Thị trường chứng khoán bất ngờ nổi sóng tăng mạnh trở lại với kỳ vọng về dài hạn. Tuy nhiên, áp lực chốt lời vẫn còn rất lớn.

Trái ngược với lo ngại tin tốt đã ra hết và cổ đông sẽ phải dài cổ chờ con sóng thứ 2, các cổ phiếu nhóm ngân hàng bứt phá khá mạnh cuối phiên liền trước giúp thị trường chứng khoán sôi động và tăng điểm trở lại.

Các cổ phiếu ngân hàng lớn và có triển vọng như Vietcombank (VCB), Vietinbank (CTG), BIDV (BID), Quân đội (MBB) và Sacombank (STB) tăng mạnh. Niềm tin đối với nhóm cổ phiếu này lại được nhóm lên sau khi một vài ngân hàng tiếp tục công bố kết quả kinh doanh rất ấn tượng, tiếp tục lãi ngàn tỷ và tỷ lệ nợ xấu tụt giảm.

{keywords}
Chứng khoán tăng trở lại nhưng áp lực còn lớn.

Trong nhiều năm qua, phần lớn các ngân hàng không trả cổ tức và dùng lợi nhuận để xử lý nợ xấu và tăng vốn. Câu chuyện tái cấu trúc đang tiếp tục và không ít các ngân hàng trong đó có Sacombank có thể cần tới 3-5 năm để xử lý xong nợ xấu. Điều đó cũng có nghĩa là cổ đông cần ít nhất từng đấy năm trước khi có thể được trả cổ tức.

Áp lực bán trong vài ngày gần đây do thị trường chung đi xuống và nỗi e ngại về tầm nhìn đầu tư quá dài. Mặc dù vậy, những tín hiệu tốt phát ra từ kết quả kinh doanh quá ấn tượng và tốc độ xử lý nợ xấu quá nhanh của một số ngân hàng vừa công bố hôm 26/7 dường như đã mang lại niềm tin cho giới đầu tư.

Thị trường chứng khoán nổi sóng trở lại còn nhờ cú mua ròng bất ngờ hơn 1,7 ngàn tỷ đồng của khối ngoại. Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua thỏa thuận gần 25% cổ phần CTCP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PGD) với giá cao hơn hẳn giá đang giao dịch trên sàn, trị giá cả ngàn tỷ đồng.

Một loạt các cổ phiếu lớn ngành dầu khí với các trụ cột như TCT Khí Việt Nam - CTCP (GAS) và Petrolimex (PLX) tăng mạnh, góp phần đẩy thị trường chung đi lên.

Một số cổ phiếu blue-chips nổi bật khác như FPT, BHN, REE, GMD, BMP… cũng tăng trở lại và đóng góp và sự hồi phục của thị trường.

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng nhấp nhổm tăng. Một số mã có thị giá thấp sau vài phiên giảm sâu đã quay trở lại hút dòng tiền trên thị trường như: HAR, HAI, KLF…

Các cổ phiếu của tỷ phú bất động và xây dựng Trịnh Văn Quyết đang tăng trở lại. FLC của Tập đoàn FLC tăng nhẹ, trong khi đó ROS của Faros nhích nhẹ lên 89.500 đồng/cp.

Ông Trịnh Văn Quyết vừa chia sẻ trên trang cá nhân về một môi trường kinh doanh còn nhiều bất cập, chồn chéo và sức ì của thủ tục hành chính. Theo đó, ông Quyết cho rằng, nếu doanh nghiệp ở Việt Nam bị thanh, kiểm tra thì hầu hết có vi phạm, không lỗi này thì lỗi khác. Trước đó, chủ tịch Tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chia sẻ với báo chí cho rằng Tập đoàn FLC cũng có thể xem như là “nạn nhân” vì vướng một số thủ tục hành chính trong quá trình cấp phép mà “dính” sai phạm theo kết luận của Bộ Xây dựng.

Trong khoảng một thập kỷ qua, nhiều doanh nghiệp Việt lớn mạnh rất nhanh, phần lớn trong lĩnh vực bất động sản. Nhưng cũng có những doanh nghiệp ghi được dấu ấn lớn trong những lĩnh vực tưởng rất khó khăn như bán lẻ.

Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài vừa được Euromonitor Intenational ghi nhận là doanh nghiệp bán lẻ có doanh thu cao nhất Việt Nam, với 1,4 tỷ USD, vượt cả Big C hay Coop Mart. Trong khi đó, FPT của ông Trương Gia Bình có hiệu quả bán hàng tốt nhất. Vingroup đã lọt vào top 10. Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang cạnh tranh khá tốt bất chấp đại gia ngoại vẫn quyết “chơi lớn” tại thị trường gần 100 triệu dân này.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/7, VN-index tăng 7,53 điểm (+0,1%) lên 776,27 điểm; HNX-Index tăng 0,73 điểm (+0,75%) lên 97,66 điểm. Thanh khoản toàn thị trường tăng lên 4,8 ngàn tỷ đồng.

VN-Index tăng trở lại nhưng đa phần các CTCK cho rằng ap lực bán vẫn còn rất lớn. Đây là giai đoạn sẽ có biến động mạnh và kẻ thắng người thua rất nhanh đặc biệt những NĐT liều tăng tỷ trọng đòn bẩy.

H. Tú