Ngoài trồng rau sạch, cây ăn quả sạch trên sân thượng, nhiều gia đình ở Hà Nội giờ còn trồng cả lúa mì trong nhà. Lúa mì này dùng để ép nước uống - thường gọi đùa là 'sữa' - vì được cho là có rất nhiều vitamin và bổ dưỡng.
Sau hơn 2 năm trồng đủ các loại rau sạch cho đến các loại cây ăn quả trên sân thượng, gần 3 tháng nay, chị Bùi Phương ở Thanh Xuân (Hà Nội) bắt đầu tìm hiểu và trồng lúa mì (cỏ lúa mì) trong nhà để đa dạng hóa nguồn dinh dưỡng từ rau xanh cho gia đình.
“Nhiều người nhìn qua cứ nghĩ là cây cỏ nhưng thực ra chúng là cây lúa mì non 8-12 ngày tuổi”, chị Phương kể. Chị trồng loại lúa mì này không phải lấy hạt mà là lấy cây non để ép nước uống. Bởi, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, loại cỏ lúa mì này có nhiều vitamin, khoáng chất, giúp tiêu hóa thức ăn một cách dễ dàng.
Trồng lúa trong nhà đang trở thành trào lưu mới của nông dân phố Hà thành |
Theo chị Phương, loại cỏ lúa mì này rất dễ trồng, giống như các loại rau mầm. Chỉ cần ngâm hạt giống lúa mì trong khoảng 12 tiếng. Ủ ấm bằng khăn 1-2 ngày cho hạt nảy mầm đều. Sau khi hạt đã nảy mầm thì đem gieo lên khay hoặc chậu nhựa có lỗ thoát nước ở đáy, với mật độ dầy.
Hàng ngày, tưới nước khoảng 1-2 lần để giữ hạt đủ ẩm, hạt sẽ nảy mầm. Nếu không trồng nhiều, hàng ngày có thể dùng bình xịt bằng tưới ướt cho ướt cả lá và chân cỏ. Trong 3 ngày đầu nên để khay trong bóng tối để hạt nảy mầm nhanh. Sau đó đưa khay ra ngoài sáng, không cần quá nhiều ánh sáng để cây quang hợp cho lá mầu xanh. Sau 15-20 ngày có thể thu hoạch một lứa.
Tuy nhiên, đây là lúa mì chứ không phải các loại hạt thường thấy ở Việt Nam. |
Giá giống lúa mì có giá từ 140.000-180.000 đồng/kg |
Loại lúa này khá dễ trồng |
“Tôi đã trồng được mấy lứa rồi, mỗi lứa trồng 3 khay (2 lạng hạt giống mỗi khay). Khi lúa mầm xanh tốt thì cắt ép nước uống, giống như nước ép các loại hoa quả khác”. Chị Phương chia sẻ thêm, một khay ép được khoảng 2 cốc nước, uống có vị ngọt nhẹ và mùi thơm của cỏ rất dễ chịu.
Tuy nhiên, nếu muốn uống liên tục thì cần phải trồng lúa gối canh nhau, tức cứ 4-5 ngày gieo một lứa để đảm bảo lúc nào cũng có lúa mạch để uống.
Tương tự, chị Nguyễn Hiền ở Thanh Trì (Hà Nội) cũng cho biết, gần đây ngoài trồng rau sạch, nhà chị còn trồng thêm cả lúa mì.
Chỉ cần gieo hạt vào khăn giấy hoặc gieo vào trấu khoảng 15 ngày là có thể thu hoạch |
|
Khi thu hoạch cắt lấy phên trên, bỏ phần gốc |
Song, lứa đầu tiên chị gieo bằng khăn giấy vải nên lúc thu hoạch năng suất không cao. Sang lứa thứ hai chị rút kinh nghiệm, gieo trên trấu hun và mùn dừa thì thấy năng suất cao hơn hẳn.
“Nhà tôi có hai vợ chồng uống thôi, đứa con nhỏ 2 tuổi vẫn chưa uống được loại nước ép này. Cứ cách ngày tôi lại gieo một khay vì trung bình một ngày, lúa mì non thu hoạch sẽ ép được khoảng 2 ly nước”, chị nói.
Thực tế, trên diễn đàn mạng xã hội, các bà nội trợ cũng đua nhau chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm cỏ lúa mạch, cách ép cỏ lúa mì sao cho ngon, uống như nào để tốt cho sức khỏe,...
Lúa mì cắt xong đem rửa sạch, ép lấy nước uống |
Trao đổi với PV. VietNamNet, anh Nguyễn Văn Tuyến, chủ một cửa hàng bán hạt giống ở Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, hiện đang có trào lưu trồng cỏ lúa mì trong nhà, nhất là ở Hà Nội.
Theo anh Tuyến, cỏ lúa mì được trồng khá phổ biến ở Mỹ, tuy nhiên, thời gian gần đây, loại cỏ này mới du nhập về Việt Nam và được các gia đình mua về trồng. Thế nên, hạt giống lúa mì cũng cực kỳ đắt khách.
“Trung mình một ngày tôi bán khoảng 20kg hạt giống. Khách mua đa phần ở Hà Nội, khách ngoại tỉnh cũng có nhưng không nhiều”. Anh Tuyến cho biết thêm, hiện có hai loại hạt giống lúa mì là hạt giống thường và hạt giống hữu cơ.
Nhiều gia đình còn trồng gối nhau để có lúa ép nước uống liên tục |
Với hạt giống thường xuất xứ từ Mỹ, Ý hay Úc giá dao động từ 140.000-180.000 đồng/kg, tùy loại. Riêng hạt giống hữu cơ giá lên tới 500.000 đồng/kg.
Khách đa phần mua hạt giống thường bởi giá cả hợp lý. Nếu gieo 1kg hạt giống rồi thu hoạch cỏ lúa mì thì giá thành là 20.000-25.000 đồng/ly nước ép. Riêng với nhà giàu họ chọn hạt giống hữu cơ vì chúng có độ an toàn cao hơn, anh cho hay.
Lâm Phương