Gà Đông Tảo quý nhất đôi chân, nhưng thay vì đem chế làm mồi nhắm thì nay lại rộ lên mốt chơi chân gà ngâm rượu. Có người còn từ chối bán chú gà Đông Tảo giá cả cây vàng bốn số 9 của mình, quyết giữ lại để sau này lấy chân ngâm rượu ngắm.

Sở hữu hai bình rượu ngâm hai đôi chân gà Đông Tảo thuộc hàng siêu khủng, với mỗi chiếc nặng đến 1kg, anh Giang Tuấn Trưởng ở xã Đông Tảo (Khoái Châu, Hưng Yên) chia sẻ, ở xã anh hiện đang rộ lên thú chơi chân gà Đông Tảo ngâm rượu. Thú chơi này bắt đầu từ năm 2015 cho tới nay, và số lượng người đem chân gà ngâm rượu ngày càng nhiều.

Anh Trưởng kể, xã Đông Tảo quê anh có nghề nuôi gà Đông Tảo nổi tiếng từ xưa, song, mấy năm gần đây thì rộ lên thành phong trào. Nhà nhà nuôi, người người nuôi. Thậm chí, không chỉ ở Khoái Châu, nhiều địa phương khác cũng bắt đầu nuôi giống gà Tiến vua này.

{keywords}
Hai bình rượu ngâm chân gà Đông tảo của anh Giang Tuấn Trưởng

Song, số gà Đông Tảo thuần chủng vẫn rất hiếm và quý. Thế nên, một số người vì quá yêu quý con gà của mình đã từ chối bán dù khách trả giá lên tới cả cây vàng.

Như anh cũng vậy, sở hữu trong tay những con gà Đông Tảo thuần chủng, nuôi và gắn bó với chúng cả 5-6 năm trời nên có rất nhiều tình cảm, coi chúng như những người bạn. Khách đến trả giá 40 triệu đồng/con chủ cũng không muốn bán, giữ lại nuôi đến khi chúng già yếu quá thì lại đem thịt. Riêng đôi chân để ngâm rượu, hàng ngày đem ra ngắm cho đỡ nhớ.

“Hồi giữa năm 2015, chú gà trống Đông Tảo của tôi già yếu quá nên phải đem thịt, đôi chân của chú ấy nặng đúng 2 kg được đem đi ngâm rượu. Sau một thời gian, con gà mái mà tôi yêu quý nhất đàn bị hỏng bộ phận sinh sản nên tôi lại cắt chân đem ngâm rượu để lưu lại”, anh chia sẻ.

Anh Trưởng cũng cho biết, anh không phải là người đi đầu trong thú chơi chân gà ngâm rượu mà trước đó đã có một vài người từng làm tương tự. Giờ thì cứ người này học người kia nên số lượng người ngâm rượu chân gà Đông Tảo ngày một nhiều hơn.

{keywords}
Chân gà Đông Tảo đem ngâm rượu đang là thú chơi riêng của dân nuôi gà ở Khoái Châu

{keywords}
Mỗi người thường sở hữu từ 1-2 bình rượu ngâm chân gà

Đặc biệt, có một khách hàng ở trong miền Nam còn đặt hàng mua ngay một con gà Đông Tảo thật đẹp về nuôi. Hỏi ra mới biết vị khách này mua về nuôi với mục đích để sau khi lớn lên sẽ giết thịt, còn chân thì đem đi ngâm rượu cho thỏa mãn đam mê của mình.

Theo anh Trưởng, gà Đông Tảo quý nhất đôi chân, nhìn chân con gà họ sẽ đánh giá được con gà đó thuộc dòng gì, có phải giống thuẩn chủng quý hiếm hay không. Bởi, dân nuôi gà Đông Tảo chuyên nghiệp chỉ ngâm rượu những đôi chân gà quý hiếm, mình trân trọng, còn gà chân gà loại thường thì không ngâm bao giờ.

Những đôi chân gà đem ngâm rượu thường là những đôi chân có vảy là mô thịt xếp đều lên nhau giống hình vẩy cá chứ không phải đôi chân xù xì. Chân gà phải có đế to, ngón chân bụ bẫm, màu chân đỏ đẹp. Đặc điểm không thể thiếu là chân phải to, càng to càng tốt, anh Trưởng cho hay.

{keywords}
Chân gà đem đi ngâm rượu thường là chân của những con gà quý hiếm
{keywords} {keywords}

Cũng có cùng sở thích, anh Đỗ Tiến Đạt ở Yên Mỹ (Hưng Yên) cũng là dân nuôi gà Đông Tảo chuyên nghiệp cho biết, anh và vài người bạn của anh mỗi người cũng đang sở hữu 1-2 bình rượu ngâm chân gà Đông Tảo. Cứ mỗi bình ngâm một cặp chân gà. Đặc biệt, trong vòng 2 năm trở lại đây, dân nuôi gà bắt đầu ngâm chân gà Đông Tảo nhiều hơn.

“Mọi người hay ngâm rượu rắn, rượu tay gấu, rượu sâu chít,... để uống. Còn những người đem chân gà đi ngâm rượu thì mục đích chính là để chơi, lưu giữ được lâu. Bởi, từ trước đến nay, có khá nhiều người ngâm rồi nhưng không ai đem rượu đó ra uống cả”, anh chia sẻ.

“Tôi đang có một chú gà, chú này cũng thuộc loại khủng, giống thuần chủng, tướng oai hùng nhưng do già yếu (nuôi được gần 5 năm) nên tôi đang chọn ngày đẹp, hóa kiếp cho chú rồi cắt chân chú đem đi ngâm rượu. Tôi ước tính đôi chân của chú gà này phải được tầm 7-8 lạng/chiếc”, anh Đạt khoe.

Trước đó, ông Lê Xuân Vết ở Khoái Châu vì quá yêu quý con gà Đông Tảo 6 năm tuổi của mình đã quyết không bán chú gà đi dù có khách trả tới 60 triệu đồng. Ông giữ lại nuôi đến khi chú gà già yếu, ông đã giết thịt, sau đó đem đi ngâm rượu toàn bộ con gà của mình để hàng ngày có thể nhìn ngắm thỏa thích.

Bảo Phương