Chỉ trong vòng ba năm, hai anh chàng shipper (người giao hàng) đã chuyển hẳn sang điều hành một công ty chuyên về vận chuyển hàng bằng xe máy với đội xe hơn 30 người.

Trong căn phòng chừng 20 m2 trên phố Hồ Giám (Hà Nội), gần 10 bạn shipper còn rất trẻ đang hối hả gói hàng, ghi chép sổ sách, biên lai. Ít ai nghĩ rằng đội xe này được gây dựng chỉ từ hai chàng trai và một chiếc xe máy.

Phạm Tiến Cường (32 tuổi) vẫn nhớ như in những ngày đầu vào nghề ship hàng. Khi đó, cảm thấy sạp bán sim thẻ điện thoại không đủ sức trang trải cho mình về mặt kinh tế, Cường quyết tâm phải tìm cho mình một nghề khác.

Thấy một vài người bạn qua mua sim trò chuyện về nghề giao hàng bằng xe máy, ngày kiếm được tới 100.000 đồng, Cường nhẩm tính khoản thu nhập đó quả là rất hấp dẫn. Với chiếc xe Dream mua bằng tiền gia đình hỗ trợ, anh chàng bắt đầu những tháng ngày đi giao hàng thuê.

{keywords}

Anh Phan Tiến Đức (áo xanh) đã chuyển hẳn sang điều hành đội xe. Ảnh: Ngô Minh.

Đồng hành cùng Cường trong những ngày đầu làm shipper là người bạn Phan Tiến Đức (31 tuổi). Vốn là thợ cắt tóc, nhưng khi bị Cường thuyết phục, Đức quyết tâm cùng người bạn thử thách với công việc hoàn toàn mới.

Hai anh em kể lại, những ngày đầu ship hàng khó khăn gian khổ vô cùng. Có những ngày vắng khách, tiền kiếm được chỉ đủ bữa ăn cho hai anh em. “Có lần 3 rưỡi sáng khách nhờ mua đồ ăn hộ, kiếm được 40.000 đồng mà hai đứa mừng mừng tủi tủi”, Cường kể lại. Chia nhau một người đi ship một người trực đơn, dần dần hai chàng shipper bắt đầu có khách quen.

“Có những lúc nản vô cùng, ba tháng trời gần như không có khách đặt đơn, hai anh em khi đó đã tính chuyện bỏ cuộc, tuy nhiên lại động viên nhau cùng cố”, Đức chia sẻ. Cố gắng của hai chàng trai dần được đền đáp, hai người có thêm thu nhập để thuê thêm nhân viên cũng như mời thêm bạn bè cùng chạy xe giao hàng.

Dù giá cao hơn đôi chút so với các shipper độc lập hay các hãng vận chuyển lớn, đội xe của Cường và Đức lại “ghi điểm” nhờ tốc độ giao hàng nhanh, thái độ tận tình cùng sự đảm bảo về giá trị hàng được chuyển. Tiếng tốt đồn xa, khách quen lại càng nhiều.

Tưởng rằng hai chàng trai cứ theo đà rồi phát triển, tuy nhiên, khi một người anh em trong đội xe rời đội ra làm riêng, kéo theo phần lớn mối khách mà bấy lâu cả đội tận tình phục vụ, hai anh em gần như suy sụp. Công sức bao ngày ăn cơm hộp “trực chiến” chờ đơn hàng gần như đổ xuống sông xuống biển.

Không bỏ cuộc, hai người lại làm lại từ đầu. Trời không phụ lòng người, sau ba năm đội xe hai người một xe ngày nào giờ đã lên tới hơn 30 shipper.

Theo Cường, bí quyết của hai anh em chính là đảm bảo chất lượng dịch vụ, coi khách hàng như thượng đế. “Chỉ cần khách phản ánh lại về thái độ phục vụ của một bạn nào trong đội hay chất lượng hàng nhận được không như ý, mình đều làm việc ngay với bạn đó để chấn chỉnh”, Cường chia sẻ. Hai anh em luôn mong muốn chất lượng dịch vụ sẽ là điểm khiến khách hàng hài lòng và nhớ đến đội xe.

“Đội có những yêu cầu rất rõ ràng với nhân viên như phải lễ phép với khách, phải có đồng phục và túi đeo chuyên dụng của đội, phải có áo mưa chuyên dụng để che hàng cho khách khi mưa lớn”, Cường nói thêm.

{keywords}

Xe của đội mỗi khi shipper về chốt sổ sách thường phải để nhờ kín hai bên vỉa hè phố Hồ Giám. Ảnh: Ngô Minh.

Chị Lê Ánh Tuyết (Lò Đúc, Hà Nội), một khách quen đã hai năm dùng dịch vụ của đội xe cho hay, chị rất hài lòng với thái độ thân thiện của các shipper cũng như tốc độ phục vụ của đội. “Nhớ nhất là có hôm mưa gió, đích thân ‘ông chủ’ Cường phải lặn lội tới lấy hàng chuyển đi, từ đó có cảm tình và dùng dịch vụ của đội tới tận bây giờ”, chị Tuyết kể lại.

Quản lý hơn 30 con người không phải chuyện dễ dàng. Theo hai “ông chủ”, lo nhất là chuyện nhân viên ôm hàng ôm tiền bỏ trốn. Đây là chuyện đã xảy ra một hai lần, vừa mất tiền đền cho khách vừa mất hàng, khách lại không hài lòng nên đây luôn là vấn đề khiến hai anh em phấp phỏng.

Anh Nguyễn Phi Thanh, một shipper đã theo Đức và Cường từ những ngày đầu tiên chia sẻ, làm việc với hai “sếp” trẻ rất thoải mái và học được nhiều điều. Theo anh Thanh, điều anh phục nhất ở Đức và Cường là khả năng ghi nhớ và sắp sếp công việc cũng như sự cần cù bền bỉ. “Đức và Cường rất vui vẻ hòa đồng cùng anh em shipper nhưng đến khi cần cái ‘uy’ thì cũng rất nghiêm nghị nhắc nhở để anh em làm việc có nền nếp”, Thanh cho hay.

Đức cho hay nhiều vấn đề khác mình cũng thường gặp khi quản lý cả đội như anh em nhân viên gặp tai nạn, rồi hàng giao tới nơi thì khách không nhận, cho số điện thoại giả, địa chỉ ma. “Khách nhờ mua hộ vé xem phim mình còn tự tiêu thụ để bù lỗ được chứ khách mua vé tàu xe mà chạy thì cũng đành bỏ đi, có lần bỏ tới hơn triệu đồng tiền vé”, Đức cười ngao ngán.

Khi được hỏi về kế hoạch trong tương lai, hai “ông chủ” trẻ chỉ trả lời khiêm tốn rằng muốn tiếp tục phục vụ thật tốt khách hàng trong khu vực Hà Nội, kiếm được một mặt bằng rộng rãi khang trang hơn và mở rộng được quy mô đội xe. Khi đã làm tốt ở Hà Nội, hai anh em mới tính chuyện mở rộng sang các tỉnh thành khác.

“Mình càng làm tốt thì càng giúp nhiều bạn shipper có thu nhập ổn định. Rất nhiều bạn ở đây kinh tế còn khó khăn nên giúp đỡ được càng nhiều bạn mình lại càng thấy sướng”, Đức cười lớn.

Theo Zing