Khởi hành từ 28, 29 tháng Chạp, hàng nghìn người quyết định đi du lịch xuyên Tết, đón giao thừa ở nước ngoài. Năm nay, xu hướng đi du lịch cởi mở hơn ở phía Bắc, khi nhiều đoàn khách cũng khởi hành từ rất sớm.

Đi chơi xuyên Tết

Hiện tại, hầu hết các công ty lữ hành đều chuẩn bị khóa sổ nhận khách mua tour Tết âm lịch, đặc biệt là với tour xa. Chỉ còn một số tour gần, đi trong nước nhận khách giờ chót. Số liệu từ các công ty lữ hành cho thấy, năm nay, lượng khách đi du lịch Tết âm tăng 20-30% so với Tết năm ngoái.

Công ty du lịch Vietravel dự kiến phục vụ 38.000 lượt khách, tăng 20-25% so với năm 2017, riêng từ mùng 1-3 Tết, có gần 20.000 khởi hành du xuân. Tại công ty du lịch Transviet, tính chung, lượng khách đi du lịch Tết âm tăng khoảng 25%. Tỷ lệ này cũng tương đương ở TST tourist.

Trong đó, phần lớn khách chọn đi du lịch nước ngoài.

{keywords}
Hàng nghìn du khách mua tour đi du lịch nước ngoài dịp tết Nguyên đán 2018

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc công ty lữ hành Hanoi Redtours, năm nay, công ty phục vụ 2.500 khách, thì có tới 1.500 khách là out-bound.

Tính đến nay, số lượng khách đặt tour du lịch nước ngoài vào khoảng 60%, còn lại là du lịch trong nước. Khách đặt tour du lịch nước ngoài cũng chiếm 60-65% so với tổng lượng khách tại Fiditour.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Marketing của TST Tourist, cho biết, ngay đêm giao thừa, công ty có 5 đoàn với gần 100 khách sẽ khởi hành du xuân. Sáng mùng 1 Tết có thêm 9 đoàn xuất hành đi Thái Lan, Đài Loan, Malaysia - Singapore, Hàn Quốc, châu Âu, Dubai, Úc và Mỹ (Hawaii). Tổng số khách đi tour Tết là trên 4.500 khách, trong đó lượng khách khởi hành từ Giao thừa đến mùng 10 Tết đạt trên 2.500 khách.

Không chỉ các tỉnh phía Nam, năm nay, các tỉnh phía Bắc cũng cởi mở hơn trong việc đi du lịch ngày Tết. Nhiều đoàn khách miền Bắc khởi hành từ rất sớm.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Transviet, cho hay, công ty có hơn chục đoàn khởi hành trước Tết, bắt đầu từ 28, 29 tháng Chạp và đón giao thừa ở nước ngoài. Riêng tại Hà Nội cũng có 4-5 đoàn. Khách đi du lịch xa ngày Tết thường là hai đối tượng: hoặc đi cả gia đình, nhất là gia đình trẻ (thay vì về quê ăn Tết họ sẽ về từ trước); hoặc những người thân rủ nhau đi.

Tại công ty du lịch HanoiRedtours, theo ông Nguyễn Công Hoan, khách đi du lịch Tết năm nay không tăng, nhưng hành trình đa dạng hơn, với các tuyến xa như Thái Lan, Malaysia, Singapore,... Các đoàn khởi hành từ mùng 1 (hơn 20 người), mùng 2 Tết, về mùng 6 Tết. Đối tượng khách chủ yếu là giới trẻ, văn phòng hoặc các gia đình trẻ.

Du lịch Tết sợ đói, phải mang theo mì tôm

Với các chuyến du lịch Tết out-bound, giá tour, dịch vụ không có nhiều thay đổi, thậm chí một số DN nhận xét việc đặt phòng khách sạn, vé máy bay còn dễ chịu hơn so với dịp cao điểm khác.

Khách đi trước Tết âm lịch, đón giao thừa ở nước ngoài, thì các hãng lữ hành thường nâng cấp bữa ăn đêm Giao thừa lên, hoặc mở tiệc Gala Diner. Đón năm mới, bất kỳ du khách nào cũng được lì xì.

{keywords}
Đi du lịch vùng cao ngày Tết, nhiều công ty lữ hành gặp khó vì dịch vụ thiếu thốn (ảnh minh họa)

Còn với du lịch trong nước, các điểm tham quan nổi tiếng vẫn phục vụ bình thường trong những ngày Tết. Nếu các năm trước, tại các thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn, nhiều người lo ngại dịch vụ thiếu thốn vì nhiều hàng quán, chỗ vui chơi đóng cửa.

Song, gần đây, mùng 2 Tết, không ít nơi đã mở hàng trở lại. Hầu hết các công ty du lịch đã đặt trước dịch vụ nên khách vẫn được phục vụ chu đáo, nhưng rủi ro vẫn có thể xảy ra, nhất là với khách lẻ.

Công ty Thế Hệ Trẻ (TP.HCM) là một trong những đơn vị lữ hành đưa khách đi du lịch xuyên Tết trong nước. Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty nói, Tết năm nay, công ty có một đoàn 24 khách khởi hành 28 Tết, từ TP.HCM bay ra Hà Nội, đón giao thừa ở Hạ Long rồi từ đó về lại Hà Nội đi lễ chùa, cầu an trước khi lên Sa Pa, sau đó ra thẳng Nội Bài về kịp mùng 6 đi làm. Một tour nữa hơn 20 người mùng 1 Tết bay ra Đà Nẵng rồi đi ô tô dọc tuyến miền Trung, rồi ra Bắc.

Ông Dũng nhận xét, các tour này kén khách bởi giá tour cao hơn 4-5 triệu đồng so với ngày thường do vé máy bay đắt đỏ. Chưa kể, sợ nhất là với các tour vùng cao, dịch vụ rất thiếu thốn.

Ông kể, có năm, khi dẫn tour đi Đông Bắc, Tây Bắc, cả đoàn phải vào nhà hàng năn nỉ để họ nấu ăn cho mình, rồi lì xì cảm ơn chủ quán. Bởi, theo ông Dũng, bà con dân tộc không muốn đụng tay đụng chân ngày đầu năm, mùng 3 Tết vẫn chưa muốn mở hàng. Có năm đến vùng Quỳnh Nhai (Thái Nguyên) không một hàng quán nào phục vụ, có năm đi Yên Bái không nhà hàng nào mở cửa.

Ông Dũng nhớ có Tết, cả đoàn đã phải mang theo mì tôm và giò chả rồi vào nhà dân tự nấu nhờ. Tất nhiên, những tình huống éo le không mong muốn này phía lữ hành phải thông báo trước với khách.

Có năm, ông phải năn nỉ các nhà hàng ở vùng cao, nhiều khi phải đặt trước Tết 3 tháng. Vậy mà mùng 2 Tết đoàn lên đến Yên Bái, cửa hàng đã hẹn rồi vẫn đóng cửa. Cả đoàn lo phen này nhịn đói. Tìm đường vào nhà ông chủ, hóa ra chủ nhà đã bày sẵn đồ ăn chờ khách tới, nhưng làm ở nhà. Tất nhiên, ngày Tết chủ nhà có gì khách ăn nấy. Nhưng rõ ràng, dịch vụ vùng cao thiếu thốn sẽ gây khó khăn cho các đơn vị lữ hành tổ chức tour Tết.

Ông Phạm Thanh Bình, chủ cơ sở Mai Chau Family Homestay (Mai Châu, Hòa Bình) cho hay, ngày Tết, cơ sở vẫn phục vụ khách bình thường, nếu quá tải sẽ nhờ sự hỗ trợ từ bên khác.

Tuy nhiên, hầu hết khách đến đây là khách lẻ, hoặc nhóm nhỏ, vừa phải, chứ đoàn khách lớn ông cũng phải xem xét lại. Hơn nữa, dịch vụ không lo thì ông lại lo về nhân lực, vì Tết nhiều nhân viên nghỉ nên thiếu người phục vụ khách.

Ngọc Hà