- Ở nước ta, có nhiều cây gỗ sưa cổ thụ được trả giá hàng chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ, nhưng dân làng quyết không bán. Có những gốc sưa tưởng chừng như đã mục nát cũng được trả giá siêu khủng.
Cây sưa 200 tuổi được rao bán hơn 20 tỷ
Những lùm xùm và thậm chí là ẩu đả liên quan đến cây sưa từng được rao bán 50 tỷ ở đình làng Đông Cốc, bên bờ con sông Dâu cổ (thôn Đông Cốc, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đang là câu chuyện được nhiều người quan tâm.
Cụ thể, ngày 7/12, UBND xã Hà Mãn đã tiến hành tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch hạ giải cây sưa đã bị chết một nửa thân tại đình làng Đông Cốc để giao người trúng đấu giá.
Cây sưa đỏ 200 tuổi có người hỏi mua với giá 49 tỷ |
Theo báo ANTĐ, khi hội nghị vừa bắt đầu thì xuất hiện một số đối tượng gây rối, ẩu đả dẫn đến xô xát, gây mất an ninh trật tự khiến một người bị chảy máu đầu. Người dân cho rằng, cây sưa đỏ này đã có người trả đến 49 tỷ đồng nhưng chính quyền lại bán với giá chỉ 24 tỷ. Cuối cùng, đại gia mua được cây sưa này là ông Nguyễn Văn Hùy (Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh).
Trong đình Đông Cốc hiện có 2 cây sưa cổ thụ, một cây 400 năm tuổi có tán rộng ôm kín một phần mái đình, đường kính 3 người ôm; một cây 200 tuổi nằm ngay sát cổng đình.
Cả làng ngày đêm canh 2 gốc sưa triệu đô
Cổng chùa làng Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) có hai cây sưa tuổi đời hàng trăm năm. Đây được xem là biểu tượng văn hóa, tâm linh của làng. Mỗi cây cao hàng chục mét và đường kính hơn một mét, 2-3 người ôm mới xuể. Người ta ví đó là hai khối vàng ròng lộ thiên, vì giới buôn sưa sành sỏi từng định giá rẻ nhất cũng 150 tỷ đồng.
Gốc sưa triệu đô ở làng Phụ Chính. |
Năm 2010, khi một số cành sưa bị gẫy đổ vì mưa bão, các cụ già trong thôn đã tổ chức họp bàn với dân làng chặt thêm phần cành già cỗi, bán đấu giá lấy tiền sửa chùa và công trình phúc lợi khác. Một người ở làng Đồng Kỵ (Từ Sơn) trúng đấu giá 2,506 m3 với số tiền 20,5 tỷ đồng.
Vết cắt của cành sưa giá 20,5 tỷ đồng. |
Sau thương vụ 20,5 tỷ đồng, làng Phụ Chính không có lấy một ngày yên ả. Sưa tặc chính hiệu từ khắp nơi kéo về đêm ngày phục kích, chỉ chờ dân làng sơ hở. Làng Phụ Chính một mặt cắt cử người trong thôn luân phiên nhau canh gác 24/24, một mặt xây tường bao chung quanh gốc cây để bảo vệ. Không một giây phút dám lơ là, ấy vậy mà đám sưa tặc vẫn không chịu thua.
Cách đây vài năm, một trong hai nhánh ở cây sưa lớn hơn bị cắt trộm. Sau lần đó, hai cây sưa cổ được tăng cường bảo vệ nhằm đảm bảo một cách tuyệt đối.
Sưa đỏ trăm tỷ bị đốn hạ ở Quảng Bình
Vào tháng 10 năm 2012, một cây sưa đỏ được cho là lớn nhất Việt Nam với giá trị hàng trăm tỷ đồng tại Quảng Bình đã bị nhóm lâm tặc đốn hạ. Cây sưa này có đường kính trên 2m, cao hơn 20m, nằm tại khu vực biên giới Việt - Lào, thuộc địa bàn huyện Minh Hóa. Giới đầu nậu truyền tai, giá cây sưa này lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Cây sưa trăm tỉ ở khu vực Hin Nậm Nô (Lào) giáp biên giới huyện Minh Hóa (Quảng Bình) bị đốn hạ. |
Nhóm lâm tặc đã huy động người quen, người nhà vượt biên qua Hin Nậm Nô dùng cưa máy, mìn để đánh đá lấy rễ, tận thu cành nhánh. Cây sưa đỏ trên đã được lâm tặc cưa xẻ xong và đang chờ cơ hội để tẩu tán về xuôi.
Vụ việc được nhóm mót sưa của ông Lê T. (huyện Bố Trạch) phát hiện khi nhóm này vào rừng săn sưa khô.
Gốc sưa khủng dưới ngầm đá ở Quảng Bình
Gốc gỗ sưa này có chiều dài thân 1,65m, rộng 1m bị mắc kẹt tại khu vực ngầm Bến Tróoc được hai cha con ông Nguyễn Văn Thời và Nguyễn Quang Huy (trú tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đi đánh cá phát hiện vào ngày 23/2/2014. Sau 2 ngày, lực lượng chức năng địa phương đã trục vớt được gốc sưa trên.
Gốc sưa “ khủng” được trục vớt thành công. |
Sau khi làm sạch, gốc sưa khủng được cơ quan chức năng đưa vào bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình vào chiều 20/10/2014 nhằm phục vụ việc trưng bày cho khách tham quan.
Các cơ quan chức năng kết luận gốc sưa này thuộc loại sưa mộc vàng (gỗ nhóm 1) và gốc sưa đã bị mục rỗng phần lõi trong. Trọng lượng là 2.140kg. Tính theo giá thị trường hiện tại dao động từ 12-15 triệu đồng/kg, ước tính gốc sưa khủng này trị giá khoảng 17 - 20 tỷ đồng. Đây cũng là gốc sưa lớn nhất được phát hiện từ trước tới nay tại Quảng Bình.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)