Giá lợn rớt thê thảm nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại ở Hà Tĩnh đứng bên bờ vực phá sản. Để vớt vát, nhiều chủ trang trại không chỉ bán tháo lợn với giá rẻ mạt mà còn tính cho không lợn hoặc thả ra vườn, vào rừng để giảm chi phí chăn nuôi.
Ông Lê Văn Nhị - Giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh, cho hay, chưa bao giờ giá lợn giảm sâu thế, giảm từ 40.000 đồng/kg (tháng 11/2016) xuống chỉ còn 17.000 đồng/kg. Mặc dù vậy, hàng chục nghìn con lợn của doanh nghiệp này vẫn không xuất bán được.
Để duy trì đàn lợn, Mitraco buộc phải cắt khẩu phần ăn để giảm chi phí. Thay vì cho ăn 2kg cám/ngày/con như trước đây, khẩu phần ăn của mỗi con lợn giờ chỉ còn 1,5 kg/ngày.
“Giá lợn tiếp tục giảm sâu và chưa chạm đáy, nếu tình trạng này kéo dài thì các doanh nghiệp phá sản sớm. Tiền lợn bán ra giờ không đủ mua cám cho lợn ăn”, ông Nhị cho hay.
Lợn quá hạn không thể xuất chuồng, nhiều doanh nghiệp đành để lợn sống chen chúc hoặc tìm kế thả lợn ra vườn. |
Theo ông Nhị, hiện ông không thể vay vốn ngân hàng, trong khi hơn 54.000 con lợn ngốn hàng trăm triệu đồng tiền thức ăn. Nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp không thể cầm cự đến hết tháng 6 này.
Bà Lê Thị Phương - một chủ trang trại lợn tại xã Hương Xuân (Hương Khê, Hà Tĩnh) cũng cho hay, trang trại bà có 600 con lợn nái, 3.200 con lợn giống và lợn thịt đã quá hạn xuất chuồng.
Việc không tiêu thụ được thịt lợn khiến trang trại phát sinh rất nhiều chi phí, chỉ tính riêng tiền cám mỗi ngày ngốn mất 30 triệu đồng, chưa tính tiền nhân công hàng tháng phải trả cho 15 người với gần 100 triệu đồng.
Theo ông Nhị, nghịch lý hiện nay là doanh nghiệp không muốn lợn giống sinh sản, bởi thức ăn và chi phí chăn nuôi quá lớn, trong khi đó lợn con bán ra không đủ tiền mua cám trong quá trình nuôi. Vì thế, “nhiều DN tính kế sau khi lợn sinh sản, sẽ đưa đến từng nhà cho không để người dân nuôi hoặc tiêm thuốc để lợn sinh ra không thể sống được nhằm giảm bớt chi phí”, ông Nhị nói.
Còn ông Nguyễn Xuân Sơn - Quản lý một trang trại lợn ở Hương Khê, cho hay, do lợn đến hạn xuất chuồng còn tồn quá nhiều, không còn chỗ nuôi, trang trại đang tính đưa lợn ra vườn ở. “Nếu tình trạng này kéo dài 3 tháng nữa thì chúng tôi phải đóng cửa trang trại. Số lợn không còn chuồng để nhốt sẽ phải căng bạt để thả ra vườn”, anh Sơn tiết lộ.
Theo nhiều doanh nghiệp, trang trại lợn trên địa bàn Hà Tĩnh, tình trạng lợn tồn đọng không có chỗ nhốt không hiếm, nhiều doanh nghiệp còn tính kế phải đưa lợn con lên rừng thả để đỡ tốn chi phí và thời gian chăn nuôi.
Để giải cứu doanh nghiệp chăn nuôi lợn, vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai họp bàn cách tháo gỡ, chi ngân sách hỗ trợ đồng thời có nhiều động thái đề nghị các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tiêu thụ lợn cho người chăn nuôi.
Bà Lê Thị Phương cho rằng, doanh nghiệp chăn nuôi sắp “chết chìm”, địa phương và nhà nước cần phải thả phao cứu chứ không thể họp lên họp xuống mà vẫn không giải quyết được. “Theo quy định, sau khi tôi xây chuồng trại tỉnh hỗ trợ 5,4 tỷ và huyện hỗ trợ 2,1 tỷ, nhưng hơn 1 năm qua, tỉnh chỉ mới hỗ trợ cho trang trại của chúng tôi 70%, còn phía huyện vẫn chưa có hỗ trợ gì”, bà Phương nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Đình Nhị cũng kiến nghị, để giải cứu lợn và doanh nghiệp chăn nuôi thì tỉnh cần mạnh tay, có những chính sách hỗ trợ và bình ổn giá lợn trên thị trường.
Lê Minh - Thiện Lương