Trong khi người chăn nuôi đang đứng bên bờ vực phá sản vì giá lợn hơi xuất chuồng giảm chạm đáy, thì thương lái chỉ trong nháy mắt có thể lãi tới vài triệu đồng khi buôn một con lợn.
Mua 2,5 triệu bán 6 triệu/con lợn
Gần đây, người nuôi lợn cả nước đứng ngồi không yên khi giá lợn hơi xuất chuồng giảm kỷ lục, xuống chỉ còn 27.000-28.000 đồng/kg. Thậm chí, tại các tỉnh miền Bắc, giá lợn hơi có nơi giảm còn 22.000-25.000 đồng/kg.
Với mức giá này, mỗi con lợn bán ra người nuôi lỗ từ 1,8-2 triệu đồng. Nuôi càng nhiều càng lớn, có khi lên tới cả tỷ đồng. Có hộ chăn nuôi lợn còn đứng bên bờ vực phá sản, khi lợn đến kỳ xuất chuồng mà không bán được, phải cắn răng chịu lỗ nài nỉ thương lái mua với giá rẻ mạt. Còn các đại lý thức ăn chăn nuôi kiên quyết bắt người nuôi trả tiền trước mới bán cám.
Người chăn nuôi lợn đang đứng bên bờ vực phá sản khi giá lợn giảm mạnh |
Thực tế đáng buồn là giá thịt lợn hơi xuất chuồng xuống chạm đáy, thấp nhất trong vòng 30 năm qua, song giá thịt lợn bán tại chợ vẫn ở mức cao ngất ngưởng và không có dấu hiệu giảm.
Cụ thể, khảo sát của PV.VietNamNet tại các chợ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, thịt lợn mông, vai, ba chỉ, chân giò đều ở mức 80.000 đồng/kg, thịt thăn giá dao động từ 90.000-95.000 đồng/kg, sườn 100.000 đồng/kg, móng giò 70.000 đồng/kg,...
Theo chị Nguyễn Thị Dung, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), giá thịt lợn bán tại chợ đang ở mức ổn định, thời điểm nào biến động về nguồn cung hay vào dịp Tết thì giá mới nhích lên 5.000-10.000 đồng/kg, còn ít khi giảm.
Thắc mắc vì sao giá lợn hơi giảm mà giá thịt lợn ở chợ vẫn giữ nguyên, chị Dung lý giải, giá mua tại chuồng hiện là 2,5 triệu đồng/con lợn 1 tạ. Sau khi giết mổ, thịt móc hàm (bỏ hết nội tạng ra bán riêng) còn khoảng 75kg. Nếu xẻ ra thì thịt mông, vai, ba chỉ, chân giò bán được 80.000 đồng/kg, thăn 90.000 đồng/kg, sườn 100.000 đồng/kg, xương cục 55.000 đồng/kg, xương đầu 40.000 đồng/kg, thịt tai, má 75.000 đồng/kg, móng giò 70.000 đồng/kg. Còn nếu cào bằng giá 80.000 đồng/kg, tính ra, một con lợn ngoài chợ bán được khoảng 6 triệu đồng/kg.
Nếu trừ đi giá mua tại chuồng thì thương lái lãi 3,5 triệu đồng. Song, dù mua lợn tại trang trại ở ngoại thành Hà Nội, chỉ với quãng đường 20-30 km cũng phải qua ít nhất 3 khâu trung gian.
“Những khâu trung gian đầu không chịu giảm giá thì tiểu thương ở chợ cũng không thể giảm được”, chị Dung nói.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), thừa nhận, giá thịt lợn hơi xuất chuồng đang giảm chưa từng có. Thế nhưng, giá ở chợ và siêu thị vẫn cao ngất ngưởng.
“Tôi về quê mua thịt lợn thì giá đã giảm còn 65.000 đồng/kg, nhưng ra Hà Nội, giá thịt hầu như vẫn giữ nguyên”, ông Dương nói. Sau khi giết thịt, tỷ lệ thịt móc hàm được khoảng 75-78%, tức con lợn 1 tạ, khi giết mổ xong thịt còn khoảng 75-78kg. Nếu mua với mức giá lợn hơi thấp như hiện nay thì thương lái đang lãi quá nhiều.
Tại chợ hay siêu thị, giá thịt lợn vẫn cao ngất ngưởng mặc cho giá lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh |
Khâu trung gian đang ăn lãi quá nhiều
Ông Dương cho biết, khâu trung gian (thương lái) thì nước nào cũng có, nông dân không thể tự đem sản phẩm của mình ra chợ bán được. Thế nên, muốn bán phải thông qua các khâu trung gian. Song, trong chuỗi phân phối, khâu trung gian đang ăn quá nhiều. Kéo theo đó, người chăn nuôi phải bán lợn với giá rẻ, còn người tiêu dùng phải mua lợn với giá đắt.
Theo ông Dương, cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát thương lái, cơ sở giết mổ cũng như các siêu thị xem đầu vào có cao hay không mà đầu ra lại cao đến vậy. Vấn đề này Bộ Công thương cần phải làm rõ.
“Về lâu dài, cần tái cơ cấu ngành chăn nuôi tạo thành chuỗi liên kết để bỏ tình trạng khâu trung gian hưởng lợi quá nhiều trên vai người nông dân”, ông nói.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Vũ Vinh Phú, Nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho rằng, khâu phân phối của chúng ta thất bại hoàn toàn. Thất bại là vì, một con lợn từ chuồng đến siêu thị hay chợ phải qua 3-4 khâu trung gian, trong đó, khâu bán lẻ đã chiếm đến 20-30% lợi nhuận.
Theo ông Phú, Việt Nam cần phải học người Thái Lan trong cách thức tổ chức khâu phân phối, cách thức chia lợi nhuận. Họ có luật quy định rất rõ, khâu trung gian chỉ được ăn 30%, không được vượt quá hơn con số này, bất kể là trong quá trình phân phối trải qua 1 hay nhiều không trung gian.
Còn người nông dân được hưởng 70%, đảm bảo họ có lợi nhuận để tái đầu tư sản xuất.
Tuy nhiên, ở Việt Nam thì ngược lại hoàn toàn. Mặc cho người nông dân bán với giá rẻ, chịu lỗ thì khâu trung gian vẫn lãi đầy túi. Đặc biệt, giá càng rẻ khâu trung gian càng lãi cao. Vì vậy, nông dân Việt Nam đang chịu thiệt thòi nhất, lép vế nhất còn người tiêu dùng thì phải mua hàng với giá đắt đỏ.
Ông Phú nhận định, nhà tổ chức kỹ thuật thương mại cần phải đứng ra và cần phải có một nhạc trưởng thương mại điều hành vấn đề này. Sở NN-PTNT và Sở Công Thương các địa phương phải có trách nhiệm gắn trang trại với siêu thị, không để thương lái và các nhà bán buôn ép giá. Ngoài ra, phải xây dựng theo chuỗi liên kết.
"Về lâu dài, cần xây dựng luật phân phối giống như Thái Lan hay các nước đã làm, từ đó quy định mức lợi nhuận các khâu được hưởng, tránh tình trạng người nông dân phải bỏ công sức nhiều nhất nhưng lại là người được hưởng lợi nhuận ít nhất”, ông nói.
Như Băng