Cái được lớn nhất khi mua ô tô công thanh lý là giá rẻ. Xe càng cũ thì giá càng giảm. Nhưng, 1 chiếc xe đã chạy 15-17 năm khi đem bán, với nỗi lo về chất lượng và chi phí sửa chữa thay thế linh kiện thì đó có thực sự là “món hời”?
Sau 10 năm chạy, giá trị xe chỉ còn 0 đồng
Các DN sản xuất ô tô cho biết, thông thường, một chiếc ô tô khi xuất xưởng, bán đến tay khách hàng sẽ được tính hao mòn ở mức 10% giá trị mỗi năm. Tức là, sau 10 năm chạy, giá trị còn lại của chiếc xe đó là 0 đồng. Bản thân các DN tại Việt Nam mua xe sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, vẫn đang tính khấu hao 10%/năm. Còn với xe công, theo quy định hiện hành, đang tính mức khấu hao là 6,7%/năm, thấp hơn so với cách tính của các DN.
Khi xe công đã cũ, không thể sử dụng được thì các địa phương, bộ, ngành sẽ đề xuất bán. Để được thanh lý, phải chiếu theo các quy định của pháp luật về thời gian khấu hao. Thường thì các xe sau 15 năm sử dụng, hoặc gặp tai nạn, không thể sửa chữa mới được thanh lý.
Theo quy định hiện hành, đang tính mức khấu hao là 6,7%/năm |
Trong cơ sở dữ liệu của Bộ Tài chính, hiện còn rất nhiều xe giá trị còn lại chỉ 0 đồng. Đó là những xe đã phục vụ được khoảng 17 năm. Tất nhiên, những chiếc xe này rồi sẽ được thanh lý. Kể cả khi giá trị trên sổ sách chỉ còn 0 đồng, nhưng vẫn phải tiến hành đấu giá. Ai trả cao nhất sẽ được quyền mua. Song, hầu hết những chiếc xe này đều có giá khá rẻ.
Ý kiến từ những người am hiểu ô tô cho biết, cũng giống như mua xe cũ, cái được lớn nhất khi mua xe công thanh lý là giá rẻ. Xe càng cũ thì giá càng rẻ. Cùng với đó, thuế phí cũng giảm đi đáng kể. Mua xe cũ khi đổi tên chỉ phải chịu lệ phí trước bạ 2% trên giá trị còn lại, so với mua xe mới chịu 10-12% tiết kiệm được khoản kha khá.
Nhưng, ngoài ra thì còn nhiều chuyện phải lo.
Với công nghệ sản xuất ô tô hiện nay, cứ 3-5 năm lại có một mẫu xe mới, hoặc một phiên bản mới với nhiều tính năng hiện đại, thì những chiếc xe công thanh lý năm 2016, thường được sản xuất từ năm 2000-2001, đã lạc hậu tới 3 thế hệ.
Xe càng cũ, chất lượng càng đáng lo. Khung, gầm sẽ bị gỉ, mọt. Hệ thống phanh, lái,... nếu không được chăm sóc tốt, đúng tiêu chuẩn, dễ có nguy cơ trục trặc. Điều đó ảnh hưởng đến độ an toàn của xe.
Sẽ tốn tiền, công sức, thời gian để chăm sóc xe
Việc mua được một chiếc xe cũ với chất lượng tốt, giá rẻ là hiếm gặp. Bởi, xe đã sử dụng 15 năm thì có nhiều cái quá cũ.
Một khách hàng tại Gia Lâm (Long Biên, Hà Nội) cho biết, cuối năm 2013 anh có mua một chiếc Ford Escape 2.3L, sản xuất năm 2005, với giá gần 400 triệu đồng. Tưởng ngon lành, nhưng 2 năm sử dụng đã phải chi thêm 200 triệu đồng cho nó. Khi mua về mới nhận ra nhiều linh kiện đã cũ, hết hạn, phải thay cả loạt như buzi, lọc gió, lọc dầu, lọc xăng,... Chưa kể trong quá trình đi, phải thay thế nhiều phụ tùng khác, nếu không xe sẽ hỏng dây chuyền. Kết cục, xe đi vẫn không ổn định. Quá chán, cuối năm 2015 anh quyết định bán lại và thu về được 330 triệu đồng. Tính ra sau 2 năm sử dụng, số tiền tốn thêm trên 250 triệu.
Đấy là một chiếc xe sở hữu cá nhân, chạy khoảng 8 năm. Nếu so với một chiếc xe công chạy 15 năm, đem thanh lý thì vẫn là "một trời một vực". Chắc chắn, sau 15 năm sử dụng, nhiều phụ tùng, linh kiện đã trở nên cũ và mòn, hỏng hóc, cần phải thay thế. Nhưng "đời" xe lại quá sâu, phụ tùng cũng không phải dễ kiếm, thường thì các hãng chỉ đảm bảo đáp ứng cho các mẫu xe sản xuất ra trong vòng 10 năm. Việc tìm kiếm phụ tùng thay thế không dễ dàng, có thể phải mua với giá cao hoặc chấp nhận sử dụng phụ tùng cũ, không kiểm soát được chất lượng.
Đấy là chưa kể xe quá cũ, tiêu hao nhiên liệu sẽ rất tốn. Những chiếc xe sản xuất năm 2000-2001, thường có mức tiêu thụ nhiên liệu khoảng 9 lít xăng/100km. Sau 15 năm chạy, mức tiêu hao nhiên liệu sẽ còn cao hơn nhiều. Với những xe dùng 15 năm, mức tiêu hao nhiên liệu có thể lên tới 15L/100km.
Nếu một chiếc xe cũ do cá nhân sử dụng, được bảo hành bảo dưỡng đầy đủ, thay thế linh kiện định kỳ, biết giữ xe, thì khá yên tâm về chất lượng. Nhưng với xe công lại là câu chuyện khác. Nó ít được chăm sóc như xe cá nhân. Để thay thế linh kiện hỏng hóc cũng là cả vấn đề.
Một lái xe công tại Hà Nội cho biết, trừ khi xe hỏng, không thể đi được thì mới có thể thay nhanh, còn hỏng nhẹ hay hao mòn,... thì cứ từ từ. Đầu tiên là làm đề xuất, báo cáo, lên giá thành,... rồi xin cấp trên phê duyệt, đợi kế toán xuất tiền mới đem đi sửa chữa thay thế. Đây là cả quá trình dài.
Trong khi đó, với ô tô, chỉ cần lơ là sửa chữa các chi tiết bị hỏng, hoặc cũ mòn, cũng sẽ gây ra rất nhiều tốn kém về sau. Chưa kể, tần suất sử dụng xe công cao, qua nhiều tay lái, không phải ai cũng hiểu rõ và biết bảo quản xe cho tốt. Vì vậy, cùng một chiếc xe như nhau, nhưng xe cá nhân vẫn giữ giá hơn xe công khi đem ra thị trường bán lại.
Đấu giá mua xe công, muốn chạy ổn định, chắc chắn sẽ phải bỏ thêm nhiều tiền, công sức, thời gian để chăm sóc nó và cũng không thể biết khi nào nó "giở chứng". Hơn nữa, với những xe có "đời" quá sâu, theo quy định, cứ 3 tháng lại phải đem đi đăng kiểm 1 lần, cũng rất phiền toái.
Song, trên thực tế, vì giá quá rẻ nên vẫn có nhiều người muốn được sở hữu một chiếc xe công cũ.
Trần Thủy