Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017 (VBF 2017) diễn ra ngày 16/6 sẽ mang tới một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp tư nhân Việt, nhất là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017 sẽ diễn ra tại Khách sạn Sheraton (Hà Nội) với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Chính phủ; các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp thương mại và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chủ đề của VBF giữa kỳ năm nay là: “Tăng cường liên kế khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới”.

{keywords}
Kinh tế tư nhân có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Cũng theo ông Lộc, Liên minh VBF phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã quyết định chủ đề nói trên.

Như vậy, so với các năm trước, chủ đề năm nay đã có sự thay đổi. Vẫn bàn về kinh tế tư nhân nhưng nội dung diễn đàn 2017 rõ ràng và tập trung hơn: tìm giải pháp gắn kết khu vực tư nhân trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) và với kinh tế toàn cầu.

Theo lý giải của Liên minh VBF, hiện nay, sự thay đổi của các chính sách toàn cầu đã đặt ra nhiều thời cơ, thách thức và yêu cầu đổi mới cho Việt Nam, tác động mạnh mẽ tới việc thu hút đầu tư vào khu vực tư nhân.

VBF giữa kỳ 2017 sẽ tạo cơ hội đối thoại giữa Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, cùng các nhà tài trợ và cơ quan ngoại giao nhằm thúc đẩy và cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, VBF giữa kỳ 2017 cũng sẽ nơi tập hợp các đánh giá về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật thông qua việc rà soát Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sau 2 năm triển khai cùng với các luật khác như Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở; Luật Chứng khoán; Bộ Luật Lao động; Luật Thuế,... và phản hồi của các tổ chức quốc tế.

Đại diện các nhóm nghiên cứu về đầu tư và thương mại; ngân hàng; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp ô tô - xe máy; điện và năng lượng,... sẽ báo cáo đánh giá tác động của một số chính sách toàn cầu như Brexit, TPP, chính sách Donald Trump, EVFTA, RCEP,... tới nền kinh tế Việt Nam và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (hay còn gọi là Công nghiệp 4.0); việc làm thế nào để duy trì và thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân trong bối cảnh hiện nay và việc kết nối các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) với các doanh nghiệp trong nước sao cho hiệu quả.

M. Hà