Thay vì ethanol, nhà sản xuất cồn y tế lại sử dụng cồn công nghiệp methanol - chất cực độc có thể gây chết người!

Chuyên gia bức xúc

Mới đây, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đã có thêm một bệnh nhân tử vong vì ngộ độc methanol do pha rượu từ cồn y tế để uống. Theo tìm hiểu, loại cồn y tế bệnh nhân này đã sử dụng là cồn 90 độ “Dailoi”, chai 500ml, do Công ty CP quốc tế Đại Lợi, SĐK: HN-0238/2007/CBTC-TĐC. Ngoài bao bì chai cồn ghi thành phần ethanol, tuy nhiên, kết quả xét nghiệm dung dịch còn lại trong chai cồn của bệnh nhân lại cho thấy kết quả bất ngờ: Không tìm thấy ethanol, mà trong đó có tới 88% là hàm lượng cồn công nghiệp methanol.

Thông tin này khiến nhiều chuyên gia trong ngành phải kinh ngạc, bởi cồn y tế được sử dụng chủ yếu để sát trùng vết thương, tiệt trùng dụng cụ y tế hoặc làm dung môi để cọ rửa. Trong khi đó, methanol được xem là một loại “tạp chất” cực độc. TS. Trần Hồng Côn, chuyên gia hóa học lý giải: “Cồn ethanol được sản xuất từ nguyên liệu là tinh bột (có trong các loại ngũ cốc và một số loại củ có tinh bột) và đường. Trong khi đó, cồn công nghiệp methanol được sản xuất từ các loại vật liệu có chứa cenlulose (ngày nay tổng hợp bằng hydro và carbondioxid). Chính vì vậy, methanol là chất cực độc cho con người. Nếu hít phải, dính vào da hoặc uống nhầm methanol, người ngộ độc sẽ có các biểu hiện đau đầu, mệt, buồn nôn, nôn, giảm thị lực, nặng hơn sẽ bị mù, co giật, giãn đồng tử, suy sụp tuần hoàn, suy hô hấp, tử vong”.

{keywords}

Sản phẩm cồn 90 độ của Đại Lợi được quảng cáo với công dụng sát trùng, diệt khuẩn

Lý giải vì sao cồn công nghiệp methanol được thay bởi ethanol trong cồn y tế, ông Côn cho biết: Trên thị trường hiện nay, so với ethanol giá bán cồn methanol rất rẻ nên nhà sản xuất đã vì lợi nhuận mà bất chấp nguy hại cho người sử dụng. Được biết, giá methanol được bán từ 6-8 nghìn đồng/lít trong khi giá bán ethanol tinh khiết 99% có giá 26 nghìn đồng/lít.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó giám đốc Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc, thành phần bắt buộc của cồn sát trùng y tế phải là ethanol. Nếu có tạp chất methanol thì tỷ lệ không được phép vượt quá 200 phần triệu. “Đây là một hàm lượng cực nhỏ được cho phép”, ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh. Trong khi đó, PGS. TS. Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y dược TP.HCM bức xúc: “Việc sử dụng methanol để làm cồn y tế là việc làm không thể chấp nhận được”. Theo ông Nguyễn Hữu Đức, methanol không chỉ gây hại cho người sử dụng thông qua đường “uống” mà khi tiếp xúc với da, chất độc này hoàn toàn có thể thâm nhập vào qua các vết thương hở, thậm chí qua lỗ chân lông.

Chưa rõ đơn vị cấp phép sản xuất

Liên quan tới nghi vấn cồn y tế của Công ty CP Quốc tế Đại Lợi làm từ cồn công nghiệp độc hại, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, sẽ tiến hành kiểm tra đơn vị nào cấp phép sản xuất cho công ty này đồng thời làm rõ thông tin như Bệnh viện Bạch Mai phản ánh. Mặt khác, theo ông Cường, mới đây, khi lực lượng kiểm tra địa chỉ sản xuất in trên bao bì sản phẩm là số 16, tổ 18, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội, thì Công ty CP Quốc tế Đại Lợi đã chuyển trụ sở từ bao giờ không rõ (!?).

Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai đã gửi công văn tới các cơ quan liên quan, yêu cầu vào cuộc kiểm tra thành phần methanol và kiểm soát chất độc này trong sản phẩm cồn y tế lưu hành trên thị trường. “Yêu cầu ghi rõ nhãn mác các chai lọ, cồn sát trùng các thông tin: Hàm lượng ethanol, hàm lượng methanol. Trường hợp có thành phần methanol thì cần phải ghi rõ “chứa cồn công nghiệp methanol-không được uống”, công văn của BV Bạch Mai nêu rõ.

Theo khảo sát của PV, tại các nhà thuốc, cồn y tế của Công ty CP quốc tế Đại Lợi vẫn được bày bán khá phổ biến với mức giá 20 nghìn đồng/chai 500ml và 5 nghìn đồng/chai 100ml. Trên bao bì của chai cồn ghi rất rõ thành phần “ethanol” 90 độ, được sử dụng để sát trùng, tiệt trùng dụng cụ và làm dung môi. Thực tế cho thấy, rất nhiều sản phẩm cồn y tế khác trên thị trường không hề ghi rõ thành phần cụ thể trên bao bì mà chỉ ghi công dụng, hướng dẫn sử dụng. Trong khi đó nhiều người dân hiện có thói quen mua những sản phẩm này không những để sát trùng vết thương mà còn sử dụng làm nguyên liệu nướng thực phẩm.

Trước việc mập mờ về chất lượng của sản phẩm cồn y tế, PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên khoa Hóa (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho hay, cần phải thay đổi cách quản lý để tránh nguy cơ ngộ độc methanol. Vị chuyên gia này cũng kiến nghị Bộ Y tế nên thêm chất chỉ thị màu vào cồn sát trùng, khác với màu của cồn công nghiệp để người dân không nhầm lẫn và biết nguy cơ phòng tránh ngộ độc.

"Những năm gần đây, số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu methanol ngày một báo động. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, chỉ riêng Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận gần 30 ca ngộ độc rượu methanol, trong đó 15 ca tử vong, số ít phục hồi, còn lại đều chịu di chứng như giảm thị lực, tổn thương não”.

BS. Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)

(Theo Báo Giao thông)