Thực tế, đã có đại gia cây cảnh ở Việt Trì mà tôi thân quen đã chi 100 triệu đồng để có được một chú gà 9 cựa từ tay một con buôn.

Vùng đất gà chín cựa

Ngày giáp Tết, đường vào Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) tịnh không có bóng xe chạy qua lại. Trung tâm xã vắng hoe. Khung cảnh yên bình của Xuân Sơn đúng là thần tiên.

Đường vào bản Cỏi ô tô đã chạy bon bon, xuyên qua những tán rừng với những thân cây mấy người ôm. Thung lũng bản Cỏi hiện ra như trong cổ tích. Bản người Dao thanh bình ẩn hiện bên con suối Cỏi nước chảy ào ào.

{keywords}

Ông Lâm gọi gà về

Ông Lý Phúc Lâm giờ không làm trưởng bản Cỏi nữa. Ông đã già, nên giao lại công việc ấy cho người khác. Giờ ông chỉ chuyên tâm vào việc nuôi nấng, chăm sóc, nhân giống loài gà chín cựa.

Ông Lâm hướng mặt về phía ngọn núi chìm trong mây mù, chu “mỏ” cất tiếng “túc túc”. Một lát sau, thấy vài tên gà te tua chạy về. Ông vãi ngô ra sân, chúng giáng cái mỏ côm cốp xuống nền đất nhặt ngô. Tôi ngó mãi cũng không thấy chú gà 9 cựa nào, chỉ có 6 cựa. Nhưng dù chân chúng có 6 cựa, 8 cựa thì cũng đều được gọi bằng cái tên chung là gà chín cựa.

Sáng nào cũng vậy, ông Lâm đều mở chuồng cho bọn gà vào rừng tự kiếm ăn. Cứ đến nhập nhoạng tối là chúng mò về chuồng. Chưa đến tối, có gọi thế nào chúng cũng không về. May ra có vài tên ngại vào rừng kiếm ăn, vơ vẩn gần nhà thì mò về theo tiếng gọi mà thôi.

{keywords}

Đàn gà chín cựa nhà ông Lâm

Nhà ông Lâm có tới 300 tên gà nhiều cựa. Giá cả giống gà này thì vô cùng. Gà 6 cựa giá 300 đến 500 ngàn đồng một kg.

Gà có đầy đủ 9 cựa thì hiếm lắm, hiếm hơn cả báo gấm trong rừng Xuân Sơn. Từ xưa đến nay, số gà 9 cựa chỉ đếm được trên đầu ngón tay và nhà nào sở hữu gà 9 cựa, thì chả khác nào có được con gà bằng vàng. Với con gà đủ 9 cựa, gia chủ có thể phát giá thoải mái, đại gia nào có thú sưu tầm, sẽ sẵn sàng mua với bất kể giá nào.

Theo ông Lâm, nhiều người dưới xuôi lên đây săn tìm gà 9 cựa ráo riết lắm. Họ đặt cả chục triệu cốt để tìm được một con gà đủ 9 cựa. Ông bảo, có lẽ, đến cả trăm triệu đồng cho một con gà, người ta cũng sẵn sàng mua. Và thực tế, đã có đại gia cây cảnh ở Việt Trì mà tôi thân quen đã chi 100 triệu đồng để có được một chú gà 9 cựa từ tay một con buôn.

{keywords}

Gà chín cựa được nuôi nhiều ở bản Cỏi

Vị đại gia này đã mổ chú gà 9 cựa, đặt lên ban thờ cúng tổ tiên rồi mới đánh chén. Xơi gà chín cựa rồi, thì coi như đã thành… vua! Hiện anh vẫn giữ đôi chân gà với một chân 5 cựa, một chân 4 cựa trên bàn thờ làm kỷ niệm và khách đến chơi không quên đem ra khoe. Đôi chân gà để cả năm nay vẫn sáng hồng như mới, rất kỳ lạ.

Với đồng bào bản Cỏi, số tiền đó cho một con gà quả là khủng khiếp, nhưng với các đại gia, để được làm vua thì dù có một trăm triệu hay một tỷ, mà để được chìm trong cảm giác làm vua, thì cũng không đáng gì.

Đang miên man với những câu chuyện giá trị trời ơi của gà chín cựa, tôi chợt nhìn lại cơ ngơi của vợ chồng “vua” gà chín cựa Lý Phúc Lâm. Rõ ràng ông Lâm sở hữu không những nhiều giống gà này nhất bản Cỏi, mà có lẽ còn nhất Việt Nam. Thế nhưng, vợ chồng ông vẫn sống trong ngôi nhà tuềnh toàng, chẳng thấy có thứ gì giá trị.

Ông Lâm bảo, gà đủ 9 cựa thì đắt, chứ gà 6 cựa thì cũng chỉ đắt gấp rưỡi, gấp đôi gà đồi, gà núi mà thôi. Gia đình nào sở hữu một vài chú gà 8 cựa cũng là quý hiếm lắm rồi. Không bí tiền, đồng bào sẽ không bán những chú gà 8 cựa, để nhân giống. Gà 8 cựa, có thể sẽ đẻ ra gà con 8 cựa, 9 cựa, cũng có thể là 6 cựa.

Nuôi những chú gà 8 cựa, 9 cựa chả khác nào đánh bạc. Nếu cứ đem bán cho các đại gia làm thịt thì tuyệt giống, mà để nhân giống, con cái lại không có nhiều cựa như bố mẹ thì coi như thất bại, còn gặp dịch, chết toi, thì coi như mất trắng. Nuôi giống gà này chả khác gì đánh bạc.

{keywords}

Chú gà giống có nhiều cựa

Ngoài ra, giống gà này nuôi cực kỳ khó. Một con gà mái đẻ được đàn gà cỡ chục con, nhưng gà con lại thường chết dần, chết mòn. Do đó, đàn gà 10 con, thông thường chỉ có vài ba con sống được đến lúc trưởng thành.

Mà giống gà này lớn chậm thôi rồi. Nuôi được một con gà đến lúc mổ thịt mất cả năm. Đã từng có những đợt dịch càn quét, hàng ngàn chú gà chín cựa chết lăn lóc đầy suối. Dân bản Cỏi xót gà, mang chúng vào tận rừng sâu, chờ dịch bệnh trôi qua, mới lại đưa gà về.

Nuôi giống gà chín cựa khó khăn như vậy, nên giá bán cao gấp đôi, gấp rưỡi gà thường, mà ông “vua” gà chín cựa Lý Phúc Lâm ở bản Cỏi vẫn nghèo như ai. Ông bảo, ông nuôi giống gà này không hẳn là để làm kinh tế, mà để giữ gìn giống gà quý hiếm, đặc biệt, chỉ có ở bản Cỏi này thôi.

Ông Lâm, rồi cả tổ tiên ông nữa, vốn không biết gì câu chuyện gà chín cựa trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Giờ người Dao bản Cỏi mới biết khi giống gà này đã quá nổi tiếng.

Họ chỉ biết rằng, mấy trăm năm trước, tổ tiên người Dao về đây sinh sống, đã thấy giống gà này có sẵn ở trong rừng. Họ săn gà giết thịt ăn, rồi nuôi dưỡng, thuần hóa chúng.

Mây mù bao phủ tứ phương, mặt trời lặn nhanh sau dãy núi, đêm tối bịt bùng bao phủ khắp nơi, tiếng gà chín cựa gáy vang cả bản. Cứ nhập nhoạng tối, chúng lại tìm về chuồng.

{keywords}

Họa sĩ Nguyên Trâu mua gà chín cựa về nuôi

Họa sĩ Lê Đình Nguyên đã nhớn nhác chạy khắp bản dặn dò người dân mang gà chín cựa đến nhà anh Lý Văn Đức để nhóm chúng tôi chọn mua gà. Các chàng trai, cô gái, các anh, các chị từ khắp triền núi bế gà đến nhà anh Đức vui như hội.

Đám người có thú được làm “vua” chúng tôi thi nhau chọn gà. Anh nào ít tiền thì mua 2-3 con, nhiều tiền thì mua cả chục gà, nhét đầy lồng. Họa sĩ Lê Đình Nguyên vớ được chú gà 8 cựa thì cứ cười tít cả mắt, dù số tiền bỏ ra bằng lương mấy tháng của một công chức.

Sớm hôm sau, mặt trời vừa ló dạng, họa sĩ Lê Đình Nguyên đã lôi mấy chú gà 6 cựa ra vặn cổ cắt tiết. Ngồi giữa rừng Xuân Sơn, chén lễ vật dâng vua Hùng thì chả còn thú nào bằng. Mà công nhận thứ thịt gà dâng vua này quá là ngon, chả có thứ gà nào ngon bằng.

Họa sĩ Lê Đình Nguyên nhanh tay cất hết những chiếc chân gà chín cựa. Anh đeo đôi chân gà lủng lẳng ở cổ thay cho chiếc nanh hổ mà anh vẫn đeo. Ai bắt gặp một lão đeo đôi chân gà ở cổ, phóng xe máy phân khối lớn nổ đùng đoàng ở thủ đô, thì đích thị là Nguyên Trâu.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Nhàn (Chủ tịch hội Văn học nghệ thuật Phú Thọ): Thanh Sơn (Phú Thọ) từng là vùng đất bản bộ của Vua Hùng. Gà chín cựa ở Xuân Sơn có phải là giống gà trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh hay không thì không ai dám chắc, nhưng việc phát hiện sự tồn tại của loài gà này, ở vùng đất bản bộ của Vua Hùng, thì vô cùng thú vị.

(Theo VTC News)