Chiếc bát được sản xuất năm 2013 và kẻ lừa đảo đã làm vài động tác biến bát mới thành bát cổ quý giá.
Cổ vật là một thứ rất thường với những ai không đam mê, nhưng lại là của báu với những người yêu thích. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, thì cổ vật cũng đem lại những giá trị to lớn, cả tiền bạc lẫn tinh thần. Cho nên, chỗ nào có lợi ích, chỗ đó có lừa lọc. Mà lừa lọc trong cổ vật lại muôn hình muôn vẻ, để rồi có những vị sành sỏi trong nghề vẫn vỗ đùi đen đét mắng mình là dại.
Thế nào là cổ vật?
Tôi muốn bắt đầu từ câu hỏi này. Nhưng đáp án chung dường như là không có. Người thì cho rằng, vài trăm năm trở lên, người khác khẳng định vài chục năm là được. Năm 2000, lần đầu tiên nước ta ban hành Luật Di sản văn hóa, trong đó xác định cổ vật là các giá trị văn hóa vật thể ghi dấu ấn văn hóa của con người, là sản phẩm con người tạo ra và có tuổi từ 100 năm trở lên.
Thực ra, các quốc gia phát triển trên thế giới đã định nghĩa về cổ vật từ lâu. Cổ vật khác hẳn với “đồ xưa”, thậm chí có nước còn quy định cổ vật là thứ trải qua ít nhất 300 năm tuổi. Còn ở nước ta, thế giới cổ vật vẫn đang nhập nhèm tranh tối tranh sáng.
Ông Nguyễn Trường cho rằng, chỉ cần cho vài hợp chất thì đồ đồng sẽ có tuổi đời như ý muốn |
Ông Nguyễn Trường, một người chơi đồ cổ kinh nghiệm ở Quán Thánh (Hà Nội) cho rằng: Những ai đã thạo cuộc chơi thì đều ngấm cái câu “nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi”. Nhưng chưa đủ, vì cần phải thêm hai tiêu chí nữa là “độc” và có “thân phận” rõ ràng.
Cái câu “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” xem ra là để ứng dụng với tiêu chí “độc” trong cổ vật. Chỉ quý cái đồ tốt, tinh xảo và hiếm chứ không quý thứ có nhiều. Bởi vậy, có những cái quý nhưng chưa chắc đã hiếm. Nhưng cái gì hiếm thì chắc chắn sẽ quý.
Một chiếc bát sản xuất năm 2010 nhưng được phù phép thành bát cổ |
“Thân phận” của cổ vật cũng được người sành chơi xem xét. Các vật của vua quan, danh nhân thì có giá trị hơn hẳn của người bình dân. Lại xét đến các vật có hiệu đề, tên lò sản xuất, minh văn cung tiến… như là giấy khai sinh của cổ vật vậy.
Bát mẻ giá trăm triệu
Đầu năm 2015, giới cổ vật Nam Định xôn xao chuyện một nhà sưu tầm có tiếng may mắn mua được một chiếc bát cổ với họa tiết hoa sen, có đường kính miệng khoảng 11cm. Tuy chiếc bát cổ không được hoàn hảo vì sứt một miếng nhỏ nhưng bù lại, đó là loại gốm đầu tiên được làm cho hoàng cung và sử dụng kỹ thuật tráng men của phương Tây.
Một lò sản xuất gốm Bàu Trúc làm theo lối giả cổ |
Ông TT.Đức, người mua được chiếc bát ấy, cho hay: “Một người đã đến nhà tôi đem theo chiếc bát và giới thiệu là vật gia truyền. Anh ta bảo không sành đồ cổ nhưng nghe cụ kỵ kể lại là chiếc bát làm thời nhà Thanh. Tôi có xem xét rất kỹ dáng hình, chất men, họa tiết và phán đoán đúng là đồ hoàng cung nhà Thanh. Rất quý và hiếm”.
Ông Đức mừng thầm: Nếu mua được chiếc bát này, chắc chắn sẽ bán được triệu đô. Vậy là sau vài lần hỏi han gạ bán, gạ mua, anh thanh niên lạ mặt kia đồng ý để lại cho ông Đức giá tròn chẵn 100 triệu đồng.
Nghe tin ông Đức mua được của báu, bạn bè đến xem cũng tấm tắc khen. Một người bạn chơi cổ vật người Huế cũng bay ra chia vui. Vừa cầm chiếc bát, người bạn nói với ông Đức: hình như đồ giả.
Ngay hôm sau, ông Đức cùng người bạn người Huế đem chiếc bát đi thẩm định. Đúng như phán đoán, chiếc bát được sản xuất năm 2013 và kẻ lừa đảo đã làm vài động tác biến bát mới thành bát cổ quý giá. 100 triệu đồng của ông Đức đi tong, lại còn mang tiếng “già mà dại”.
Rẻ như ấm Thế Đức
Ông Mông Nông Vũ, một người sành sỏi trong thú sưu tầm bình trà |
Ông Mông Nông Vũ, một nhà sưu tầm ấm trà cổ nổi tiếng Thái Nguyên vừa tiết lộ, có một vài người chuyên đi bán đồ cổ, mà lại bán rất rẻ. Đáng chú ý là thứ rất rẻ ấy lại vô cùng quý hiếm: ấm Thế Đức gan gà.
Các cụ vẫn dạy: Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần. Ông Trần Ph ở Hà Nội thì lại mê ấm lắm. Nghe đâu có ấm cổ là ông tìm đến ngay và mua cho bằng được nếu thứ ấy trong nhà ông chưa có.
Rồi không biết thế nào, có người bắn tin cho ông ở Lạng Sơn có người giữ ấm Thế Đức màu gan gà. Ông lên ngay, họ hẹn gặp ở một quán cà phê. Đưa chiếc ấm ra, ông Ph ngắm nghía, xem hết dáng lẫn da, lật cả trôn ấm mà xem đến Hán tự. “Cái ấm ấy cao trà đã dầy và sâu lắm rồi, tôi nghĩ ít cũng phải 300 năm mà lại khá nguyên vẹn”, ông Ph tâm sự.
Sau vài lần hện lên hẹn xuống, cuối cùng người ấy đem ấm xuống Hà Nội bán cho ông Ph với giá chỉ 3 triệu đồng. Thậm chí, anh này còn bán rẻ cho ông Ph một cái ấm Lưu Bội nữa cũng chỉ với giá 2 triệu.
Ấm vừa được đặt vào tủ kính thì một người trong ngành khảo cổ đến. Chưa cần sờ vào đã phán: Ấm giả 100%. Ấm này giá bán không đến 300 ngàn đồng, những kẻ lừa đảo đặt hàng đầy ở bên Giang Tô (Trung Quốc) rồi về nấu luộc lại cho cao trà dính vào. Chứ cứ tính, ấm cổ gì mà rẻ thế.
Biến mới thành cũ
Ông Mông Nông Vũ thừa nhận: “Thế giới cổ vật quá lọc lừa, lừa đến độ tinh vi nên người sành nghề nhiều khi cũng dính bẫy. Kẻ làm đồ già cổ có đủ chiêu trò biến đồ mới tinh thành cổ vật vài trăm năm tuổi”.
Như ấm gốm mua về, chỉ cần lấy giấy nhám vo nhuyễn đánh nhẹ từ trong ra ngoài rồi đem ninh nhừ với trà khoảng 7 ngày 7 đêm. Sau đó đem ra lau khô, ủ với trà mạn khoảng chục ngày rồi rỏ lên ấm vài giọt hóa chất thì mắt thường không thể nhận ra là ấm mới.
Một phụ nữ chơi cổ vật nhưng mua phải bình giả cổ |
Ông Nguyễn Trường lại tiết lộ bí mật mà bọn làm đồ giả cổ thực hiện với đồ đồng đen là thoa dung dịch CuSO4 lên bề mặt và ngâm trong nước javel. Còn đồ gốm sứ, chúng có thể thực hiện phương pháp “nuốt men”.
Cách này là đặt đồ vật lên bàn xoay, phía đối diện là máy bắn cát cho mòn lớp men đi. Sau đó, chúng xoay trôn bình lên và bắn tiếp. Cách này khá hiệu quả vì đánh vào tâm lý “đồ cổ là phải cũ” của những con mắt phiến diện.
“Còn nhiều chiêu trò phù phép biến đồ cũ thành đồ mới lắm. Cho nên, bây giờ thật giả lẫn lộn hết cả. Ngay cả máy móc khi chụp “phổ kế phối” và xác định đếm C14 của cổ vật còn bị qua mặt nữa là mắt thường”, ông Trường cho hay.
“Đàm về chơi cổ vật thì còn nhiều chuyện, song đó là thú vui tốn kém tiền bạc công sức mới mong có được một sưu tập cổ vật đích thực. Thời gian qua đi không trở lại, tiền bạc bỏ ra mua đồ cổ về chơi cũng không lấy lại được. Ấy vậy mà lại đem về các món đồ giả cổ thì quá buồn”, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hội cổ vật Thăng Long – Hà Nội.
(Theo Báo Dân sinh)