Căng thẳng Triều Tiên và những biến động thập kỷ khiến dòng tiền ngàn tỷ USD chao đảo trên các thị trường. Tuy nhiên, các câu chuyện chính trị không thể che giấu được những vết rạn nứt và xu hướng kinh tế của các khu vực và nước lớn trên thế giới.

Toàn cầu chao đảo

Bão chưa tan. Thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu tiếp tục chao đảo trước căng thẳng địa chính trị leo thang ở nhiều khu vực.

Trong phiên giao dịch giữa tuần, TTCK Mỹ, châu Âu và châu Á đều đỏ lửa, giảm điểm khá mạnh cho dù đã giảm liên tiếp trong nhiều phiên trước đó. Chứng khoán Mỹ chịu sức ép lớn khi chỉ số công nghiệp Dow Jones nhanh chóng xa rời ngưỡng 21.000 điểm ghi nhận trong tháng 3, xuống chỉ còn khoảng 20.500 điểm.

TTCK châu Âu tiếp tục suy giảm nghiêm trọng. Chỉ số FTSE 100 của nước Anh giảm 2,5%, trong khi chỉ số CAC 40 của Pháp sụt 1,6% và chỉ số DAX của Đức để mất 0,9%.

{keywords}
Căng thẳng Triều Tiên: chứng khoán thế giới chao đảo.

Tại khu vực châu Á, phần lớn các chỉ số chứng khoán vẫn nhuốm đỏ, giảm mạnh nhất là ở Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong vòng 1 tháng qua, chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm gần 6%, Topix Index của nước này giảm hơn 6%. Hang Seng của Thượng Hải giảm 2%. Chỉ số chung của khu vực châu Á Thái Bình Dương MSCI giảm hơn 1,4%,...

Giá vàng cũng diễn biến khó lường, chực chờ tăng vọt do bất ổn mới tại châu Âu và tình hình xấu đi tại Mỹ cũng như bán đảo Triều Tiên. Tính chung từ đầu năm, vàng đã tăng 11,2% (+129 USD/ounce).

Trong nước, TTCK Việt Nam chứng kiến nhiều phiên giảm mạnh. Áp lực bán tăng cao và được cộng hưởng bởi xu hướng giảm tỷ trọng margin khiến VN-Index mất mốc 715 điểm.

Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy, những diễn biến trên thị trường tài chính thế giới quá đà, bị ảnh hưởng nặng bởi tâm lý bầy đàn. Trên TTCK trong nước, trong 2 phiên vừa qua, áp lực giảm không còn lớn. Margin trên thị trường đã giảm. Thanh khoản tăng mạnh cho thấy, sức cầu bắt đáy trở lại, những người ưa mạo hiểm đã hành động.

Các NĐT nước ngoài tiếp tục mua ròng. Trong khi đó, nhiều NĐT trong nước cũng mua vào với kỳ vọng doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tốt trong quý 1 và các thông tin tốt từ mùa đại hội cổ đông.

{keywords}
Chứng khoán Mỹ đánh mất kỷ lục.

Lo sợ quá đà, cơ hội bỏ lỡ

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng Phòng môi giới Chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, cho rằng, các TTCK châu Á, nhất là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật giảm mạnh trong vài phiên gần đây là do căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên.

Còn trên thực tế, triển vọng kinh tế và TTCK ở khu vực này vẫn khá sáng sủa, dòng vốn đang quay trở lại thị trường mới nổi.

“Thập kỷ này vẫn là của châu Á. Châu Á vẫn sẽ là đầu tàu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của thế giới. Chưa có gì làm suy giảm triển vọng nội tại nền kinh tế khu vực. Tuy nhiên, rủi ro địa chính trị là có”, ông Tuấn chia sẻ.

Nhiều CTCK cũng nhận định, biến động trên TTCK vào thời điểm này là khó lường. CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) khuyến nghị các NĐT tránh mua đuổi bởi vấn đề địa chính trị thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và bất ngờ, đặc biệt là vấn đề liên quan đến Triều Tiên.

FPTS thấy rủi ro đã giảm bớt nhưng cơ hội hồi phục chưa rõ do bất ổn địa chính trị quốc tế đang tăng cường.

Trong khi đó, VCSC cho rằng, tín hiệu tạo đáy vẫn chưa xuất hiện.

{keywords}
Căng thẳng Triều Tiên gây ra rủi ro trong khu vực.

Phần lớn các NĐT trong nước vẫn tỏ ra thận trọng. Trên thế giới, tình trạng này cũng phổ biến với áp lực bán khiến xu hướng cổ phiếu giảm giá vẫn chi phối. Nỗi lo về rủi ro bất ổn chưa giảm bớt, các TTCK ở nhiều được dự báo chưa thể sớm hồi phục.

Về triển vọng nội tại của khu vực, nhiều dự báo trong và ngoài nước vẫn rất lạc quan về triển vọng kinh tế châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo ADB, châu Á vẫn tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu khi chiếm 60% GDP toàn cầu. Hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm nay. Số liệu mới nhất cho thấy, kinh tế Trung Quốc quý I tăng 6,9%, vượt kỳ vọng.

Còn theo một khảo sát của Ernst & Young, Đông Nam Á đang trở thành điểm đến số 1 của giới đầu tư thế giới.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng, Mỹ vẫn là dẫn đầu thế giới và đang bung vốn khắp nơi. Dòng vốn sẽ chảy vào chỗ trũng và 2017 là năm thịnh của châu Á.

Cũng theo chuyên gia này, trong quá khứ, sự căng thẳng địa chính trị đã nhiều lần ảnh hưởng tới các TTCK, nhưng sau đó các thị trường nhanh chóng hồi phục. Trong biến động lần này, rủi ro có thể ảnh hưởng tới Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á đầu tiên.

Theo ông Tuấn, các thị trường có thể đã phản ứng thái quá. Trên thực tế, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn khá sáng sủa, chưa có gì rạn nứt trong cấu trúc tăng trưởng. Sự sụt giảm của chứng khoán Mỹ là do kỳ vọng trước đó quá cao và giờ đây nhiều NĐT lo lắng các chính sách của ông Donald Trump không được giữ vững.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế thế giới không hoàn hảo, nền kinh tế Trung Quốc vẫn có dấu hiệu hạ cánh cứng. Trong khi châu Âu bế tắc, u ám nhất trong 3 châu lục. Việc Anh tách khỏi EU là một rạn nứt đáng kể sau 2 thập kỷ nỗ lực.

M. Hà