Cam Trung Quốc nhập về qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) khoảng 20 tấn/ngày, song, tất cả lượng cam này khi về đến Hà Nội đều biến thành cam Cao Phong - đặc sản của Hòa Bình để lừa người mua.
"Cam Cao Phong" giá 25.000 đồng/kg ở Hà Nội
Vào những ngày nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ cam của người dân tăng vọt. Trên thị trường, ngoài cam sành ở phía Nam chuyển ra, tại Hà Nội còn xuất hiện tràn lan loại cam quả to, vỏ vàng, hơi rám nắng, được dân buôn bán hoa quả quảng cáo là cam Cao Phong đặc sản nên nhiều người đã mua về ăn.
Bà Trần Thị Sách ở Trần Đại Nghĩa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, 2 tuần nay nắng nóng, bà thường xuyên mua cam về giải nhiệt. Nhưng bà không chọn cam sành, bởi loại cam này chỉ để vắt nước, còn cam Cao Phong bổ miếng ăn được, lại ngon ngọt nên được bà tin tưởng chọn mua. Đặc biệt, giá cam Cao Phong đang rất rẻ, chỉ 25.000-30.000 đồng/kg.
“Loại này hàng rong ngoài phố bán đầy, hàng nào cũng chất ú ụ 2 sọt thồ nên tôi tranh thủ mua cho cả nhà ăn”, bà Sách nói.
Cam Cao Phong đặc sản của Hòa Bình đã hết mùa từ tháng 4 |
Song, bà Sách cũng thấy lạ bởi, vào mùa này rồi mà cam Cao Phong lại rẻ vậy. Trong khi đó, chính vụ cam bà mua đã 35.000-40.000 đồng/kg. Những người bán hàng rong cũng nói đây là cam cuối vụ, nhưng thông thường, hoa quả thời kỳ cuối vụ chắc chắn sẽ đắt hơn lúc thu hoạch rộ.
Ghi nhận thực tế, trên các tuyến phố Thủ đô, người đi đường có thể thấy rất nhiều hàng rong quảng cáo bán cam Cao Phong bán với giá rất rẻ.
Tạt vào một cửa hàng bán cam Cao Phong trên đường Nguyễn Xiển (Hoàng Mai, Hà Nội), PV được chủ hàng tên Oanh mời: “Cam Cao Phong mùa này thì nhất rồi nhé, giá rẻ, cam cuối vụ nên chín ngọt lịm, ăn không chê vào đâu được”.
“Chị có người nhà trên Hòa Bình, hàng ngày đều gửi cam xuống đây cho chị bán nên em yên tâm là cam tươi, ngon. Khách ghé hàng chị mua một lúc cả 4-5kg. Ngày nào chị cũng bán trên 2 tạ cam này chứ có ít đâu. Nay giá rẻ có 25.000 đồng/kg thôi”, chị này nói tiếp.
Tương tự, tại những hàng bán cam khác, chủ hàng đều khẳng định loại cam vỏ vàng, hơi rám nắng, cuống vẫn còn lá tươi rói chính là cam Cao Phong, đặc sản nổi tiếng ở Hòa Bình.
Toàn cam Tàu đội lốt
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Văn Hiến, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cao Phong (Hòa Bình) cho biết, cam Cao Phong hầu như đã hết mùa, số lượng còn rất ít, chỉ bán ở trong thị trấn.
Theo ông Hiến, mùa thu hoạch cam Cao Phong bắt đầu tháng 8 cho đến tháng 4 thì kết thúc.
Còn chuyện cam Cao Phong đang được bày bán tràn lan ở Hà Nội, giá chỉ từ 25.000-30.000 đồng/kg, ông Hiến khẳng định: “Đó chắc chắn không phải cam Cao Phong của Hòa Bình”.
Loại cam V2 ở Cao Phong luôn có giá bán tại vườn là 40.000-75.000 đồng/kg, tùy loại và tùy thời điểm, cam Canh giá cũng từ 20.000-40.000 đồng/kg, cam Xã Đoàn 20.000-25.000 đồng/kg. Thế nên, cam Cao Phong về đến Hà Nội chắc chắn sẽ không có giá rẻ như vậy, ông Hiến giải thích.
Nhưng tại Hà Nội hiện nay, cam Cao Phong vẫn được bày bán tràn lan với giá rẻ chỉ từ 25.000-30.000 đồng/kg |
Vậy, loại cam đang được quảng cáo là cam Cao Phong đặc sản Hòa Bình đó có nguồn gốc từ đâu?
Bà Nguyễn Thị Hà, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 (Lạng Sơn), cho biết, có hai loại cam Trung Quốc được nhập nhiều về Việt Nam. Đó là loại cam vỏ xanh, khi ăn có thể bóc vỏ, được nhập nhiều nhất vào thời điểm tháng 9 âm lịch; còn loại cam vỏ vàng, có kiểu dáng giống với loại cam Cao Phong, thường bổ khi ăn thì mùa này đang nhập nhiều.
Loại cam lòng vàng, vỏ vàng cũng được chia ra làm hai loại, một loại không hạt và một loại có hạt. Loại có hạt mùa này từ Trung Quốc về Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) rất nhiều, trung bình khoảng 20 tấn/ngày.
Trong khi đó, bà Bùi Thị Liên, một đầu mối có gần 25 năm buôn bán cam tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) cũng tiết lộ, loại cam lòng vàng được dân buôn gắn mác “cam Cao Phong” đó chính là cam Tàu. Theo bà Liên, mùa này cam lòng vàng của Trung Quốc về nhiều, giá lại rẻ, lại giống hệt cam Cao Phong nên dân buôn bán hoa quả rong thường gắn mác cam đặc sản của Hòa Bình.
Tuy nhiên, nếu để ý kỹ mọi người có thể phân biệt được đâu là cao cam Cao Phong, đâu là cam Tàu.
Đơn cử, cam Tàu bổ ra có thể thấy tép cam bên trong múi hơi nhạt màu, không vàng đậm như cam Cao Phong, cuống cam vẫn có lá tươi rói. Còn cam Cao Phong không có cuống, bổ ra thấy lòng cam vàng, tép cam giòn.
Còn nếu chỉ nhìn hình dáng bên ngoài thì nếu không phải dân trong nghề, khó có thể phân biệt được. Nhiều bà nội trợ đã sai lầm khi cho rằng, cứ bổ quả cam ra thấy có hạt là cam Cao Phong, không có hạt là cam Tàu.
Tuy nhiên, cam Trung Quốc hiện nhập về Việt Nam có cả loại có hạt và không hạt, bà Liên cho hay.
Ông Nguyễn Văn Hiến cũng thừa nhận, đặc điểm dễ nhận biết nhất của cam Cao Phong là khi hái xuống, chỉ vài tiếng sau lá héo ngay chứ không giữ tươi được lâu. Vào cuối mùa, núm cuống cam Cao Phong có màu hơi xanh xanh, vàng vàng, đầu cuống hơi khô. “Thời điểm cuối vụ, cây không cung cấp chất dinh dưỡng cho quả nữa mà sẽ hút chất dinh dưỡng ngược lại từ quả cam nên cam mới hơi khô ở đầu cuống”, ông Hiến nói.
Bảo Phương