- Loại cá trê phi “khủng” khiến nhiều người sợ không dám mua, dù thịt ngon và có giá tương đối rẻ. Trong khi đó, một con cá leo 'khổng lồ' từ Biển Hồ (Campuchia) vừa được đưa về Hà Nội phục vụ thực khách. Thông tin về quán phở lạ nhất Việt Nam, cua biển giá rẻ, chè đẫm phẩm màu công nghiệp,... cũng thu hút sự quan tâm của mọi người.

Cá trê 'thủy quái' trên 10 kg/con nhìn phát sợ

Gần đây, tại các chợ, những con cá trê phi “khủng” có trọng lượng cả chục kilogram xuất hiện khiến nhiều bà nội trợ khiếp sợ. Nhiều người còn e ngại nguồn gốc loại cá này, cho rằng đây là cá nhập từ Trung Quốc và được nuôi bằng thức ăn không an toàn.

Tuy nhiên, chủ một kios bán cá tươi sống tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Loại cá trê này không phải nhập từ Trung Quốc, mà là cá trong nước nuôi thả. Do có thân hình đen bóng, trọng lượng to một cách bất thường và hình thù đáng sợ nên loại cá này bán không chạy, dù giá chỉ 45.000-50.000 đồng/kg.

{keywords}

Một con cá trê khủng bắt được tại sông Bằng Giang (Cao Bằng).

Các chuyên gia nông nghiệp cho biết, cá trê phi có hình thù đáng sợ, nhưng thịt khá ngon. Nếu được nuôi bằng thức ăn đảm bảo an toàn thì người tiêu dùng có thể yên tâm ăn.

Cá leo 'khổng lồ' dài gần 1,8m xuất hiện ở Hà Nội

Một con cá leo có trọng lượng 61kg, dài 1,74m thân màu xám, bụng màu trắng, được đánh bắt từ Biển Hồ (Campuchia) vừa được đưa về Hà Nội phục vụ thực khách.

Ở khu vực Biển Hồ rộng lớn, ngư dân ít đánh bắt nên mới còn lại một số ít cá leo “khủng”. Còn tại Việt Nam, ngư dân không nuôi loài cá leo vì hiệu quả kinh tế không cao. Cá leo thường sống trên khu vực sông Tiền, sông Hậu. Thỉnh thoảng ngư dân mới đánh bắt được cá leo nặng 10-20kg, còn loại 50-60kg thuộc loại “khủng” ngư dân ít khi đánh bắt được.

Lạ nhất Việt Nam, phở tự chạy ra mời khách

Order phở bằng ipad, vài phút sau bát phở nóng hổi tự động chạy từ trong bếp ra đến đúng bàn khách gọi. Mô hình phở tự động này không phải có ở Hà Nội hay TP.HCM, mà tại một tỉnh miền núi xa xôi là Yên Bái, khiến thực khách thích thú.

Chị Trương Thị Hương, quản lý quán phở trên, cho biết, vốn là dân xây dựng nhưng vì yêu thích nấu nướng nên chị cùng mấy người bạn cùng ngành quyết tâm mở quán ăn này. Một người bạn trong nhóm đã chứng kiến mô hình bán hàng tự động tại châu Âu nên áp dụng kỹ thuật tiên tiến đó vào việc bán hàng.

{keywords}

Thực khách đến quán đều ngỡ ngàng khi bát phở tự chạy ra

Từ order gọi phở cho đến phục vụ, quán đều sử dụng công nghệ tự động cực kỳ hiện đại. Nhờ mô hình này, chị Hương giảm bớt được nhân công lao động, đồng thời quản lý lượng phở bán ra dễ dàng hơn.

Bữa ăn ngập kháng sinh

Sau chất cấm (Salbutamol, Vàng ô,... ) trong chăn nuôi - rộ lên thời gian qua như một loại “thần dược” giúp lợn “bung đùi, nở mông” - đến lượt việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản gây những hệ lụy nhức nhối với ngành chăn nuôi lẫn sức khỏe con người.

Những vi phạm trong kinh doanh, sử dụng kháng sinh chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản gần đây đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Bộ NN-PTNT còn đưa ra lộ trình cấm kháng sinh kích thích tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản từ năm 2018. Song, với thói quen dùng kháng sinh vô tội vạ như hiện nay, mục tiêu thực phẩm “sạch” cho người tiêu dùng vẫn còn xa vời.

Sự thật về cua biển giá 50.000 đồng/kg

Gần đây, trên các tuyến đường ở ĐBSCL, nhiều người rao bán cua biển chỉ 50.000 đồng/kg. Theo những người am hiểu cua biển ở miền Tây, giá như vậy là bình thường, cua giá rẻ thực chất là loại dạt, kém chất lượng.

{keywords}

Tùy vào chất lượng, giá cua biển mỗi nơi khác nhau

Một thương lái ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau khẳng định, loại cua biển có giá 50.000-80.000 đồng/kg được các thương lái thu gom từ nhiều tỉnh ở ĐBSCL, nơi bà con nông dân thường nuôi xen cua trong các đầm tôm, đất trồng lúa nên chất lượng kém.

Chè thấm đẫm hóa chất phẩm màu công nghiệp

Mùa hè, ngoài các loại nước giải nhiệt, chè là món ăn được nhiều người ưa thích. Song vì lợi nhuận, nhiều chủ quán đã sử dụng các loại bột, hương liệu, phẩm màu không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ làm nên những cốc chè xanh, đỏ, tím, vàng bắt mắt.

Đặc biệt, theo tìm hiểu của PV VTC News, món chè nhiều màu đóng túi bán sẵn, có thể được chế biến từ những nguyên liệu nguy hại cho sức khỏe từ đường hóa học, hương liệu, phẩm màu tới một vài loại hóa chất không rõ khác.

Mối chúa thành đặc sản được săn lùng

Ngày trước, người dân chỉ cần vào rừng khoảng 1 tiếng đồng hồ là có thể kiếm được cả chục con mối chúa về chữa thấp khớp, đau lưng. Sau khi biết mối chúa có thể xem như một thần dược bổ thận, tráng dương, loài côn trùng này bỗng trở thành đặc sản quý hiếm được săn lùng như vàng.

Có thời điểm, giá bán mối chúa lên tới 70.000 đồng/con. Tuy vậy, mối chúa đang ngày càng trở nên khan hiếm.

Bánh trung thu ngoại hơn 1 triệu đồng/hộp

Dù Tết Trung thu còn khá xa nhưng đã có nhiều tiểu thương bán bánh trung thu tự làm hoặc nhập khẩu bánh trung thu về bán. Trong đó, loại bánh trung thu nhân sầu riêng tươi ngoại nhập đang rất được ưa chuộng dù có giá thành khá cao.

Mỗi hộp bánh trung thu nhân sầu riêng tươi được nhập từ Hong Kong hay Malaysia về Việt Nam bằng đường hàng không có giá khoảng 1,2 triệu đồng/hộp 8 chiếc. Loại bánh trung thu này được cho là đang gây sốt và có cửa hàng còn “cháy hàng”.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)