Với mức chiết khấu không thay đổi, quy mô Grab càng mở rộng thì lợi nhuận thu về càng cao. Việc tăng mức chiết khấu dưới góc nhìn của tài xế là “vắt kiệt” thù lao của họ.
Câu chuyện xoay quanh Grab, tài xế và mức chiết khấu hãng quy định dường như không bao giờ có hổi kết. Liên tiếp những lần Grab tăng chiết khấu vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ phía tài xế.
Gần đây nhất, Grab tăng 5% chiết khấu áp dụng cho tài xế GrabCar. Theo đó, những tài xế gia nhập trước ngày 1/10/2017 sẽ hưởng mức chiết khấu 23,6%. Sau thời gian đó, mức chiết khấu sẽ là 28,6%.
Anh Cát Nam, ngụ tại quận Tân Bình, TP.HCM, tham gia làm tài xế GrabCar hơn 1 tháng nay, là một trong những người chịu mức chiết khấu 28,6% chia sẻ: "Lúc đầu tôi nghĩ mức chiết khấu chỉ loanh quanh 20% thôi, chứ nào ngờ lên đến gần 30% thế này".
Anh Nam cho biết trước khi gia nhập Grab anh đã tham khảo mức chiết khấu nhưng nguồn thông tin anh có được chủ yếu thông qua báo chí còn trên website của hãng không đề cập đến mức chiết khấu dành cho tài xế.
“Mức chiết khấu như thế này là không thể chấp nhận được, quá cao cho tài xế”, anh Nam thở dài.
Chạy vạy được hơn 1 tỷ đồng đầu tư vào chiếc xe 7 chỗ để làm xe dịch vụ, người đàn ông hơn 50 tuổi đầy hối hận. Nếu được quay ngược thời gian thì anh quả quyết rằng, anh sẽ không bao giờ chọn mua xe chạy Grab.
Nhưng điều khiến anh Nam bức xúc không đơn thuần là mức chiết khấu, theo anh là "cao ngất ngưởng" mà là cách khấu trừ thuế bất hợp lý của Grab.
“Họ tự áp đặt tăng mức chiết khấu không tham vấn ý kiến tài xế - người được coi là đối tác - như chúng tôi. Chúng tôi chỉ hoạt động dựa trên hợp đồng với Grab, không ủy quyền cho Grab thu hộ thuế thu nhập cá nhân, cớ sao Grab lại khấu trừ thuế của chúng tôi?” - anh Nam bức xúc.
“Họ trừ thuế của chúng tôi nhưng không yêu cầu chúng tôi cung cấp mã số thuế. Vậy họ đại diện chúng tôi nộp thuế như thế nào?” - người đàn ông 50 tuổi liên tục đặt ra những câu hỏi.
Bản thân anh Nam cho biết anh đã từng góp ý lên tổng đài rất nhiều lần nhưng đều không được lắng nghe. “Phản ánh nhiều quá có khi còn bị khóa tài khoản ấy chứ”, anh cười ngao ngán.
Trót đầu tư vào chiếc xe 7 chỗ, giờ đây anh Nam chỉ còn biết “đâm lao thì phải theo lao, đâu còn đường lùi nữa”.
‘Tiền chả được bao nhiêu, sức lực đâu mà làm'
Sự điều chỉnh tăng chiết khấu vừa rồi của Grab tuy không ảnh hưởng đến những tài xế cũ nhưng cũng dấy lên nghi ngại từ phía họ.
Anh Thiên Sơn (Tân Phú, TP.HCM), 1 tài xế GrabCar có "thâm niên" lo lắng: "Giờ thì chưa thấy ảnh hưởng gì thôi nhưng thực chất mức 23,6% cả thuế như hiện nay với tôi là cao quá rồi. Tôi ngờ rằng mức chiết khấu này còn tăng nữa, chưa dừng lại đâu".
Gia nhập Grab từ những năm 2016, khi hãng mới đặt chân đến Việt Nam, anh Sơn được coi là một trong những “tài xế đời đầu” của dịch vụ chia sẻ xe đi chung này. Khóc cười cùng Grab anh đều trải qua cả.
Khi mới gia nhập Grab năm 2016, anh Sơn cùng một người bạn chia xe chạy chung. Mỗi tháng, sau khi trừ chiết khấu cho hãng và các khoản chi phí khác, chia đôi với bạn, anh thu về 13-14 triệu đồng, khoản tiền cũng làm anh hài lòng. Sau một năm, với hy vọng sẽ kiểm được thu nhập cao hơn, anh quyết định vay tiền mua một chiếc Grand i10 chạy riêng. Trái với kỳ vọng, hiện tại thu nhập của anh hết sức bấp bênh.
Anh Sơn cho biết thêm, thời gian đầu mức chiết khấu chỉ là 20% thôi, nhưng bắt đầu từ giữa tháng 12/2016, Grab yêu cầu "thu hộ" thuế của tài xế nên mức chiết khấu kèm thuế lên thành 23,6%.
Mỗi ngày làm việc anh chỉ nhận được 700.000 đồng từ Grab, trừ chi phí như đổ xăng, ăn uống... anh chỉ lãi vỏn vẹn 200.000 đồng. Với số tiền lãi phải trả hàng tháng khi mua xe là 7 triệu đồng anh Sơn cho biết mình không thể kham nổi.
“Chạy xe từ 8h sáng đến 8h tối mà tiền chả được bao nhiêu, sức lực đâu mà làm?” anh thở dài nói thêm.
Grab quyết định cuộc chơi
Là người đến sau khi thị trường Việt Nam trong khi Uber đã hoạt động từ 2014, Grab đã tung ra những ưu đãi “khủng” cho tài xế. Không ngạc nhiên khi trong thời gian ngắn Grab đã dẫn đầu thị trường.
Nhưng sau đó thì các khoản ưu đãi biến mất, và chiết khấu tăng lên. Số lượng tài xế đông đảo dẫn đến số chuyến dành cho tài xế ít đi trong khi chi phí ngày càng tăng.
Khảo sát tại TP.HCM, hiện tại hàng ngày mỗi tài xế GrabCar chỉ nhận được trung bình khoảng 200.000 đồng sau khi trừ chi phí. Tính ra mỗi tháng thu nhập thực nhận của tài xế khoảng 6 triệu đồng. Số tiền này tương đương mức lương đủ sống của công nhân tại TP.HCM (hơn 6,4 triệu đồng), theo đánh giá của Bộ LĐTBXH.
Grab đơn phương tăng mức chiết khấu đối với tài xế GrabCar mà không đưa ra bất cứ lý do nào. Ở một số quốc gia Đông Nam Á mà Grab hoạt động, mức chiết khấu khởi điểm của GrabCar thường là 10%, trong khi tại Việt Nam, mức này là 20%.
Đặc thù là một công ty công nghệ phần mềm, Grab có lợi thế về mở rộng quy mô với chi phí thấp. Với mức chiết khấu không thay đổi, quy mô Grab càng lớn thì lợi nhuận thu về càng cao; việc tăng mức chiết khấu của Grab dưới góc nhìn của tài xế là “vắt kiệt” thù lao của họ.
“Thử nghĩ một phần mềm công nghệ đã được xây dựng sẵn, các chi phí dành để chi trả cho nhân viên vận hành và chiến dịch quảng cáo mà trích những 30% từ phía tài xế liệu có quá cao không trong khi phương tiện là do tài xế tự chủ động đưa vào?” anh Sơn nói.
Thực tế, mối quan hệ giữa Grab và tài xế là mối quan hệ giữa đối tác ông chủ và đối tác làm công. Grab với ưu thế về công nghệ là đối tác quyết định tất cả.
Ngoài quyền tự quyết mức chiết khấu. Grab cũng tự quyết thu hộ thuế TNCN cho đối tác. Việc này bỏ qua hoàn cảnh của đối tác. Rất nhiều trường hợp của tài xế có người phụ thuộc, nếu có quyền tự tính thuế TNCN họ sẽ có khoảng thu nhập miễn thuế cao hơn so với mức 100 triệu/năm như Grab đưa ra.
Grab giờ đây đang chiếm lĩnh thị trường, những “đối tác” chỉ có sự lựa chọn tiếp tục làm việc với thu nhập thấp, hoặc chuyển sang hợp tác với công ty khác có mức chiết khấu thấp với hi vọng thu nhập sẽ cải thiện hơn.
Hứa hẹn "tổ chức buổi trao đổi... đúng chính sách đối thoại với đối tác tài xế" sau những phản đối, đến nay Grab vẫn im lặng về việc này.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.
(Theo Zing)