Chỉ mới giặt 1-2 lần nhưng quần áo đã co rút, rách, phai màu hoặc mất dáng dù bạn cẩn thận tới đâu. Vì sao lại như vậy? Câu trả lời vô cùng đơn giản: vì nhà sản xuất muốn vậy để bạn phải liên tục mua những món mới, DailyMail viết.

Vì sao quần áo chóng hỏng?

Ngày nay, tuổi thọ của những món quần áo mà bạn vô cùng ưa thích chỉ là vài lần mặc, bất kể bạn cẩn thận tới mức nào. Sau đó, chúng ta lại lao tới High Street - cửa hàng trên mạng - và mua một món đồ mới với giá chỉ bằng một chiếc vé xem phim.

Khi phung phí hàng trăm bảng (tương đương cả triệu tiền Việt) cho một chiếc áo khoác hay một bộ vét, để rồi chúng hỏng luôn sau vài lần giặt, có bao giờ bạn tự hỏi, điều gì đang diễn ra?

Ngày nay, áo sơ mi của nam giới được thiết kế để chỉ xài trong khoảng 30 lần giặt, Hiệp hội chất liệu quốc tế cho hay. Một số hãng có tiếng còn sử dụng những chất liệu không bền để làm điểm nhấn bán hàng như Nike, bán 90 bảng (2.700.000 VND) cho đôi giày Mayfly. Loại giày này được thiết kế để rách sau khi người dùng đi hết 100 km. 

{keywords}

Quần áo may cách đây 50 năm tốt hơn hiện giờ và chất liệu quần áo chúng ta mặc thời nay cũng không bền như xưa

Vậy điều gì đã thay đổi? Lời giải thích rất đơn giản và rõ ràng, đó là "sự lỗi thời đã được định trước". Đây là một mánh lén lút của các nhà sản xuất, vốn thiết kế để vải nhanh mòn, dễ xô và rách thành từng mảnh, buộc khách hàng liên tục phải mua món đồ mới thay thế.

Ví dụ, bà của bạn mua một chiếc áo khoác và kỳ vọng sẽ mặc được trong 4 mùa đông. Tuy nhiên, hiện do quần áo ngày càng rẻ hơn thì kỳ vọng của chúng ta cũng phải thấp hơn", nhà tư vấn thương hiệu kiêm giám đốc sáng tạo tại Học viện thời trang London Tony Glenville nói. "Điều đó có nghĩa là, các nhà sản xuất có thể tạo ra những loại quần áo chưa hoàn chỉnh, với tuổi thọ chỉ đúng một mùa hoặc đôi khi là đúng một lần giặt".

Quần áo xưa bền hơn thời nay nhiều

Người tiêu dùng cũng có một phần trách nhiệm. Kể từ cuối những năm 1990, chuỗi cửa hàng High Street liên tục đưa ra hàng loạt bộ sưu tập mới với tốc độ chóng mặt, hợp với sở thích "thời trang siêu nhanh" của người dùng.

Các cửa hàng có hàng mới mỗi tuần và các món đồ lỗi mốt trong chớp mắt. Đó cũng là lý do tại sao số quần áo của phụ nữ hiện nay nhiều gấp 4 lần hồi những năm 1980.

Khảo sát gần đây cho thấy, các món quần áo thời trang chỉ được mặc 7 lần, với 33% số phụ nữ coi quần áo đã "cũ" chỉ sau vài lần mặc.

Tất cả đều có giá của nó. "Chúng ta đã quen với việc mua quần áo mới mà không cần kiểm tra chất lượng, chúng ta cũng chả để mắt tới đường may hay chất liệu của món đồ", Tony nói.

Ngoài ra, chất liệu những món đồ chúng ta mặc giờ cũng không bền như trước. Trước khi những chất liệu nhân tạo như polyester và nylon trở nên phổ biến, hầu hết các sản phẩm may mặc đều được làm từ chất liệu tự nhiên như len, lụa và lanh. Các loại vải tự nhiên bền hơn nhiều so với vải tổng hợp và nhân tạo, vì thế, nhiều món quần áo "cổ" tới giờ vẫn tồn tại.

{keywords}

Chất liệu tự nhiên sẽ bền hơn

Quần áo may cách đây 50 năm tốt hơn hiện giờ và chất liệu quần áo chúng ta mặc thời nay cũng không bền như xưa, Daniel Milford Cottam, người chuyên lập mục lục thời trang của Viện bảo tàng về thiết kế và nghệ thuật hàng đầu thế giới (V&A) nói.

Theo ông Cottam, do sức ép phải đáp ứng nhu cầu, quần áo được may mà không cần quan tâm tới chất lượng. Tình trạng trở nên quá tệ khi nhiều lao động may mặc phải làm việc tới 13-14h/ngày, chả trách, các đường may thường không chuẩn.

Mánh lới của nhà sản xuất

Tiếp đó, là các bí quyết "có chủ tâm" để quần áo không bền. "Có nhiều cách để đảm bảo, quần áo luôn luôn chỉ dùng được trong thời gian ngắn", ông Daniel Cottam cho hay. Đó là dùng chất liệu không thích hợp hoặc may ẩu trên các chất vải dễ hỏng để đẩy nhanh quá trình tạo các lỗ thủng trên vải lúc giặt.

Các hãng sản xuất quần áo thường đổ lỗi cho máy giặt làm hỏng quần áo, và đa phần người tiêu dùng đều sử dụng quá nhiều chất tẩy, hiếm khi xem nhãn hướng dẫn sử dụng. Nhiều loại quần áo được làm từ hai chất liệu, như cotton và polyester, vốn dễ xô sau khi giặt, làm mất dáng sản phẩm.

Làm khuy, thắt nút cũng là một yếu tố, Daniel Cottam cho hay. "Bạn gần như không bao giờ thấy một nút áo được thắt kỹ, tất cả đều được máy móc làm. Thường là các mũi khâu chưa hoàn tất, vậy nên, chắc chắn nó sẽ rơi".

Người Anh đã chi khoảng 30 tỷ bảng cho quần áo, những món đồ có tuổi thọ không quá một năm. "Nhiều người chả bỏ thời gian khâu lại nút áo và như vậy, khi nút rơi, bạn lại mua một cái áo mới".

Phéc mơ tuya cũng vậy, thường không được may kỹ càng. "Khâu quá - ra rìa của miếng vải để ngăn nó bị xé rách, hiếm khi được thực hiện trong may mặc hiện đại. Hiện giờ, nó chỉ là một đường may thẳng và chỉ sau vài lần mặc, mối may bị tuột và toàn bộ đường nối bị bung".

Vậy, cần phải xem xét những gì khi mua quần áo? Tony cho rằng, bạn nên mua ít món hơn, tập trung vào các chất liệu tự nhiên như cotton, len hoặc lanh. "Đầu tư vào len hoặc lụa, bạn sẽ có một món đồ sử dụng được nhiều năm. Chất liệu tự nhiên sẽ bền hơn".

Ngoài ra, bạn cũng nên xem xét cẩn thận quần, áo trước khi mua. "Hãy lộn từ trong ra ngoài và xem liệu các đường may có thẳng, gọn gàng, phẳng và chắc không. Nếu là sản phẩm được làm ẩu, chỉ cần rút nhẹ đường may, bạn có thể thấy nhiều ánh sáng lọt qua các mũi khâu. Món đồ chất lượng cao hơn, đường may cũng chắc và sít hơn".

Giá cả món hàng không đảm bảo tuổi thọ của nó, song với một số sản phẩm, số tiền bỏ ra xứng đáng với những gì bạn nhận được. "Nếu bạn thực sự muốn một sản phẩm bền, như áo khoác mùa đông hay một bộ vét đi làm, khi ngân sách cho phép, việc đầu tư vào sản phẩm làm từ len là xứng đáng".

Hoài Linh