Theo Bộ NNN-PTNT, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh và hiện chưa có thuốc điều trị cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh.

Từ tháng 2/2019 đến nay, bệnh đã xuất hiện và lây lan ra 44 tỉnh, thành phố ở nước ta, buộc phải tiêu huỷ 1,7 triệu con lợn, chiếm 5% tổng số đàn lợn cả nước. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn, gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường.

Bộ này nhận định, trong thời gian tới, nguy cơ DTLCP tiếp tục phát sinh và lây lan tại địa bàn các tỉnh, thành phố là rất cao. Cụ thể, dịch bệnh có thể lây theo 3 hướng: dễ dàng phát tán, lây lan nhanh và lan toả đến các địa bàn chưa bị; tái phát các ổ dịch cũ qua 30 ngày; bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn.

Theo đó, Bộ NN-PTNT hướng dẫn một số biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn khi có bệnh DTLCP dưới sự giám sát của cơ quan thú y.

Cụ thể, từ ngày 28/5/2019, các cơ sở giết mổ lợn tập trung và cơ sở giết mổ lợn nhỏ lẻ phải đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định của Luật thú y và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

{keywords}
Bộ NN-PTNT đã phải ban hành hướng dẫn một số biện pháp khẩn cấp về giết mổ, tiêu thụ sản phẩm từ lợn khi dịch bệnh này đang có chiều hướng ngày càng phức tạp

Cơ sở giết mổ lợn tập trung trong vùng dịch được phép tiếp nhận, giết mổ lợn khoẻ và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP từ cơ sở chăn nuôi lợn ở trong vùng dịch, ngoài vùng dịch thuộc phạm vi trong và ngoài địa bàn cấp tỉnh.

Lợn được vận chuyển, đưa vào cơ sở giết mổ phải bảo đảm theo quy định của Luật Thú y và các văn bản liên quan; không vận chuyển lợn đến các điểm thu gom tập trung để giảm thiểu nguy cơ lây lan mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Đối với lợn xuất phát từ cơ sở thu gom, kinh doanh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP trước khi vận chuyển đến cơ sở giết mổ. Cơ sở thu gom được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau mỗi lần thu gom; chất thải, nước thải được xử lý đảm bảo không lây lan mầm bệnh.

Trường hợp lợn có nguồn gốc từ tỉnh khác vận chuyển đến cơ sở giết mổ, ngoài yêu cầu kiểm tra âm tính với mầm bệnh DTCLP, lợn phải được kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh theo quy định.

Sản phẩm từ lợn sau giết mổ phải xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTCLP và được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng teho quy định. Các phương tiện vận chuyển cũng phải được vệ sinh, khử trùng, tiêu độc trước khi ra khỏi cơ sở chăn nuôi, trước khi vào và ra khỏi cơ sở giết mổ lợn.

Các cơ sở giết mổ nhỏ lẽ cũng phải thực hiện theo những quy định trên.

Riêng việc lấy mẫu và xét nghiệm mẫu, cơ quan thú y địa phương tổ chức thực hiện giám sát, lấy mẫu và gửi mẫu máu đến phòng thử nghiệm có thẩm quyền để xét nghiệm mầm bệnh DTLCP. Trước khi vận chuyển lợn đến cơ sở giết mổ, chủ cơ sở chăn nuôi lợn phải báo cáo cho cơ quan thú y địa phương để tổ chức giám sát, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh.

Theo đó, trong trường hợp xuất bán, vận chuyển dưới 100 con lợn thì phải lấy mẫu máu của 5 con để gộp thành 1 mẫu xét nghiệm (nếu cơ sở chăn nuôi có dưới 5 con lợn thì phải lấy mẫu tất cả lợn); trường hợp xuất bán, vận chuyển từ 100-300 con, phải lấy mẫu máu của 15 con gộp vào thành 3 mâix xét nghiệm; còn trường hợp trên 300 con thì phải lấy mẫu máu của 30 con gộp thành 6 mẫu xét nghiệm.

Trong văn bản hướng dẫn cũng nêu rõ, khi xét nghiệm kết quả cho dương tính với DTLCP, phải tiêu huỷ ngay toàn bộ số lợn tại chuồng nuôi, cơ sở thu gom, khu vực cách ly dương tính với mầm bệnh DTLCP; đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch, phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định.

Với cơ sở giết mổ, cơ sở bảo quản sản phẩm từ lợn có kết quả dương tính với mầm bệnh này phải thực hiện việc tiêu huỷ lợn, sản phẩm lợn của lô sản xuất dương tính; ngừng sản xuất và thực hiện việc tổng vệ sinh, sát trùng liên tục trong vòng 5 ngày trước khi giết mổ, kinh doanh trở lại.

B.H