Nhiều người tiêu dùng sẽ không thể ngờ rằng những chiếc đũa ăn một lần thường sử dụng lại được sản xuất theo quy trình độc hại đến vậy.
Những chiếc đũa ăn một lần không còn xa lạ với người tiêu dùng vì sự tiện lợi của nó. Những chiếc đũa này được sử dụng phổ biến, nhất là trong các quán ăn bình dân. Thế nhưng, ít người biết được những chiếc đũa trắng ấy được ra lò theo quy trình như thế nào.
Tại xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, Hòa Bình, những xe chở tre được vận chuyển tấp nập. Mỗi xe chở tre này cũng đồng nghĩa là hàng tấn chiếc đũa tre chuẩn bị ra lò. Sau khi cưa, cắt và đưa qua máy tiện, hình dáng chiếc đũa cũng dần được hình thành. Tại một cơ sở sản xuất, người ta không mấy quan tâm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi xếp bó đũa ngay cạnh đường đi nên đũa còn "được" trộn thêm với bùn đất bẩn.
Vì nguyên liệu toàn bộ là tre tươi nên đũa sẽ bị mốc và mối mọt nên quy trình không thể thiếu để sản xuất là ủ và sấy lưu huỳnh – một hóa chất độc hại dùng để chống mốc và tẩy trắng. Loại khí này đã khiến phóng viên lập tức cảm thấy tức ngực, chóng mặt sau khi hít phải. Dù không được các cơ quan chức năng huyện Mai Châu cho phép sử dụng nhưng cơ sở sản xuất vẫn tùy tiện xông lưu huỳnh cho các mẻ đũa.
Với hàng tấn lưu huỳnh được chất trong kho, sẽ chẳng ai tính được có bao nhiêu đũa ăn sẽ bị xông hóa chất để bán ra thị trưởng. Chống mốc thôi chưa đủ, người làm còn sử dụng thêm một loại bột trắng để tạo độ trơn bóng cho đũa. Trên bao bì hóa chất ghi rõ, hóa chất này chỉ sử dụng trong công nghiệp. Vậy khi người làm rải trực tiếp lên bề mặt đũa ăn – một dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm - không thể đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Phóng viên đã khảo sát 3 cơ sở sản xuất đũa ở xã Vạn Mai, tất cả đều sử dụng lưu huỳnh chống mốc và bột trắng làm trơn đũa và mỗi cơ sở có thể sản xuất được hàng trăm tấn đũa ăn thành phẩm một tháng. Ngoài cung cấp đũa thô cho các cơ sở lân cận, hầu hết các cơ sở ở Vạn Mai đều có xưởng đóng gói dán mác để bán ra thị trường.
Tiến hành kiểm tra hai mẫu đũa ăn lấy từ cơ sở xã Vạn Mai, chỉ sau vài giây, cốc nước đã xuất hiện vẩn đục, lớp màng trắng và nhiều tạp chất nổi lên, thậm chí nước ngâm lần đầu tiên còn chuyển sang màu vàng nhạt. Kết quả phân tích phát hiện lưu huỳnh tồn dư trong đũa với hàm lượng vượt quá tiêu chuẩn gần 2 lần và giảm đáng kể sau khi ngâm 3 lần trong nước.
(Theo VTV)