Các hãng xe đua nhau giảm giá, trong đó Honda giảm tới 300 triệu đồng/xe mà vẫn có lãi, chứng tỏ thời gian qua hãng đã ''móc túi'' người tiêu dùng Việt Nam khá nhiều, vậy slogan "Tôi yêu Việt Nam'' của hãng có đúng như ý nghĩa của nó?
Như đã thông tin, hàng loạt hãng xe đua nhau giảm giá, trong đó Honda có dòng CR-V giảm tới 300 triệu đồng trong hơn 1 năm qua, khiến dư luận đặt câu hỏi về việc hãng này đã "móc túi" trên mồ hôi nước mắt người tiêu dùng Việt Nam suốt thời gian dài.
Chiêu móc túi trắng trợn
Bình luận vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, mặc dù giảm giá mạnh nhưng các hãng xe vẫn có lợi nhuận nhiều. Theo bà Lan, có thể khẳng định được điều đó bởi không có một doanh nghiệp nào kinh doanh mà muốn thua lỗ cả.
"Trước đây, họ được quyền bán giá rất cao. So sánh cho thấy, giá ô tô ở Việt Nam cao gấp 2 lần ở Mỹ, người tiêu dùng Việt Nam phải chịu mức giá cao đến phi lý. Hiện nay, giá xe có giảm nhưng lợi nhuận của các hãng chỉ ít đi, chứ không thua lỗ", bà Phạm Chi Lan phân tích.
Giá ô tô giảm mạnh nhưng các hãng xe vẫn lãi khủng, khác gì "móc túi" người dân. (Ảnh minh họa) |
Vì vậy, nhiều người cũng băn khoăn, việc giảm giá sốc xe như hiện nay sẽ khiến các hãng lấy gì để đảm bảo được lợi nhuận của công ty?. Rõ ràng, bằng những cách khác nhau, các hãng ô tô đã sống trên mồ hôi nước mắt người Việt trong nhiều năm qua. Dù giá xe có giảm thì lợi nhuận của các hãng xe vẫn còn rất lớn.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lại phân tích, giá bán chưa phải là yếu tố quyết định tới lợi nhuận. Khi giá giảm, lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh ô tô chắc chắn giảm, các hãng xe cũng có nguồn kinh phí tái đầu tư cho mình. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ô tô FDI sẽ có những thay đổi về sản xuất, chuyển qua nhập khẩu để bù đắp chi phí.
Bảng giá so sánh giữa một số dòng xe tại Việt Nam với Thái Lan và Indonesia. Rõ ràng, giá xe tại Việt Nam đắt hơn trong khu vực khá nhiều. |
Tiến sĩ Ngô Trí Long nhấn mạnh, các hãng xe dù có giảm giá nhưng không lỗ: "Cái này là nghệ thuật kinh doanh của họ. Họ sẽ bán giá cao và sau đó giảm giá theo từng giai đoạn nhất định nào đó. Điều này vừa kích cầu thị trường, gây chú ý từ thị trường và làm thị trường sôi động hơn".
Các số liệu thống kê từ Tổng Cục Hải quan, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và báo cáo tình hình kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, hai hãng ô tô lớn nhất và nhì Việt Nam là Toyota và Honda đang cắt giảm đi số lượng xe sản xuất trong nước và thay thế bằng xe nhập khẩu. Chứng tỏ, các doanh nghiệp ô tô đang chơi "mèo vờn chuột" ở thị trường Việt Nam.
Nên nhớ, theo lộ trình của Hiệp định AFTA, ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu từ các nước ASEAN giảm xuống 50% vào năm 2015, tiếp tục giảm xuống 40% và 30% vào các năm 2016 và 2017 để tiến tới việc giảm xuống 0% vào năm 2018. Đây cũng chính là kẽ hở để các hãng xe giảm mạnh nhưng không sợ bị lỗ.
Một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô cho biết, ví dụ, một chiếc xe nhập Thái Lan bán ra tại thị trường Việt Nam với giá 1 tỷ đồng vào năm 2016, nhưng sang đầu năm 2017, giá bán không giảm theo Hiệp định AFTA mà chờ đợi thời điểm nào đó để bung ra các chương trình ưu đãi ''sốc" để gây sự chú ý và kích cầu thị trường. "Nếu như khách hàng mua xe trước thời điểm ưu đãi thì chứng tỏ đã bị mất tiền oan và bị móc túi trắng trợn", vị này nói.
Việc các hãng ô tô giảm giá mạnh các sản phẩm của mình không đơn thuần chỉ là bớt lãi. Đây là bước đi nước đôi của các hãng xe khi đón đầu thị trường trước thời điểm năm 2018, cạnh tranh tranh thị phần và đặc biệt là xả đi hàng tồn kho, giảm đi các chi phí kho hàng và tạo tiền đề để ra mắt các phiên bản xe mới hơn.
Xét về góc độ giảm giá, các doanh nghiệp trong nước như Trường Hải (Thaco) hay Hyundai Thành Công vẫn là đơn vị có chính sách giảm nhiều nhất. Thậm chí, nếu xét các mẫu ô tô Mazda tại Việt Nam so với Thái Lan cũng không chênh lệch nhiều so với các hãng xe FDI.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, mặc dù giảm giá mạnh nhưng các hãng xe vẫn có lợi nhuận nhiều. (Ảnh minh họa) |
Nhận định về vấn đề này, ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, các doanh nghiệp ô tô FDI đang bỏ rơi thị trường Việt Nam và để đảm bảo nguồn lợi nhuận, các hãng xe sẽ bù đắp từ thị trường này sang thị trường khác.
“Nhà máy ô tô của Toyota hay Honda ở Vĩnh Phúc chỉ làm màu mà thôi. Còn cái nhà máy quan trọng nhất thì nằm ở Thái Lan. Tất nhiên, họ không dại gì sản xuất tại Việt Nam, nếu thuế nhập khẩu xuống 0% vào đầu năm 2018”, ông Long nói.
Ông Long còn cho biết thêm, các doanh nghiệp ô tô FDI đang dồn các doanh nghiệp nội vào bước đường cùng; buộc các hãng xe như Trường Hải hay Hyundai Thành Công phải giảm giá bán, thậm chí chấp nhận lỗ để cạnh tranh.
“Để đảm bảo lợi nhuận, Thaco đã phải sản xuất thêm máy nông nghiệp, thậm chí là đầu tư bất động sản”, ông Long gợi ý.
Có thật ''Tôi yêu Việt Nam''?
Honda nổi bật tại Việt Nam với slogan "Tôi yêu Việt Nam''. Thế nhưng, động thái giảm giá xe CR-V tới 300 triệu đồng mà vẫn còn lãi, liệu khẩu hiệu này có là thực chất?
Trao đổi với PV, ông Đào Phan Long cho biết, Việt Nam là thị trường nhỏ và các hãng xe mới chỉ đánh giá ở mức tiềm năng. "Các hãng ô tô nước ngoài đang chiếm thị phần rất lớn tại Việt Nam, đi ra đường toàn thấy Honda hay Toyota nhưng họ đang bỏ rơi thị trường Việt Nam".
Trên mạng xã hội, nhiều chủ xe CR-V "sốc" khi Honda giảm mạnh tay sản phẩm của mình. Anh Đỗ Trung Hoàng, một chủ xe CR-V (Hà Nội) cho biết: "Lúc tôi mua xe CR-V đúng đợt giảm khoảng 40 triệu đồng, cứ tưởng mình gặp may, nhưng ai dè vài tháng sau, họ giảm tới cả trăm triệu đồng. Họ làm như vậy có lợi cho người tiêu dùng nhưng thiệt thòi cho những khách hàng vừa mua xe".
"Honda lấy slogan là "Tôi yêu Việt Nam'', nhưng có thật họ yêu Việt Nam không, khi mà trong bao năm qua, họ đã bán xe với giá cao như vậy và giờ họ giảm giá cả 300 triệu đồng/xe mà vẫn còn lãi?. Có bao nhiêu người Việt đã phải bỏ ra số tiền 'khủng' để mua chiếc xe không đúng với giá trị thực tế?", một chủ xe Honda CR-V ở Hà Nội chia sẻ với PV.
Bên cạnh đó, kỹ sư Lê Văn Tạch khẳng định, ô tô được lắp ráp và bán ra cho người tiêu dùng Việt Nam với chất lượng kém hơn so với xe nhập khẩu cùng dòng, nhưng giá lại cao hơn khoảng ba lần so với giá bán ở các nước phát triển.
Giải thích về vấn đề này, kỹ sư Tạch cho biết: "Đây là thông tin do chính Toyota trả lời báo chí. Họ nói là họ nghiên cứu loại đặc biệt cho thị trường Việt Nam, loại mà chỉ bung túi khí khi tính mạng người trong xe bị an nguy. Cái này là dựa trên các cơ sở chính bao gồm việc cắt bớt tính năng kỹ thuật, dây chuyền lắp ráp thô sơ, việc kiểm soát chất lượng của Cục Đăng kiểm Việt Nam còn lỏng lẻo...".
Các doanh nghiệp ô tô FDI đang hợp lực tấn công các doanh nghiệp trong nước? |
“Nhà nước đã bắt những người giàu bỏ một khoản tiền lớn để mua ô tô, sau đó thu hút các hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới đến Việt Nam xây dựng nhà máy, từng bước xây dựng ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Việt Nam cũng yêu cầu các hãng phải tái đầu tư để tăng dần tỷ lệ nội địa hoá theo từng giai đoạn cụ thể.
Nhưng đến nay, mục tiêu nội địa hoá không đạt được nhưng chẳng thấy ai phải chịu trách nhiệm cả. Nó đồng nghĩa với việc hàng triệu chiếc xe ô tô của dân đã được dâng hiến cho các công ty lắp ráp ô tô trong nước một cách vô nghĩa”, kỹ sư Tạch nhận định.
Thế nhưng, đến đầu năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN sẽ về 0% theo quy định AFTA. Điều đó đồng nghĩa với việc, siêu lợi nhuận sẽ không còn đối với các công ty lắp ráp. Và để duy trì được siêu lợi nhuận, các công ty lắp ráp đã xin được nhập khẩu độc quyền xe về bán thay vì chỉ được lắp ráp để bán.
“Lý do họ đưa ra để được độc quyền phân phối là vì quyền lợi người tiêu dùng. Nếu họ tiếp tục được độc quyền thì người tiêu dùng Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục phải mua xe giá cao mà chất lượng lại không tương xứng”, kỹ sư Tạch nói thêm.
Tất nhiên, người tiêu dùng Việt Nam đang phải chịu thiệt thòi rất lớn, đặc biệt là những khách hàng mua xe đợt đầu khi chịu giá bán cao.
(Theo VTC News)