Cơ quan chức năng xác định nhiều nhà hàng, cửa hiệu không mặn mà với khách Việt. Qua kiểm tra, có cửa hiệu chỉ niêm yết giá sản phẩm và giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.

Ngày 15/4, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Khánh Hòa đã kiểm tra 2 cửa hiệu chuyên bán hàng mỹ nghệ và lưu niệm, chủ yếu cho khách Trung Quốc (TQ) tại trung tâm TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Thấy đoàn kiểm tra, ấn chuông báo động

Đoàn kiểm tra gồm lực lượng quản lý thị trường (QLTT) và cán bộ Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Khánh Hòa.

Tại hộ kinh doanh Phan Thị Tuyết Trinh (đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Nha Trang), đoàn kiểm tra ghi nhận nơi đây bày bán chủ yếu mặt hàng trầm hương. Ngay từ sân vào đã thấy một bản đồ to về phân bố trầm hương, ghi bằng chữ Việt Nam và chữ Trung Quốc. Đặc biệt, bản đồ này chỉ toàn một màu đỏ, kéo dài từ Trung Quốc sang Việt Nam đến Lào và Indonesia, không hề có biên giới.

Một cán bộ ở Phòng An ninh kinh tế cho biết, trước đây bản đồ này còn không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Sau đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa nhắc nhở mới thêm vào.

Bà Phan Thị Tuyết Trinh, chủ hộ kinh doanh, thừa nhận bản đồ không có biên giới, bà sẽ yêu cầu tháo xuống, thay đổi. Theo bà Trinh, bà không phân biệt khách Việt Nam hay Trung Quốc dù ở đây có hơn 80% khách là người Trung Quốc.

{keywords}

Lực lượng chức năng niêm phong tiền Trung Quốc giao dịch trái phép tại hộ kinh doanh Hải Thiên (tỉnh Khánh Hòa).

Để xác định có khách Việt đến đây mua hàng, một cán bộ QLTT trong đoàn đã yêu cầu bà Trinh mở sổ bán hàng để theo dõi. Tuy nhiên, chủ hộ kinh doanh này bảo nhân viên thu ngân cũng là người nhà nên không mở sổ bán hàng (?). Khi yêu cầu hóa đơn GTGT khi bán hàng trước đó cũng không có.

Tại hộ kinh doanh Hải Thiên, chuyên bán hàng thủ công mỹ nghệ trên đường Vân Đồn (thành phố Nha Trang), khi đoàn kiểm tra liên ngành bước vào, 2 bảo vệ vội vã ấn chuông cảnh báo. Đây cũng là cửa hàng phóng viên từng bị chặn lại, không cho vào khi đóng vai là khách Việt mua hàng.

Ở bên trong, hơn 50 khách Trung Quốc đang xem, mua hàng và được các nhân viên niềm nở phục vụ. Lý giải về việc ấn chuông cảnh báo, bà Huỳnh Thị Ngọc Thảo, được ủy quyền làm chủ hộ kinh doanh này, cho rằng để tiết kiệm điện, khi không có khách thì cúp điện, cho nhân viên ngủ. Thấy có khách nên bảo vệ ấn chuông để đánh thức.

“Nhưng lúc đó bên trong đã có rất đông khách Trung Quốc” - một cán bộ Phòng An ninh kinh tế hỏi. Bà Thảo lúng túng rồi trả lời: “Chắc bảo vệ không tỉnh táo”.

Ông Phạm Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Khánh Hòa, khẳng định đã nhận được phản ánh về việc phân biệt đối xử giữa khách Việt với khách Trung Quốc; đã báo cáo UBND tỉnh và kiểm tra một số cửa hiệu, cửa hàng. Tuy nhiên, ông Hữu cho rằng, hành vi này khó xử phạt, chỉ có thể nhắc nhở vì không xác định được đâu là phân biệt đối xử.

Vô tư mua bán bằng nhân dân tệ

Tại hộ kinh doanh Phan Thị Tuyết Trinh, toàn bộ sản phẩm đều không ghi nhãn hàng hóa bằng chữ Việt. Trong khi đó, một số sản phẩm có giá trên 1 tỷ đồng được bày bán trong phòng Kỳ Nam Hương chỉ được dán nhãn bằng chữ Trung Quốc.

Riêng giá niêm yết các sản phẩm ở đây, bên cạnh tiền đồng Việt Nam, còn có một con số nhưng không có loại tiền. Tuy nhiên, khi chúng tôi quy đổi giá niêm yết bằng tiền Việt Nam sang nhân dân tệ (NDT) theo mệnh giá hiện nay thì con số ấy trùng với số tiền NDT.

Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Văn An, Đội trưởng Đội QLTT cơ động (Chi cục QLTT tỉnh Khánh Hòa), khẳng định việc ghi nhãn hàng hóa ở đây không đúng quy định.

Việc niêm yết giá bằng NDT cũng như giao dịch bằng đồng tiền Trung Quốc là sai quy định pháp luật còn công khai hơn đối với hộ kinh doanh Hải Thiên. Tại đây, hầu hết các sản phẩm vừa niêm yết giá bằng đồng Việt Nam vừa bằng NDT. Một số sản phẩm chỉ niêm yết giá bằng NDT.

Chỉ qua theo dõi hơn 10 phút, chúng tôi thấy khách Trung Quốc thanh toán chỉ bằng NDT, không khách nào thanh toán bằng tiền Việt Nam. Tiền được thối lại cho khách cũng bằng NDT. Việc thanh toán này thực hiện ngay trước sự chứng kiến của đoàn kiểm tra liên ngành.

Đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản, yêu cầu chủ hộ kinh doanh Huỳnh Thị Ngọc Thảo mở tủ để kiểm tra số ngoại tệ giao dịch trong ngày để niêm phong, tạm giữ. Qua kiểm đếm, số NDT đã giao dịch trực tiếp tại đây là 8.721 NDT (tương đương 28 triệu đồng). Bà Thảo cho biết, việc giao dịch bằng ngoại tệ ở đây đã diễn ra từ khi bà tiếp quản kinh doanh.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định việc niêm yết giá là sai quy định. Việc giao dịch bằng ngoại tệ ở đây không đúng vì chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp chứng nhận giao dịch ngoại tệ. Tại biên bản kiểm tra, việc ghi nhãn hàng hóa trên các sản phẩm ở hộ kinh doanh này cũng không đúng quy định pháp luật.

“Việc niêm yết giá bằng chữ Trung Quốc là sai rồi. Ở Việt Nam phải dùng chữ Việt. Ở đây niêm yết giá bằng chữ Trung Quốc là xem như không niêm yết giá. Nếu không niêm yết giá hoặc niêm yết giá bằng ngoại tệ thì sẽ xử lý mà xử lý rất nặng đấy. Việc giao dịch bằng ngoại tệ là vi phạm pháp luật” - ông Phạm Văn Hữu khẳng định.

Trục xuất 7 hướng dẫn viên “chui”

Tại buổi kiểm tra hộ kinh doanh Phan Thị Tuyết Trinh, ông Ngô Viết Long, người cùng góp vốn kinh doanh tại đây, còn đưa ra biên bản kiểm tra của Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Khánh Hòa mới đây về việc phát hiện 7 người Trung Quốc có hộ chiếu đi du lịch nhưng lại làm hướng dẫn viên “chui” cho các đoàn khách Trung Quốc tại hộ kinh doanh này. Theo ông Long, sau khi xử phạt, 7 người này đã bị trục xuất về nước. Một cán bộ Phòng An ninh kinh tế tham gia đoàn liên ngành cũng xác nhận thông tin này.

(Theo NLĐ)