- Thời gian gần đây, nhiều loại đặc sản của Việt Nam đang điêu đứng vì những thông tin chưa được kiểm chứng, những tin đồn thất thiệt. Những hoang tin này không chỉ gây hoang mang đối với công chúng mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho người sản xuất, doanh nghiệp - "nạn nhân" của tin đồn.
Hoang mang nước mắm chứa thạch tín
Từ bao đời nay, nước mắm là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của các gia đình Việt. Thậm chí, nhiều người còn coi nước mắm là quốc hồn quốc túy của Việt Nam.
Tuy nhiên, mới đây, thông tin 101/150 mẫu nước mắm được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) khảo sát có hàm lượng asen (thạch tín) cao quá mức cho phép, trong đó 95,65 % nước mắm độ đạm cao thì chứa thạch tín càng nhiều đang gây nhiều tranh cãi.
Thông tin này gây nhiều lo lắng cho các bà nội trợ. Nhiều đại lý tạm thời ngưng cung cấp hàng, đề nghị nhà sản xuất giải trình thông tin. Đã có hệ thống siêu thị ngừng bán nước mắm truyền thống. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống cũng đang đối diện với nguy cơ phá sản, còn ngư dân thì mất một nghề mưu sinh.
Những nghi án vấy bẩn phở Hà Nội
Phở là một đặc sản, một món ăn phổ biến của người Hà Nội. Nhưng cùng với sự nổi tiếng thì phở cũng chịu nhiều tai tiếng với những nghi án nhiễm độc, làm bẩn. Đã có những việc được khẳng định có và không, nhưng cũng có những thông tin cứ nổi trôi chưa biết đúng sai.
Trong số đó phải kể đến thông tin nước phở bẩn ở Hà Nội. Theo Người đưa tin, chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng là khách đã có vài chục lít nước phở chế sẵn từ nước luộc và ép các loại thịt ôi thiu làm ruốc. Hàng trăm quán bún phở trên địa bàn Hà Nội đã mua loại nước này.
Rồi thông tin dùng thịt lợn sề, thịt ngựa để giả thịt bò cho vào phở cũng khiến thực khách hoang mang. Tin đồn gà đẻ loại thải Hàn Quốc được sử dụng nhiều ở các quán phở mang thương hiệu "phở gà ta" hay quảng cáo là phở gà dai, gà già cũng khiến nhiều người bất an.
Dư luận cũng từng bàn tán về việc nhiều cơ sở sản xuất bún sử dụng chất màu huỳnh quang (tinopal) để làm cho sợi bún, phở trắng, bóng và dai hơn. Cách đây ít năm, bánh phở hàn the, phóc-môn cũng là một scadal lớn trên thị trường Hà Nội.
Hạt gạo 'gánh' nhiều tin đồn
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng trong nước lại thường xuất hiện thông tin xấu về chất lượng loại nông sản này khiến không ít người lo ngại.
Mới đây, TP.HCM rộ tin “gạo lạ” sau khi nấu, để qua đêm, cơm từ màu trắng chuyển sang đỏ quạch như nhuộm phẩm màu gây xôn xao dư luận. Để làm rõ thực hư, Chi cục Bảo vệ thực vật TP. HCM đã lấy 5 mẫu gạo, trong đó có mẫu tại cửa hàng được cho là có bán loại "gạo lạ" trên để kiểm tra 89 chỉ tiêu thuộc 5 nhóm hóa chất nhưng không phát hiện tồn dư.
Năm 2015, sau khi xuất hiện thông tin gạo nhiễm thạch tín, Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM lấy 9 mẫu gạo phổ biến trên thị trường kiểm tra và cũng không phát hiện chất độc này.
Ngoài những nghi vấn về mất an toàn thực phẩm, từ năm 2010 trở lại đây, thị trường còn xuất hiện nhiều thông tin về gạo giả nghi làm từ cao su, nhựa. Tuy nhiên, qua điều tra, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm thấy gạo giả trên thị trường.
Khổ sở với tin đồn ăn chuối, bưởi bị ung thư
Cuối năm 2012, hàng ngàn người dân trồng chuối tại xã Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh) và Bình Châu (huyện Bình Sơn) tỉnh Quảng Ngãi) lâm vào cảnh khốn đốn khi đặc sản chuối ở đây bị người dân tẩy chay, thương lái các tỉnh, thành trong cả nước từ chối nhập hàng vì nghi ngờ có chất gây ung thư.
Tin đồn ác ý này khiến người trồng chuối không thể tiêu thụ sản phẩm. Chuối được chặt cho bò ăn hoặc để thối ngoài vườn.
Cùng với chuối, bưởi cũng từng bị tung tin đồn thất thiệt khi ăn vào sẽ bị ung thư. Thông tin ăn bưởi có nguy cơ ung thư này bắt đầu từ ngày 16/7/2007 khi BBC New và Báo Daily Mail (Anh) công bố bản tin “Phụ nữ ăn nhiều bưởi sẽ có nguy cơ ung thư vú”, dựa trên kết quả khảo sát trên 50 ngàn phụ nữ của hai Trường Đại học Nam California và Hawaii (Mỹ). Mặc dù bưởi mà hai trường trên nghiên cứu là bưởi chùm được trồng ở một số nước châu Mỹ hoàn toàn không liên quan gì với bưởi Việt Nam nhưng người tiêu dùng vẫn hoang mang và phũ phàng quay lưng lại với quả bưởi.
Chỉ hơn một tháng sau khi thông tin trên được tung ra, nông dân trồng bưởi ở tỉnh Tiền Giang bị thiệt hại hơn 100 tỷ đồng. Sau đó, tin đồn tai hại đã được cải chính nhưng “được vạ thì má đã sưng”, thị trường bưởi phục hồi rất chậm, người nông dân rớt nước mắt vì những mùa bưởi thất thu một cách oan uổng.
Khốn đốn vì hoang tin luộc ngô bằng bột thông cống, ăn ngô bị ung thư
Năm 2015, câu chuyện về việc ngô, khoai được luộc bằng bột bể phốt đã gây xôn xao dư luận và làm không ít người hoang mang.
Tin đồn này bắt nguồn từ bài viết trên facebook của chị L.H.T, một người trực tiếp thực hiện thí nghiệm làm chín ngô, khoai bằng bột thông cống. Không rõ thực, hư liệu người bán ngô, khoai dọc đường có sử dụng bột bể phốt không, nhưng ai đọc thông tin trên cũng hoang mang, lo sợ và kiên quyết từ bỏ món này.
Trước đó, không ít lần những tin đồn trên mạng xã hội được lan truyền một cách nhanh chóng, rằng ngô luộc bằng pin, muối diêm, bột nhừ... gây hại sức khỏe đã từng làm ảnh hưởng đến những người mưu sinh bằng nghề bán ngô dạo.
Không chỉ vậy, nhiều người trồng ngô, bán ngô còn khổ sở với tin đồn ăn ngô bị ung thư. Vụ việc điển hình nhất là vào đầu tháng 2/2013, bỗng rộ lên tin đồn ăn ngô bị ung thư do ngô nguyên liệu ở các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang chứa kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật nhóm clor hữu cơ. Sau tin đồn này, người tiêu dùng quay lưng khiến giá ngô nguyên liệu giảm thê thảm.
Bài viết có sự hợp tác của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)