Với thế trực hoành, cành đổ bạt phong, có nguồn gốc từ núi Côn Sơn Kiếp Bạc, vùng đất “địa linh nhân kiệt”, cây vạn tùng khoảng 200 tuổi của anh Nguyễn Văn Uy (Thạch Thủy, Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương) đang được một nữ đại gia ở Hà Nội trả giá hơn 2 tỷ đồng. Song, gia chủ vẫn chưa quyết định trao tay…
Anh Uy cho biết, anh bắt đầu chơi cây cảnh từ năm 2005. Câu chuyện anh đến với cây cảnh bonsai cũng khá thú vị. Trước đó, anh từng là chủ một trang trại VAC lớn với 5ha vải thiều, hơn 1.000m2 ao thả cá và hàng nghìn con gà. Chẳng may bị kẻ xấu rủ rê, anh sa vào cờ bạc và tài sản cứ thế "đội nón" ra đi.
Cây vạn tùng khoảng 200 năm tuổi, có nguồn gốc ở núi Côn Sơn Kiếp Bạc khiến nhiều đại gia sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đồng để sở hữu nó... |
Cuối năm 2005, vợ anh đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan về, khi biết anh đã bán hết trang trại vì thua cờ bạc, vợ không trách móc, nặng nhẹ mà chỉ bảo: “Nếu anh thương vợ con thì hãy đứng lên".
"Tôi rơm rớm nước mắt và hứa sẽ làm lại từ đầu" - anh Uy nhớ lại.
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cây cảnh rộng hơn 1.000m2, với 1.000 cây cảnh thuộc 40 loại khác nhau, nhiều cây có giá trị hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng.
"Thực ra, lúc đó tôi cũng chưa biết nên làm cái gì để kiếm sống, vực lại kinh tế gia đình. Tình cờ thấy trên ti vi nói về làng nghề Điền Xá (Nam Trực, Nam Định) chuyên trồng và kinh doanh cây cảnh, đời sống người dân rất khá giả, thế là hôm sau tôi bắt xe về Nam Định học hỏi kinh nghiệm" – anh Uy kể.
Nếu nhìn chếch, cây vạn tùng quý hiếm của anh Uy này vừa có dáng thế trực hoành vừa có cành, tán lá "bạt phong", một trong các dáng thế được giới cây cảnh ưu thích. |
Cây vạn tùng này cao chừng 4m, đường kính 40cm, tán lá tỏa sang hai bên trông rất bề thế, đẹp mắt. |
Ban đầu ít vốn, anh đến các nơi hẻo lánh mua cây sanh, tùng, lộc vừng... và săn cây có thế độc, rồi về uốn nắn tạo thế bán kiếm lời. Chỉ sau vài năm khu vườn của anh đã có hàng trăm cây cảnh các loại... Những năm 2008 – 2012, cây cảnh lên ngôi, có những cây anh mua đi, bán lại mà lãi ngót tỷ đồng. Nhờ đó, mà anh đã có tiền xây lại ngôi nhà khang trang to đẹp, nuôi con ăn học trưởng thành.
Gốc và thân cây sần, toát lên vẻ cổ kính, rêu phong, trường tồn với thời gian. |
Nghề gì cũng có lúc thịnh – suy và nghề làm cây cảnh cũng vậy. Đáng buồn là trước đó khi bán cây có lãi, anh Uy đã “vào” hàng chục cây khủng, có cây lên đến cả tỷ đồng. Cuối năm 2012, thị trường lao dốc rồi đóng băng, khiến anh rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Giữ cây thì lo, mà bán cây thì lỗ. Và rồi dù lỗ hàng trăm triệu, thậm chí có cây lỗ ngót tỷ đồng, nhưng anh Uy đành “nghiến răng” trao tay cho người khác mà lòng đau quặn thắt...
Cây vạn tùng khá khó uốn bởi đây là cây thuộc họ thân gỗ lớn, rất cứng và giòn dễ gãy. Tuy nhiên, anh Uy đã kỳ công 10 năm trời để uốn nắn, biến nó thành một tác phẩm kiệt tác. |
Khó khăn là thế, nhưng trong vườn của anh đã có một cây vạn tùng ngót 200 năm tuổi, nhiều đại gia trả giá ngót 2 tỷ đồng, nhưng anh quyết không bán. Anh Uy bảo, cây vạn tùng này có rất nhiều kỷ niệm đối với anh.
Khi mua về, cây vạn tùng chưa có dáng thế đẹp như bây giờ: “Tất cả tâm huyết, tôi đã dồn hết vào để chăm sóc cây vạn tùng này. Cây đẹp bởi có dáng trực hoành, cành nghiêng bạt phong, cổ kính khi nó có tuổi đời khoảng 200 năm tuổi. Thế dáng này thể hiện sự kiên cường, bất khuất, cứng rắn trước bão tố phong ba cây vẫn đứng thẳng không lung lay…” – anh Uy chia sẻ. |
Vạn tùng quý hiếm này được anh Uy trồng trên một cái ang lớn, cây có chiều cao khoảng 4m, đường kính khoảng 40cm, cành nghiêng về một hướng, trông vừa có nét mềm mại, vừa có sự cứng rắn, kiên cường…
Anh Uy cho biết, cây Vạn tùng này được trả giá lên đến hơn 2 tỷ đồng là do nó được hội tụ bởi rất nhiều yếu tố như về tuổi, xuất xứ, thế dáng đẹp,...
“Cây Vạn tùng này đã từng có nhiều đại gia đến chiêm ngưỡng và trả giá, nhưng tôi chưa quyết định bán. Tuần trước có một nữ đại gia ở Hà Nội qua một người giới thiệu đã tìm đến tận nhà tôi để xem cây. Cách ngắm cây và sự nâng niu, gần gũi với cây của chị làm tôi rất ấm lòng. Chị không những là một đại gia, mà còn là một người chơi cây, yêu cây thực sự”.
Đưa mắt nhìn lên cây vạn tùng với vẻ mặt đầy tự hào, anh Uy nói tiếp: “Như tôi đã nói, tôi đã dành hết tâm huyết vào cây Vạn tùng này uốn nắn để nó trở thành một tác phẩm, một kiệt tác như bây giờ. Hơn 2 tỷ đồng, một số tiền không hề nhỏ, song với tôi, tiền không phải là tất cả. Vì thế tôi chỉ quyết định trao nó cho một ai đó, khi tôi gặp được một người có đủ tâm và đủ tầm sở hữu nó” – anh Uy bộc bạch.
(Theo Dân Việt)