Theo chuyên gia, các hương liệu để tạo đặc, tạo bọt, tạo đắng, tạo sánh trong cà phê bẩn là các hóa chất độc hại, có thể gây ung thư cho người dùng.

Nhiều cơ sở sản xuất cà phê bằng... 100% đậu nành

Video: Bát nháo cafe 'dởm' không có cafein và có thành phần từ phản ứng hóa học

Theo tính toán của Hiệp hội Cà phê đặc biệt Hoa Kỳ, 1kg cà phê nguyên liệu nếu pha loãng có thể pha được 125 ly cà phê. Trong khi đó, giá cà phê nguyên liệu hiện nay chừng 40.000 - 50.000 đồng/kg, sau khi xay chỉ còn chừng 700 gram cà phê bột nguyên chất, chưa kể đến chi phí nhân công sấy, bao bì, nhãn mác, vận chuyển.

Như vậy, một ký cà phê sạch sẽ có giá thấp nhất cũng trên 100.000 đồng, nhưng trên thị trường hiện nay lại nhan nhản những “thương hiệu” cà phê bột, cà phê hòa tan với giá chỉ chừng 40.000 - 50.000 đồng/kg. Câu hỏi đặt ra là, trong loại cà phê ấy thật sự có gì và tại sao lại rẻ như vậy?

Giải đáp một phần nào đó cho câu hỏi này, Thượng úy Đinh Văn Mạnh - Đội phó đội 3, Phòng 7, (C49) Bộ Công an - đã cho biết: Trong quá trình đấu tranh, phòng ngừa, cơ quan này phát hiện các cơ sở sản xuất vi phạm chủ yếu như pha trộn các loại ngũ cốc (đậu nành, bắp...) vào cà phê để giảm giá thành, tăng lợi nhuận nhưng các doanh nghiệp này lại không ghi các thành phần này trên bao bì.

Cũng theo Thượng úy Đinh Văn Mạnh, nhiều cơ sở sản xuất cà phê bằng... 100% đậu nành nhưng lại ghi trên nhãn mác “cà phê nguyên chất”, “cà phê Tây nguyên” để đánh lừa người tiêu dùng. Các cơ sở này thường đóng tại những nơi vắng vẻ, đầu tư nhà xưởng nhỏ lẻ, làm thủ công bằng cuốc xẻng, dép... không đảm bảo điều kiện vệ sinh.

Đặc biệt, trong quá trình sản xuất các cơ sở này thường sử dụng hóa chất, hương liệu không được phép sử dụng, không rõ nguồn gốc, rất nguy hiểm đối với sức khỏe người dùng.

{keywords}

Hai thùng nhựa chứa hóa chất tại cơ sở chế biến cà phê bẩn.

“Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện một số trường hợp sử dụng hóa chất như đường hóa học, các loại thuốc, chất bảo quản quá liều lượng cho phép, đa số được mua từ chợ Kim Biên, không có hóa đơn chứng từ” - thượng úy Mạnh nói.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty TNHH 1 TV cà phê Thắng Lợi cũng vạch trần một sự thật rằng: “Để pha chế cà phê, ra chợ Kim Biên, bạn muốn mua hương liệu gì, hóa chất gì cũng có… Hóa chất trong đó có cafein, chất tạo keo, chất tạo bọt, tạo đắng, tạo sánh… Thậm chí, không cần một hạt cà phê nào, người ta vẫn làm ra cà phê để uống bình thường”.

Còn mới đây, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã công bố bản báo cáo khảo sát cho thấy có tới 9 mẫu cà phê hoàn toàn không phát hiện hàm lượng caffeine.

Tính riêng kết quả của đợt khảo sát 253 mẫu tháng 6 và 7/2016 thực hiện tại 4 tỉnh thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Sóc Trăng thì có 5 mẫu không có caffeine, 1/3 số mẫu khảo sát có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/L).

Thậm chí, các mẫu tại các địa điểm cà phê bệt, xe đẩy thì hoàn toàn không có hàm lượng caffeine.

Còn theo hồ sơ lưu tại Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông), nhiều mẫu cà phê sau khi được kiểm định bởi cơ quan có thẩm quyền đã thu được kết quả là tỷ lệ caffein bằng 0, có nghĩa là không có thành phần của cà phê trong sản phẩm cà phê bột.

Điều đó đồng nghĩa với việc chủ nhiều cơ sở rang xay cà phê không hề sử dụng hạt cà phê để rang, mà chỉ sử dụng bắp, đậu nành và một số loại khác, chưa kể chủ cơ sở này đã sử dụng tổng hợp hóa chất, hương liệu trôi nổi trên thị trường.

Cà phê bẩn có thể gây ung thư

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn An - Chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty CP Tập đoàn Thái Hòa, chủ nhãn hiệu cà phê Thái Hòa cho rằng: Đặc tính của người Việt thường thích dùng cà phê có 4 đặc điểm “đặc, đắng, sánh, bọt” nên các hộ sản xuất cà phê thường pha trộn nhiều tạp chất nhằm đáp ứng thị hiếu, “gu” thưởng thức của người dùng.

Tuy nhiên, điều đáng nói là: Cà phê pha trộn, có sử dụng nhiều hóa chất lại rất độc hại, có thể là một trong những nguyên nhân gây bệnh ung thư, có hại cho sức khỏe người dùng.

Theo đó, để tạo bọt trong cà phê, người ta dùng hóa chất công nghiệp - chất tạo bọt Sodium Lauryl Sunlfate. Chất này có trong nước rửa chén, dầu gội đầu, rất nguy hại có khả năng gây ung thư.

Để tạo độ sánh, các hộ sản xuất gian dối thường dùng bột ngô, bột đậu nành hoặc bổ sung CMC (chất tạo sánh). Bản thân ngô và đậu nành đều có nhiều dinh dưỡng nhưng khi rang cháy lại rất nguy hại. Thêm vào đó, họ còn cho thêm mỡ gà, mỡ bò hay bơ để tạo độ ngậy và mùi hương lạ cho cà phê nhưng khi bảo quản những chất này rất dễ bị oxy hóa sinh ra các hợp chất như Andehit và xeton rất khó chịu.

{keywords}

Ông An - Chủ tịch Tập đoàn Thái Hòa cho biết - Hóa chất làm cà phê bẩn có thể gây ung thư

Ngoài ra, để cà phê có vị đắng, những người làm cà phê bất chính dùng hạt cau, thuốc ký ninh (dùng điều trị sốt rét) hoặc rang cháy cà phê.

Trong khi đó, chất ký ninh này trong dược phẩm được dùng để chống sốt rét nhưng nếu lạm dụng quá sẽ gây bệnh cho cơ thể.

Chưa kể tới việc: Để cà phê có tính đặc, ngoài bỏ thêm đường cháy, những hộ kinh doanhcà phê bẩn còn đổ thêm nhiều ngũ cốc, tinh bột như ngô, đỗ tương,…

Theo giới y khoa, những loại thực phẩm này khi chế biến, được rang cháy khét sẽ tạo ra Aquynlamits, amin đa vòng, hidro đa vòng thơm và Nitroxamin – đây là những chất độc, không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Quá trình nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tiến hành trên động vật đã chứng minh: Các chất này sẽ làm biến đổi AND – nhân tế bào, khi bị biển đổi nhiều, tích lũy nhiều, nó có thể dẫn tới việc làm tế bào thay đổi cấu trúc, có khả năng gây ung thư.

Thế giới đã cấm sử dụng nhiệt quá cao trong quá trình chế biến cà phê nhưng người Việt vẫn rang cháy vì rang cháy mới khử được mùi của ngô, đậu mà các hộ kinh doanh đã cố tình trà trộn vào.

Thêm vào đó, để tạo xốp, theo ông An, khi rang, dân Việt Nam còn bỏ thêm vỏ cà phê vào. Điều này cũng rất nguy hiểm. “Có 1 số sản phẩm cà phê pha trộn tẩm thêm muối, đường hóa học vào. Ở một môi trường hợp lý thì những gia vị này không sao nhưng muối đưa vào cà phê, khả năng bảo quản kém đi, cà phê sẽ chóng hỏng và tạo mốc” – ông An lưu ý.

Theo ý kiến của các bác sỹ, hiện chưa thể xác định tỷ lệ bệnh nhân ung thư liên quan đến cà phê trong số hàng ngàn bệnh nhân mắc ung thư, nhưng rõ ràng cà phê giả, cà phê bẩn là một trong những nguyên nhân góp phần khiến ung thư gia tăng.

Phát hiện chấn động cafe 'làm từ phản ứng hoá học'Trên thị trường xuất hiện những loại "cà phê làm từ các phản ứng hoá học" và những hỗn hợp đậu tương và ngô rang cháy mới được PV VietQ.vn ghi nhận.

Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có ít nhất 125.000 trường hợp mắc mới ung thư và dự báo tới năm 2020 sẽ có 189.000 trường hợp mắc căn bệnh hiểm nghèo này mỗi năm. Số người chết hàng năm do ung thư lên tới 82.000, chiếm 73,5% của tổng số người bệnh. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong trung bình do ung thư trên thế giới là 59,7%.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến năm 2015 đã có 6 bệnh viện ung bướu và 50 trung tâm, khoa và đơn vị ung bướu, nhưng chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu điều trị.

Trăn trở với PV, ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty TNHH 1 TV cà phê Thắng Lợi đã nhấn mạnh: Chúng ta cần tỉnh ngộ, phải làm cà phê sạch, phải đi mua cà phê nguyên chất về để rang xay, cung cấp ra thị trường, chứ không được sử dụng cà phê hương liệu.

“Nếu cứ tiếp tục uống cà phê bẩn, người Việt sẽ mắc nguy cơ ung thư rất cao” – ông Thái nói.

(Theo Viet Q)