Đi bảo tàng không có thiết kế lên tầng 2 cho xe lăn, muốn đi xe buýt phải có người bế, đi tàu hỏa không thể trèo lên khoang, vào toilet không có tay vịn,... hầu hết người khuyết tật khi đi du lịch ở Việt Nam đều gặp những rào cản này.

Đi du lịch bị “bầm dập”

Chị Lan, nhân viên đại lý vé máy bay, là một thành viên nhóm Vì tương lai tươi sáng của Hội người khuyết tật Hà Nội. Chị bị khuyết tật vận động, phải ngồi xe lăn. Tháng 12/2016, chị tình nguyện tham gia khảo sát thực trạng khách sạn, nhà hàng, cơ sở dịch vụ du lịch,… cho đối tượng là người khuyết tật. Chị trải qua 12 chuyến đi, với 27 điểm tham quan, ga Hà Nội, sân bay Nội Bài, các bảo tàng, 8 khách sạn, một số tuyến xe buýt,...

Trở về, chị Trịnh Thủy, thay mặt Nhóm vì tương lai tươi sáng, tả rằng, chị thấy chị Lan “như bị bầm dập, có lúc chân tay tê cứng”.

Đi du lịch mà như bị “hành”,  là do đâu?

{keywords}
Chị Lan trong hành trình đi du lịch khá vất vả (ảnh Trang thông tin du lịch tiếp cận)

Chị Trịnh Thủy kể, đó là vì thiết kế dốc tại phần lớn các khách sạn không đủ tiêu chuẩn để người khuyết tật tự đẩy xe lăn lên được, trừ các khách sạn 5 sao theo tiêu chuẩn quốc tế hay sân bay Nội Bài, thậm chí họ không có cách nào lên được tầng hai tại Bảo tàng Quân đội, bởi chỉ có cầu thang bộ. Đó là do xe buýt, xe du lịch không hỗ trợ người khuyết tật. Đó là bởi người khuyết tật không thể lên được tàu, mặc dù xe lăn có thể đẩy vào tận đường ray,...

“Khi lên ô tô để di chuyển, chúng tôi đều phải bế chị ấy lên xe”, chị Thủy cho hay.

Trở về sau những chuyến đi khảo sát, cả nhóm gửi kiến nghị tới một số địa chỉ đã đến. May mắn là, các chị có nhận được những phản hồi tích cực từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Thiên nhiên,...

“Chúng tôi nhận được thư mà mừng rơi nước mắt”. Chị Thủy kể, phía Đường sắt hứa khi đóng toa tàu mới sẽ thiết kế lối lên cho người khuyết tật, hay lắp thêm biển báo phục vụ người khuyết tật nếu thực sự đã có,...

Đó là những thành công bước đầu của Dự án xây dựng trang thông tin du lịch tiếp cận, do nhóm Vì tương lai tươi sáng Hội Khuyết tật Hà Nội, thực hiện, với sự tài trợ của Quỹ ABILIS Phần Lan (cũng là quỹ của người khuyết tật).

Sau gần 1 năm triển khai, ngày 22/11, kết quả khảo sát đã được đưa lên và cập nhật trên trang http://dulichtiepcan.com/vi-vn/ và fanpage của nhóm nhằm cung cấp cho du khách khuyết tật những thông tin sát thực và đầy đủ.

“Chúng tôi hy vọng, câu chuyện về du lịch tiếp cận được nhiều người biết tới và môi trường du lịch sẽ trở nên “bằng phẳng - không rào cản” với tất cả du khách”, chị Thủy nói.

Nhưng chị Thủy vẫn lăn tăn, đó là khách du lịch khuyết tật tham gia khảo sát là hạn chế về vận động, còn khách khiếm thị, khiếm thính thì sao? Bởi, chị thấy một số bảo tàng phát clip giới thiệu có chữ nổi nhưng lại bằng tiếng Anh, hoặc thang máy ở Việt Nam thì hầu hết không hề có chữ nổi cho người khiếm thị,... Vì thế, dự án rất cần mở rộng phạm vi khảo sát, đồng thời vận động nhiều hơn các bên tham gia.

Quyền cho người khuyết tật

Nhận xét về dự án này, bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội, nhận xét, kết quả dự án rất thành công và đáng trân trọng. Thực tế, nhóm tham gia chỉ có 4-5 chị em, đều là người khuyết tật, đều có công việc riêng: chị Thu Lan giáo viên, chị Hà điều phối viên một dự án, chị Tuyết Lan nhân viên đại lý vé,... tuy hạn chế về sức khỏe, nhưng cùng tự nguyện tham gia.

{keywords}
Thiết kế như trên đã không hỗ trợ người khuyết tật đi du lịch

Bà Vân cho rằng, các chị đã làm được những việc mà lẽ ra, các chủ đầu tư, chủ công trình, người làm công tác du lịch, chính quyền các cấp,... phải làm, theo đúng quy định của Nhà nước. Nhưng đâu đó, họ vẫn bỏ sót hoặc không làm.

Ngoài nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết kế hòa nhập phù hợp cho tất cả mọi người, đại diện Quỹ ABILIS Phần Lan cũng đề xuất, nhân lực phục vụ đối tượng khách đặc biệt này cũng cần được đào tạo về cách giao tiếp và các kỹ năng hỗ trợ. Về mặt pháp lý, quy định về du lịch cho người khuyết tật cũng cần được đưa vào Luật Du lịch bổ sung, sửa đổi trong những lần tới.

Việc tháo gỡ các rào cản trên, không chỉ hỗ trợ cho người khuyết tật trong nước khi đi du lịch, mà còn để thu hút du khách là người khuyết tật nước ngoài.

Trao đổi với PV.VietNamNet, chị Đỗ Ngọc Ánh, đồng sáng lập công ty du lịch MekongTouch, cho hay, 15 năm trong nghề, công ty chị mới đón 2-3 đoàn khách khuyết tật là người nước ngoài.

Để đón được dòng khách này, hầu như chị vẫn phải làm thủ công, làm tới đâu hỏi tới đó. Chẳng hạn, khách đến Hà Nội, chị phải bốc máy gọi từng khách sạn là cơ sở hạ tầng có phục vụ được người khuyết tật không, có chỗ để xe lăn không, toilet có chỗ bám cho người khiếm khuyết không,... Chị thấy rất mất thời gian, manh mún và thiếu hệ thống.

Chị thấy rằng, có hai cái khó khi nhận tour người khuyết tật, đó là khó về tiếp cận thông tin và khó từ phía khách hàng. Khách nước ngoài cũng không biết ở Việt Nam có đủ cơ sở hạ tầng, đủ tin tưởng để họ gửi khách hay không. Vì thế mà đến nay, Việt Nam chưa phải là một thị trường chắc chắn để các nước gửi khách khuyết tật.

Vì thế, trang thông tin Du lịch tiếp cận ra đời, đại diện MekongTouch và nhiều công ty du lịch khác thấy rất đáng quý và thiết thực. Các đơn vị du lịch nhờ đó sẽ biết thành phố nào, khách sạn nào,... đủ điều kiện phục vụ người khuyết tật. Phía gửi khách khuyết tật nước ngoài cũng đỡ được nhân lực đi kèm (thường 1 người khuyết tật có 1 người đi kèm) và chi phí.  

Ngọc Hà