phiên thoái vốn bán đấu giá theo lô (tổng cộng 349 triệu cổ phần, tương đương 79% vốn của Vinaconex).
Các nhà đầu tư nước ngoài (PYN Elite Fund và Market Vector Vietnam ETF) hiện sở hữu gần 11% vốn tại Vinaconex có thể phải bán ra hoặc chờ đợi những sửa đổi, hướng dẫn từ các cơ quan chức năng.
Phiên đấu giá doanh nghiệp đang quản lý và sở hữu hàng triệu mét vuông đất tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành vào hôm 22/11 tới không còn nhiều kịch tính khi chỉ có 2 cái tên lạ lẫm tham gia nhưng sự kiện vẫn có sức hút cao độ bởi những nghịch lý nêu trên.
Ông Trịnh Cần Chính có doanh nghiệp tham gia vào đấu giá cổ phần Vinaconex. |
Theo thông tin từ UBCKNN, ngày 22/11 tới Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Viettel đều tổ chức bán đấu giá trọn lô số cổ phần Vinaconex đang nắm giữ. Cụ thể, SCIC sẽ bán 255 triệu cổ phần Vinaconex (tương đương 57,71% vốn), trong khi Viettel sẽ bán 94 triệu cổ phiếu (tương đương 21,28% vốn).
Tổng cộng, hai ông lớn nhà nước SCIC và Viettel sẽ bán 349 triệu cổ phần (gần 79% vốn). Với giá khởi điểm 21.300 đồng/cp, tổng giá trị chào bán là hơn 7,4 ngàn tỷ đồng.
Theo công bố của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), kết quả thẩm định năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần Vinaconex chỉ có 2 nhà đầu tư đáp ứng điều kiện tham gia đấu giá mua cổ phần của Viettel tại Vinaconex theo lô. Đó là 2 cái tên: CTCP Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam của ông Trịnh Cần Chính và Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ.
Cả 2 doanh nghiệp này đều có quy mô vốn nhỏ bé và hầu như không có tiếng tăm trên thị trường.
CTCP Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam của ông Trịnh Cần Chính còn có chút dấu vết trên thị trường với dự án Hesco Văn Quán mà doanh nghiệp này đề cập tới từ vài năm trước. Hơn thế, ông Trịnh Cần Chính được biết đến là con của nhà tư sản dân tộc nổi tiếng Trịnh Văn Bô, người từng góp hơn 5 ngàn lượng vàng cho Cách mạng.
Mặc dù là một doanh nghiệp có gắn tới một biểu tượng của doanh nhân Việt xưa kia nhưng Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam của ông Trịnh Cần Chính vẫn không thực sự thuyết phục về năng lực tài chính.
Trong khi đó, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ thì hoàn toàn lạ lẫm, mới thành lập 2017 với quy mô vốn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây thực sự là một ẩn số và giới đầu tư chờ đợi xem đại gia nào đứng đằng sau doanh nghiệp này.
Hai doanh nghiệp tham gia đấu giá Vinaconex. |
Trong nhiều năm qua, Vinaconex luôn được xem là ông lớn hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng của Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Vinaconex không thực sự ấn tượng, thậm chí còn bị doanh nghiệp con như Vicostone của ông Hồ Xuân Năng vượt mặt.
Tuy nhiên, Vinaconex có thể sẽ rất hấp dẫn khi mà cả SCIC và Viettel đồng loạt thoái vốn, bán toán bộ 79% cổ phần. Vinaconex hiện là đơn vị sở hữu hàng triệu m2 đất tại Hà Nội và trên các tỉnh thành. Trong đó có khu đất hàng triệu m2 tại Khu công nghiệp Công nghệ cao Hòa Lạc, dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) rộng hàng trăm hecta. Ngoài ra còn nhiều dự án khác và cả trường Lý Thái Tổ ngay tại khu vực trung tâm Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội,...
Quỹ đất khủng luôn là điều mà nhiều đại gia phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam như ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (VietJet), bà Nguyễn Thị Nga (BRG), Bùi Thành Nhơn (Novaland),... ưa thích.
Dự án Splendora sau 10 năm mắc cạn, phía đối tác ngoại Posco E&C nhượng lại phần vốn góp 50% của mình cho một đại gia địa ốc phía Nam - Công ty Địa ốc Phú Long, một thành viên của Sovico Holdings của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.
Giới đầu tư đang chờ đợi Splendora đổi vận nhờ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo với kinh nghiệm phát triển BĐS của mình và tiềm lực tài chính hùng mạnh từ hệ thống công ty trong tập đoàn như HDBank, Vietjet, Sovico Holdings.
Các nhà đầu tư ngoại trên thực tế vẫn có cơ hội nếu như tham gia đấu giá cổ phần Vinaconex thông qua việc thành lập các doanh nghiệp trong nước, tương tự như thương vụ mua Sabeco.
Các đại gia Việt như bà Thảo, ông Phạm Nhật Vượng có kinh nghiệm phát triển các dự án bất động sản. |
Vinaconex hiện đăng ký kinh doanh rất nhiều ngành nghề, trong đó có lĩnh vực xuất khẩu lao động, bán thuốc lá và xăng đầu, không cho phép sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), dòng tiền vẫn khá yếu. Khối ngoại bán ròng khiến thị trường càng ảm đạm. VN-Index đang hướng về ngưỡng 900 điểm. Một số cổ phiếu đầu ngành như VinHomes của ông Phạm Nhật Vượng, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung... tăng điểm.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, vùng quanh 900 điểm tiếp tục là vùng hỗ trợ cho chỉ số trong phiên. Nếu thị trường hồi phục được từ vùng điểm này, thì đường SMA20 vẫn sẽ là lực cản đáng kể đối với đà đi lên của chỉ số. Trong kịch bản tiêu cực, nếu vùng quanh 900 điểm bị xuyên thủng, thị trường rất có thể sẽ chuyển biến theo chiều hướng xấu hơn trong thời gian tới.
CTCK Rồng Việt (VDS) cho rằng, xu hướng giảm vẫn chưa kết thúc nhưng sự phân hóa giúp nhà đầu tư vẫn có thể tìm kiếm lợi nhuận.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/11, VN-Index giảm 4,45 điểm xuống 900,93 điểm; HNX-Index giảm 1,27 điểm xuống 101,2 điểm. Upcom-Index giảm 0,22 điểm xuống 51,24 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 180 triệu đơn vị, trị giá 3,9 ngàn tỷ đồng.
V. Hà
Người duy nhất đeo bám vị trí số 1 trong 'cuộc chiến' sôi động
Các đại gia bán lẻ chạy nước rút ở vào một thời điểm rất quan trọng nhằm xác lập vị thế của mình trên một thị trường tiềm năng. Các ông lớn ngoại cũng hụt hơi trong một cuộc chiến sôi động.