Mạng xã hội thời gian gần đây lại xuất hiện nhiều đối tượng bán các loại tiền giả mệnh giá 200.000 hay 500.000 đồng công khai với số lượng lên tới hàng trăm triệu đồng.
Chỉ với vài từ khóa tìm kiếm đơn giản, người dùng mạng xã hội Facebook dễ dàng tìm ra rất nhiều tài khoản đang kinh doanh tiền giả. Các tài khoản này không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào, không có số điện thoại mà chỉ trao đổi với "khách hàng" qua Facebook.
Những mẩu quảng cáo bán tiền giả số lượng lớn xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình Facebook "Bán tiền giả ***** *** ****". |
Theo các trang Facebook bán tiền giả quảng cáo, chủ yếu tiền giả nhập về có nguồn gốc từ Thái Lan và được quảng cáo "giống tiền thật đến 98%".
Tiền giả thường có mệnh giá 100.000, 200.000 và 500.000 đồng, được bán theo tỷ lệ 1:10, tức 1 đồng tiền thật đổi 10 đồng tiền giả. Những mẩu quảng cáo này đăng rất mới, chỉ khoảng 2-3 tuần trở lại đây.
Để đảm bảo không bị cơ quan chức năng truy danh tính, các đối tượng bán tiền giả thường lựa chọn phương pháp thanh toán bằng thẻ điện thoại, thay vì chuyển khoản ngân hàng.
Bên mua sẽ gửi số thẻ điện thoại cùng số seri cho bên bán, sau khi xác nhận thẻ nạp được tiền, bên bán sẽ chuyển tiền giả cho bên mua theo đường gửi nhà xe hoặc chuyển phát nhanh.
Các đối tượng bán tiền giả dù khẳng định "hàng" giống hệt tiền thật vẫn lưu ý khách mua chỉ nên sử dụng trong chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, tránh sử dụng tại các ngân hàng.
Tài khoản có tên "Bán tiền giả ***** *** ****" cho hay, khách muốn mua thì bao nhiêu cũng bán, trừ những ngày hết hàng. "Hôm nay chỉ còn 30 triệu, nếu muốn mua hơn thì đợi 2 hôm nữa hàng về thêm, bao nhiêu cũng có", tài khoản này khẳng định.
Một tài khoản bán tiền giả khác lại lưu ý khách hàng không nên tin những người bán yêu cầu đặt cọc trước rồi chuyển tiền giả qua đường chuyển phát nhanh, bưu điện. Vì cách này chắc chắn không thể chuyển được, những tài khoản bán tiền giả thông báo chuyển tiền qua đường bưu điện là những tài khoản lừa đảo.
"Hàng quốc cấm không bao giờ chuyển được qua bưu điện như chỗ khác nói đâu, nên bạn đừng mua kẻo bị lừa", chủ tài khoản Facebook này cho hay.
Trao đổi giữa người mua và người bán tiền giả chủ yếu qua Facebook. Ảnh: Chụp màn hình Facebook "Nguyễn *** **". |
Sau khi liên hệ một tài khoản bán tiền giả có lượng tương tác cao có tên "Tiền giả ** ***", chúng tôi được bên bán tư vấn đầy đủ thắc mắc về chất lượng tiền, cách giao dịch và hứa sẽ chuyển hàng nhanh nếu người mua cần gấp.
Cũng theo tài khoản này, số seri trên các tờ tiền khác nhau hoàn toàn chứ không giống hệt, nên việc tiêu tiền giả số lượng lớn là hoàn toàn có thể. Đặc biệt, người bán sẵn sàng gặp mặt để giao dịch, thay vì chuyển qua đường bưu điện.
Do tính chất phạm pháp nên có trường hợp người mua dù bị các đối tượng bán tiền giả trên mạng lừa đảo, tiền mất mà không nhận được "hàng", cũng không dám trình báo cơ quan chức năng.
Trả lời Zing.vn, lãnh đạo Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an), khẳng định thông tin rao bán tiền giả qua mạng Internet là thủ đoạn được tội phạm đưa ra, nhằm lừa đảo người dân hám lợi. Cơ quan chức năng xác định trên thị trường không xuất hiện các giao dịch tiền giả như thông tin trên mạng xã hội thời gian qua.
"Kẻ xấu tung thông tin này nhằm dụ dỗ, thuyết phục người dân chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt. Khi thực hiện hành vi lừa đảo, họ thường sử dụng tài khoản Facebook, số điện thoại và tài khoản ngân hàng đứng tên người khác", vị lãnh đạo nói.
Đại diện C50 cho biết thêm một vài kẻ xấu còn chụp ảnh tiền thật đưa lên mạng để lừa gạt người dân. Bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng sẽ giám sát, xác minh làm rõ cá nhân phát tán thông tin mua bán tiền giả gây xôn xao dư luận.
Hành vi mua bán tiền giả, không phân biệt giá trị lớn nhỏ, đều có thể bị xử lý hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả theo điều Điều 180, Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, với hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Mua bán, sử dụng tiền giả là hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho nền kinh tế tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ và làm mất giá trị của đồng tiền thật.
(Theo Zing)