Những con đường liên thôn, liên xã trải bê tông bằng phẳng, rộng rãi, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, giao thương phát triển, đời sống của người dân được nâng lên… phong trào nông thôn mới đã đem lại sức bật mạnh mẽ cho nhiều làng quê Việt Nam.

Những dấu ấn đậm nét

Về các làng quê Việt Nam sau 6 năm thực hiện chương trình Nông thôn mới, điều dễ nhận thấy nhất chính là hình ảnh của những tuyến đường bê tông phẳng lỳ, rộng trải dài tới từng ngõ xóm; những cánh đồng lúa xanh tươi, màu mỡ nhờ được chăm sóc và cung cấp đủ nước tưới thông qua hệ thống kênh mương đã được kiên cố hóa. Cuộc sống no đủ đang dần hiện hữu cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều những ngôi nhà mới khang trang, bề thế, những công trình công cộng phuc vụ nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

{keywords}
Đường nông thôn mới

Chẳng hạn như ở xã Thượng Trưng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), phong trào nông thôn mới đã giúp cho tỷ lệ hộ nghèo của Thượng Trưng giảm còn 2,22%; 100% đường trục thôn, liên thôn và đường ngõ xóm được bê tông hóa, xã không còn nhà tạm, nhà dột nát; 100% số hộ có nhà đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng; 100% số hộ được sử dụng điện thường xuyên; 100 % số thôn bản có nhà văn hóa và khu thể thao… Diện mạo nông thôn Thượng Trưng ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trạm y tế, nhà văn hóa… được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh.

Hay như ở Làng Kim (Bát Xát, Lào Cai), nông thôn mới cũng được xây dựng từ nhà ra ngõ giúp cho thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 29 triệu đồng/người/năm. Trong thôn còn 2 hộ nghèo, chiếm 3,44%; 120 lao động có việc làm thường xuyên (Đạt 100%); 0,7km đường trục thôn và 0,9 km đường ngõ xóm đã được bê tông; 58/58 hộ được dùng điện lưới quốc gia và được sử dụng nước sạch; 56/58 nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ xây dựng về nông thôn mới; 100% số hộ đã đồng thuận và thực hiện đầy đủ các khoản đóng góp trong cộng đồng dân cư và các khoản khác theo quy định của pháp luật; số hộ trong thôn đạt gia đình văn hóa thôn 5 năm liên tục 55/58 hộ, đạt 94,8 %; tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp và số trẻ em học hết tiểu học, trung học cơ sở đạt 100%...

Còn ở Mê Linh, Hà Nội, nông thôn mới cũng đã và đang trở thành phong trào rộng khắp, thu hút sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, góp phần tạo dựng diện mạo ngày một tươi mới cho vùng đất ven bờ tả sông Hồng.

Nếu như trước khi xây dựng NTM, trên địa bàn huyện chỉ có 47,5% số ki lô mét đường giao thông được kiên cố hóa thì đến nay, tiêu chí này đã tăng lên 65%. Các xã đã cải tạo, nâng cấp được 154km kênh mương, nâng tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương lên 41,8%.

{keywords}
Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất rau sạch tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Ảnh: Trọng Tùng

Việc hoàn thành các công trình giao thông, thủy lợi nội đồng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho năng suất cao, chất lượng tốt đã ra đời. Sau khi hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, nhiều địa phương trong huyện đã tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng chuối, cây cảnh, bưởi, vải, cây phật thủ, nuôi cá… bước đầu cho thu hoạch tốt, hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa từ 5 - 7 lần.

Tính đến tháng 12/2016, cả nước đã có hơn 2.200 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm hớn 25% tổng số xã trong cả nước, có 30 đơn vị được công nhập đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện.

Tháo gỡ những rào cản cho nông thôn mới

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau gần 6 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) vẫn còn rất nhiều tồn tại khó khăn cần tháo gỡ. Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn NTM, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển (NN&PTNT) Trần Thanh Nam, cần rà soát cơ chế, chính sách để có cách làm phù hợp.

Hiện vẫn còn nhiều tồn tại khó khăn cần tháo gỡ như tiêu chí cơ sở hạ tầng còn thấp, đứt đoạn trong sản xuất, thu nhập người dân vẫn chưa ổn định, cơ cấu nguồn vốn chưa hiệu quả, thiếu vốn phát triển sản xuất...

Thêm vào đó, cơ chế, chính sách chưa phù hợp, nhất quán; cơ chế thanh toán, quyết toán còn phức tạp, rườm rà; hướng dẫn tiêu chí chưa phù hợp với điều kiện đặc thù ở các vùng khó khăn, nhất là tiêu chí về cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, môi trường nông thôn đang là vấn đề bức xúc hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân cũng như mục tiêu phát triển nền nông nghiệp sạch. Nguồn vốn đóng góp của doanh nghiệp trong xây dựng NTM vẫn còn hạn chế.

Trong thời gian tới, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm gồm: phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn thôn, xã; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; nâng cao thu nhập cho người dân; vệ sinh môi trường; xây dựng đời sống văn hóa nông thôn; giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội nông thôn; nâng cao hiệu quả truyền thông…

Vân Anh