UBND TP. Hà Nội vừa ban hành văn bản mong muốn người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó. Nhưng ngay tại Thủ đô, có những ngôi làng, việc buôn chó, giết thịt chó một thời đã thành một nghề kinh doanh đặc trưng, có những nơi ăn thịt chó đã thành tục lệ. Vậy, làm sao để người dân từ bỏ thói quen đó?

Làng ăn thịt chó mùng 4 Tết

Trong khi phần lớn người dân kiêng thịt chó đầu năm vì sợ “xui xẻo” thì vẫn có những làng ăn thịt chó ngay từ những ngày đầu năm. Thậm chí, theo quan niệm của họ, ăn thịt chó đầu năm mới “hên”, làm ăn trong năm mới “thuận buồm, xuôi gió”.

Năm nào cũng vậy, cứ mùng 4 Tết Nguyên đán, người dân thôn Yên Trường, xã Yên Trường, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội cùng nhau mở tiệc thịt... chó. Đây là tục lệ lâu đời, đã duy trì qua nhiều thế hệ người dân trong thôn.

Nhiều người dân thôn Yên Trường cho hay, cứ mùng 4 Tết, cả thôn như ngày hội, các thương lái thịt chó tấp nập giao thịt từ sáng sớm. Lúc này nhiều nhà dân trong thôn cũng đã dậy để chuẩn bị đồ gia giảm, đồ dùng chế biến, cả thôn rộn rã tiếng băm chặt, mùi thơm từ sáng cho tới trưa. 

{keywords}
Người dân thôn Yên Trường có tục lệ ăn thịt chó mùng 4 Tết.

Theo tục lệ để lại, buổi sáng mùng 4 Tết, đàn ông đều chuẩn bị cuốc, xẻng ra đồng tảo mộ, thắp hương người đã khuất; phụ nữ ở nhà chuẩn bị nấu nướng, chế biến các món ăn từ thịt chó. Thịt chó chủ yếu được chế biến thành 4 món: luộc, giềng mẻ, canh măng và dăm hành. Địa điểm chế biến, nấu nướng tại nhà trưởng họ. Đây là thời gian để cả họ gặp gỡ, chia sẻ chuyện buồn vui năm cũ và đơn giản hơn là đổi khẩu vị sau những ngày Tết đã ngán “thịt mỡ, dưa hành”.

Ông Nguyễn Gia Tứ - Trưởng thôn Yên Trường cho biết trên VOV, cả thôn có khoảng 1.500 hộ dân, gồm 3 làng gộp lại, nếu tính sơ sơ ngày mùng 4 Tết cả thôn sẽ tiêu thụ hết khoảng 4 tấn thịt chó móc hàm. Có năm thịt chó bị “cháy hàng” không đủ cung cấp, nhiều nhà phải đi các xã lân cận để mua.

Nhiều người dân thôn Yên Trường chia sẻ, thói quen ăn thịt chó ở đây khó có thể bỏ được, vì đã thành tục lệ từ xa xưa. Ở đây, giỗ, Tết, cỗ bàn nhất định phải có thịt chó, không có thịt chó coi như không có cỗ.

Phố thịt chó Nhật Tân

Thịt chó Nhật Tân là thương hiệu không chỉ nổi tiếng tại Hà Nội mà khi nhắc đến thịt chó, người dân cả nước đều nhớ đến nó.

Nhật Tân vốn nổi tiếng bởi trên con phố này có hàng loạt quán thịt chó mà dân Hà Thành đã gọi nôm na là “liên hiệp thịt chó”. Vào thời kỳ làm ăn phát đạt nhất của “liên hiệp” này, mỗi ngày phải có đến 20 đến 30 con chó bị thui.

{keywords}
Thịt chó Trần Mục nổi tiếng một thời.

Thời kỳ hưng thịnh, phố thịt chó Nhật Tân có hàng chục quán thịt chó nằm san sát, tấp nập ngày đêm, khách đến ăn đông không có chỗ ngồi. Kinh doanh thịt chó mang lại lợi nhuận cực khủng.

Trong đó, Trần Mục là quán thịt chó nổi tiếng nhất ở con phố này. Thời đó, nói đến Trần Mục, dân nhậu Hà thành không ai không biết.

Bà Nguyễn Thị Xìu, vốn là chủ quán thịt chó Trần Mục, cho biết trên VTC News, thịt chó Trần Mục chính là quán đầu tiên của phố Nhật Tân. Vào khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, mỗi ngày quán Trần Mục đón 600-1.000 thực khách. Ông Mục phải thuê tới 50 nhân viên, làm việc từ 4h sáng đến 23h đêm để phục vụ khách. Để có thể đáp ứng nhu cầu thực khách, mỗi ngày quán giết mổ từ 100 đến 150 con chó.

Thấy nhà hàng Trần Mục quá đông khách, kiếm bộn tiền, hàng loạt nhà hàng thịt chó dọc con đê mọc lên. Thời cao điểm, vào năm 1995 đến 2005, khu vực ngoài đê Nhật Tân có tới 50 quán thịt chó tấp nập khách nhậu ngày đêm. Cứ chiều xuống, con phố lại chìm trong làn khói mờ ảo của những lò thui chó, những xiên chả nướng chó.

{keywords}
Phố Nhật Tân giờ không còn thịt chó.

Thời vàng son kéo dài suốt hai chục năm. Nhưng giờ đây, phố Nhật Tân vắng bóng quán thịt chó, chỉ còn duy nhất một nhà hàng hoạt động cầm chừng vì vắng khách.

 

Làng giết chó lớn nhất Việt Nam

Nhắc đến giết mổ thịt chó, người dân Thủ đô nghĩ ngay đến làng Cao Hạ (xã Đức Giang, Hoài Đức, Hà Nội). Không ai rõ làng Cao Hạ có nghề thịt chó từ bao giờ, chỉ biết rằng, đó là nghề gia truyền. Cha ông người Cao Hạ làm nghề giết mổ thịt chó, giờ con cháu vẫn theo nghề này.

Theo VTC News, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, nghề mổ chó ở Cao Hạ đã nhộn nhịp lắm. Tối đến, cả làng tập trung giết chó. Sáng ra, người Cao Hạ đạp xe chở chó đi khắp Hà Nội, cung cấp cho các chợ lớn. Ngày đó, 90% quán thịt chó ở Thủ đô và vùng lân cận là do người Cao Hạ cung cấp.

{keywords}
Cao Hạ là làng giết chó lớn nhất Việt Nam

Trong làng có mấy chục lò mổ. Mỗi đêm, làng Cao Hạ giết tới 4-5 tấn chó, tức là có khoảng 300-400 con chó bị hóa kiếp. Những ngày cao điểm, đặc biệt dịp cuối tháng, có tới cả chục tấn chó bị giết ở ngôi làng này.

Làng Cao Hạ giết mổ chó cực kỳ chuyên nghiệp. Họ có cả đội quân thu mua chó khắp Việt Nam. Không chỉ thu mua chó khắp các tỉnh trong nước, người Cao Hạ còn sang tận Lào, Campuchia, Thái Lan thu mua hàng xe tải chó sống về thịt dần.

Một thời hoạt động rầm rộ là thế nhưng giờ đây việc giết mổ, kinh doanh chó của làng cũng đang co hẹp lại dần, nhiều người dân đã chuyển qua làm nghề khác.

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành văn bản về tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn.

Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 493 nghìn con chó, mèo. Có trên 1.000 điểm kinh doanh chó, mèo thương phẩm, giết mổ chó, mèo, 15 cơ sở kinh doanh chó, mèo cảnh.

Chi Cục Thú y Hà Nội cho biết, thành phố sẽ hạn chế các cơ sở kinh doanh thịt chó, mèo trong khu vực các quận nội thành. Đến năm 2021, ở các quận nội thành sẽ không kinh doanh thịt chó, mèo.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)

Bất chấp chỉ trích dữ dội, người dân vẫn quyết giữ phong tục ăn thịt chó

Bất chấp chỉ trích dữ dội, người dân vẫn quyết giữ phong tục ăn thịt chó

Lễ hội thịt chó “đầy tai tiếng” vừa chính thức khai mạc, bất chấp nhận phải chỉ trích dữ dội. Người dân cho rằng, họ không sai khi quyết giữ phong tục địa phương: ăn thịt chó và vải thiều vào ngày hạ chí.

Chủ hàng thịt chó - trùm buôn xe gian xuyên quốc gia

Chủ hàng thịt chó - trùm buôn xe gian xuyên quốc gia

Ông chủ lò mổ chó với chiếc xe máy Dream cũ, đầy đủ gương chiếu hậu và mũ bảo hiểm, khẩu trang, hàng ngày đều đặn vượt mấy chục cây số từ thị xã Sơn Tây về huyện Thanh Trì để điều hành hoạt động.

Sự thật ít biết khiến dân nhậu thịt chó khiếp sợ

Sự thật ít biết khiến dân nhậu thịt chó khiếp sợ

Nếu biết sự thật này thì dân nhậu sẽ khiếp vía, liệu có còn dám ăn thịt chó.

Thịt chó để nhậu, săn chim nấu cháo: Lao động Việt Nam mất giá

Thịt chó để nhậu, săn chim nấu cháo: Lao động Việt Nam mất giá

So với các quốc gia trong khu vực ASEAN, lao động Việt Nam dù được đánh giá là chăm chỉ, thông minh nhưng lại thua kém về khả năng ngoại ngữ, đặc biệt là tính kỷ luật và tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp.