Đã có nhiều đại gia ngoại nhảy vào thị trường mì gói Việt Nam.
Thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới cho thấy, nhu cầu tiêu thụ mì tại Việt Nam năm 2015 là khoảng 4,8 tỷ gói/năm, trong khi năm 2012 là 5,2 tỉ gói/năm.
Dù số liệu của năm 2016 chưa được công bố chính thức nhưng theo một số doanh nghiệp trong ngành cho thấy so với cùng năm 2015, tiêu thụ mì gói giảm 20%.
Nhu cầu tiêu thụ mì tại Việt Nam năm 2015 là khoảng 4,8 tỷ gói/năm, trong khi năm 2012 là 5,2 tỉ gói/năm. |
Liên quan đến tình hình tiêu thụ mì gói giảm, đại diện Acecook cho biết nguyên nhân là do hiện nay người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, vì có khá nhiều dạng thực phẩm chế biến tham gia thị trường.
Mặt khác, do vài năm gần đây các thông tin, từ chính thống đến không chính thống, cũng như tin đồn, xuất hiện một cách không kiểm soát trên internet, cũng khiến người tiêu dùng hoang mang và hiểu lầm về tính an toàn của mì ăn liền. Vì vậy phần nào cũng làm giảm mức độ tiêu thụ sản phẩm này. Tuy nhiên năm 2016 doanh thu Aecook vẫn tăng khoảng 8% so với 2015.
Loạn thông tin về tính an toàn mì gói khiến tiêu thụ giảm |
Một doanh nghiệp khác trong ngành cho hay, tiêu thụ mì gói giảm phần lớn diễn ra ở phân khúc cấp thấp (giá 2.500 đồng/gói trở xuống). Nguyên nhân do người tiêu dùng giảm mua sắm.
Qua những lần bán hàng tại điểm bán, người lao động, sinh viên đã giảm chi tiêu cho mì gói. Phân khúc này chiếm 55% thị phần với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp khiến cuộc chiến ở phân khúc này ngày càng khốc liệt.
Trong khi đó 45% còn lại là mì gói phân khúc trung, cao cấp và một số sản phẩm phụ như phở, miến…thì có sự cạnh tranh với sản phẩm của doanh nghiệp Thái Lan, Hàn Quốc.
Thị trường mì gói là một trong những thị trường tiềm năng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng ngành hàng tiêu dùng nhanh.Tuy nhiên, thị trường cạnh tranh khá gay gắt về giá, về khuyến mãi cũng như chủng loại, mùi vị.
(Theo Pháp luật TP.HCM)