- Vào dịp Tết Nguyên đán, sá sùng - loại hải sản được ví như loại “mì chính nhà giàu” - luôn được mọi người lùng mua, dù giá vô cùng đắt đỏ được ví đắt như vàng ròng vẫn cháy hàng dịp tết. 

Sá sùng biển là loại đặc sản rất quý hiếm trên thị trường, chỉ có ở vùng Đông Hưng (Trung Quốc) và một vài nơi ở Việt Nam như Vân Đồn hay Quan Lạn (Quảng Ninh).

{keywords}
Sá sùng tươi có hình dáng giống giun đất

Tại Việt Nam, tùy theo mỗi vùng, loài động vật này có nhiều tên gọi khác nhau như sá sùng, sâu đất, đồn đột, chặt khoai, giun biển, địa sâm, bi bi, con cạp đất, mồi. Các ngư dân tại Việt Nam thường khai thác loại hải sản này vào mùa nước biển xuống, từ tháng 3 cho đến tháng 7 hàng năm. Sau khi được đào lên, đặc sản này có thể được bán tươi tại chỗ hoặc đem chế biến khô rồi bán.

Sá sùng tươi trông giống như một con giun khổng lồ. Chúng thường có độ dài khoảng 5-10 cm, cũng có những con có độ dài đến 15–40cm, đường kính 20cm, nặng từ 1-3kg.

Kỹ thuật chế biến sá sùng khô cũng khá phức tạp, trải qua nhiều công đoạn với thời gian sơ chế, làm khô lên đến 2h đồng hồ. Để có được 1kg sá sùng khô phải cần đến 10 – 11kg sá sùng tươi. 

{keywords}
Kỹ thuật chế biến sá sùng khô cũng khá phức tạp.

Đây là một loại hải sản quý. Xưa kia, sá sùng thường được dùng làm cống vật cho vua, quan. Chỉ những người giàu có mới có điều kiện sử dụng.

Sá sùng được xem như địa sâm với công dụng bồi bổ sức khỏe vô cùng công hiệu. Nhiều nguồn tin cho biết, sá sùng có lượng đạm khá cao, chứa 17 nguyên tố khoáng, 18 loại acid amin nên rất tốt cho cơ thể, tăng cường sinh lực.

Đối với y học, đây cũng được coi là một loại dược liệu quý. Sá sùng thường được nhiều người dùng để chữa nhiều chứng bệnh như đổ mồ hôi trộm, trong ngực bứt rứt buồn bực không yên; ho khạc đờm nhiều do phế hư; tiểu đêm nhiều; răng lợi sưng đau, đặc biệt rất tốt cho trẻ con và nam giới. Loại thực phẩm này được nhiều người dân lùng mua bằng được là bởi những đồn thổi từ kinh nghiệm dân gian cho sá sùng là thần dược tráng dương "ông ăn bà khen hay".

{keywords}
Sá sùng khô chiên rất hấp dẫn.

Trong chế biến món ăn, sá sùng khô còn được dùng như một loại gia vị lý tưởng có thể thay thế cho mì chính, hạt nêm, nước hầm xương ống để tạo độ ngọt cho nồi canh hay nước dùng. Chỉ cần một vài con sá sùng khô thả vào nồi nước hầm là có vị ngọt, thơm đặc biệt không loại xương nào sánh được. Bản thân con sá sùng khô có vị ngọt tự nhiên rất đậm nên chỉ cần nướng qua là đã thành một món ăn bổ dưỡng. 

Sá sùng tươi còn được chế biến thành các món rán, nướng, nấu canh, xào với tỏi tươi hay rang chấm với tương ớt hoặc nấu cháo cho người ốm bồi bổ sức khỏe. Trước đây, sá sùng khô có mặt trong nồi nước dùng của món phở truyền thống Hà Nội và Nam Định cho ra hương vị đặc biệt.

Vì những công dụng tuyệt vời kể trên mà sá sùng được nhiều người trong giới nhà giàu săn lùng để mua, dù chúng có giá “trên trời”.

{keywords}
Canh sá sùng có tác dụng thanh nhiệt.

Đặc biệt, vào các dịp Tết Nguyên đán, sá sùng là món hàng cực kỳ hút khách. Bên cạnh các loại đặc sản như măng khô, miến dong, lạp sườn hay hạt dổi…, sá sùng cũng là thứ đặc sản vùng miền được nhiều người đặt hàng.

Dù có giá khá đắt đỏ nhưng những gia đình có điều kiện vẫn mua sá sùng về làm gia vị dùng thay bột ngọt hay các loại bột nêm, hoặc chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng.

Trên thị trường hiện nay, sá sùng tươi có giá trên dưới 500.000 đồng/kg. Còn sá sùng khô, loại rẻ nhất từ 1,8-2,4 triệu đồng/kg, loại thượng hạng lên tới 4-4,5 triệu đồng/kg.

{keywords}
Món ăn từ sá sùng.

Tuy nhiên, mặt hàng sá sùng khô hiện nay cũng bị các tiểu thương lợi dụng làm giả, làm nhái hoặc trà trộn hàng kém chất lượng để bán kiếm lời. 

Theo một đầu mối chuyên buôn bán các loại đặc sản vùng miền ở Hà Đông, Hà Nội, thị trường hiện nay có nhiều loại sá sùng kém chất lượng trà trộn, bán với giá rẻ hơn. Loại sá sùng này được các đầu mối nhập về từ Trung Quốc, khi nấu sẽ không được ngon ngọt bằng sá sùng Việt Nam. Loại này được bán với giá chỉ khoảng 1 triệu đồng/kg nhưng vẫn được quảng cáo là sá sùng Quảng Ninh loại xấu mã để lừa người tiêu dùng.

Ở Việt Nam, sá sùng cũng được chia làm hai loại: loại ngon được đánh bắt ở Quảng Ninh, màu sáng tự nhiên, thân ngắn, mình dày, khi nấu lên cho nước ngọt thanh. Loại này giá đắt nhất, từ 4-4,5 triệu đồng/kg. Loại thứ hai là hàng thường, có nguồn gốc từ Vũng Tàu, Nha Trang, Phú Quốc,… thân dài, màu vàng sậm hơn, khi nấu nước dùng cũng ngọt ngon nhưng có mùi tanh hơi khó chịu, giá chỉ bằng một nửa, từ 2-2,3 trệu đồng/kg.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)