Xé ra không được phải dùng kéo cắt, nướng lên thì có mùi khét chứ không thơm... bạn Phạm Văn Duy, ở Đồng Nai hoàng hồn nghi mực giả.

Phản ánh với chúng tôi, bạn Phạm Văn Duy, 21 tuổi, đang làm việc tại Đồng Nai cho biết, ngày 14/8 bạn đi du lịch ở biển Bình Thuận. Khi đang ở ngoài bãi biển, bạn gặp vài người bán dạo đi qua. Sau đó, Duy đã mua 2 bịch mực khô từ một phụ nữ khoảng 37 tuổi.

"Mình thấy mọi người mua cũng nhiều nên quyết định mua 2 bịch mực. Mỗi bịch có 2 con to với giá 100.000 đồng", Duy cho biết.

Vài ngày sau khi quay về nhà, chị gái Duy thèm ăn mực nên lấy ra nướng. "Chị mình có thói quen rửa mực qua cho sạch rồi mới nướng. Ai dè mực mỏng dí ngấm nước nở phình to ra và chuyển sang màu thâm. Ngâm xong mình không tài nào xé ra được mà phải dùng kéo cắt", Duy kể lại.

Theo Duy, ở những con mực bình thường thì khi ngâm tí nước sẽ xé ra thành sợi đằng này khi cắt ra thấy nguyên tảng cao su. Điều đáng nói là con mực giả được làm khá tinh vi, giống hệt như thật với đầu, thân được gắn cố định bằng keo. Khi đốt lên có khét thay vì mùi thơm lừng của mực nướng.

"Mình không rành lắm về mực nên thấy ghê quá vứt bỏ đi", Duy buồn bã bày tỏ. 

{keywords}

Mực được cắt ra thấy nguyên tảng cao su thay vì các thớ thịt.

Tuy nhiên, nhiều người khẳng định không phải mực giả mà đó là loại mực ma. Mực này thịt dai, không ngọt. Là loại mực rẻ tiền nhất, chủ yếu cho gia súc ăn.

Một người khác chia sẻ, không khó để phân biệt với mực ma. Khi mua mực khô các bạn nên mua mực có màu hồng hoặc màu nâu, thịt dày, vì mực ma khi phơi khô sẽ rất mỏng. Mực ma tươi có màu đỏ đậm nên phơi khô sẽ thành màu đen. Nhiều người bán muốn đánh lừa khách hàng bằng cách lột da và tẩy trước khi phơi nên con mực màu trắng.

"Mực này nhà mình thường phơi khô rồi đưa cho người ta cán làm mực tẩm thôi, không ăn theo kiểu khác được đâu, dở lắm, rim cũng không ngon lắm", thành viên này cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, không có chuyện mực bị làm giả.

Theo ông Thịnh, nhiều người cứ nghĩ mực dai dai thì cho là làm bằng cao su hoặc chất gì khác. Tuy nhiên làm giả đều vì lợi nhuận và phải làm được giống thật mới lừa người tiêu dùng. Ví dụ như lấy thịt trâu giả làm thịt bò hoặc vỏ chai bia thì đúng nhưng bia thì bia cỏ hay bánh thủ công nhưng bao bì lại giống các hãng lớn...

Còn mực thì thực tế mực khô không đắt và không thể làm như thật được. "Muốn làm mực giả thì phải làm theo khuôn mà theo khuôn 100 con mực đều giống nhau. Như vậy không phải 1 người gặp mà hàng nghìn người gặp.

Hơn nữa, khả năng làm mực giả cực khó và nói đúng hơn là không làm được trong điều kiện kinh tế và kỹ thuật hiện nay của Việt Nam", ông Thịnh khẳng định.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm, hiện nay trên thị trường bán mực khô phổ biến là loại mực ống. Tuy nhiên, cũng có một loại mực khác là mực xà (hay mực ma). Mực xà rất to, có màu nâu đen, dai hơn và khó nhai hơn. Mực này chủ yếu được bán theo dạng mực xé tẩm ướp. Hiện nay có công nghệ xử lý mực màu sáng hơn nên mực ma được nhiều người bán hàng giả làm mực khô bán cho khách vì giá thành rẻ hơn nhiều.

"Người ta nói mực giả, gạo giả, trứng giả... là hoàn toàn bịa đặt, không xuất phát từ cơ sở khoa học. Đồ thật có đầy ra thì làm sao phải làm giả. Nếu quả trứng 1 triệu đồng thì mới bõ công làm giả, chứ không ai làm trứng giả để bán 3.000 đồng cả. Chưa nói đến chuyện không thể làm được", PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.

(Theo Khám phá)