Thất bại với 3 con bò sữa đầu tiên, nhờ được tham gia lớp hỗ trợ kĩ thuật do Cô Gái Hà Lan tổ chức cộng thêm với sự cần cù, đến nay chị Thúy đã phát triển được đàn bò 30 con, thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.

Khởi nghiệp lắm gian nan


Để có được cơ ngơi như ngày nay, chị Đào Thị Cẩm Thúy (xã Đức Lập Hạ, Đức Hòa, Long An) đã gặp không ít khó khăn nhất là khi khởi nghiệp. Với gốc nhà làm nông, quanh năm trồng lúa và nuôi heo nên khi chuyển sang nuôi bò sữa, chị gần như làm lại từ đầu. May mắn là bố mẹ chồng có kinh nghiệm nuôi bò nên chị cũng mon men qua học lóm.

Khởi nghiệp với 3 con bò sữa trị giá gần cả gia tài cùng kinh nghiệm non nớt về nghề, chị đã gặp thất bại ngay từ đầu. “Bò cứ tụt sữa liên tiếp, gieo tinh hoài không đậu nên tôi rất nản. Lúc đó, nhiều người khuyên thử chuyển sang bán sữa cho Cô Gái Hà Lan (tên gọi trước đây của FrieslandCampina VN) để học thêm từ các lớp tập huấn và được hỗ trợ kỹ thuật. Đánh liều, tôi sang công ty xin giao sữa, trước khi kí hợp đồng, tôi được tập huấn 2 lớp. Học rồi mới thấy sao kinh nghiệm nuôi bò mình thiếu nhiều, nuôi không đạt là đúng”, chị Thúy kể lại.


Chị Thúy đang chăm sóc đàn bò
Áp dụng những kiến thức thu được từ 2 lớp tập huấn thấy hiệu quả, chị Thúy đăng ký với công ty để học tiếp. Thấy chị nhiệt tình, ham học hỏi, các nhân viên khuyến nông của FrieslandCampina xuống tận nhà hỗ trợ kỹ thuật mỗi khi chị cần. Nhờ vậy, kiến thức nuôi bò của chị Thúy tăng lên từng ngày. Bán ba con bò bị “gãy” đầu tiên, đắp thêm tiền mua lại 3 con mới, chị bắt đầu lại nhưng với kiến thức nuôi bò đã vững vàng hơn.

Thành công nhờ kiên nhẫn học hỏi kĩ thuật

Nhờ kiến thức có được, chị Thúy làm lại chuồng trại cho thoáng mát, sử dụng nệm cao su để bò đứng không bị đau chân và trang bị quạt để làm mát cho bò. Theo tư vấn của FrieslandCampina VN, chị để dành 50 cao đất nhà để trồng cỏ. Nhờ nuôi cỏ đúng chất lượng, chị bớt lượng cám và hèm bia để giảm chi phí đầu vào nhưng sữa vẫn đạt chất lượng cao. Cộng thêm tính cẩn thận, luôn làm vệ sinh sạch sẽ, thực hiện đúng kỹ thuật như các nhân viên khuyến nông FrieslandCampina VN hướng dẫn, sữa chị giao luôn hưởng giá bán cao. Nhờ vậy, chị dần sống được với nghề bò, tăng đàn và có của để dành cho cuộc sống.

“Tiền lời bán sữa, phần để dành chi tiêu trong nhà, phần tôi nuôi thêm heo. Lấy tiền lời từ sữa nuôi heo xem như là của để dành, đợi vài tháng bán heo là có thêm mấy chục triệu đồng. Tiền này để dành để phòng khi có việc trong nhà, nhờ vậy mà có của ăn của để”, chị Thúy tính toán.

Sau 9 năm với nghề, chị đúc kết rằng muốn nuôi bò giỏi phải kiên nhẫn và cần cù. “Kiên nhẫn vì không phải người nào nuôi bò cũng đạt lúc đầu, phải chịu khó học hỏi kinh nghiệm, tích lũy dần dần mới nuôi bò đúng kỹ thuật. Các lớp tập huấn của các anh khuyến nông bên Cô Gái Hà Lan là rất thiết thực, nhớ đó mà tôi biết thêm nhiều về kỹ thuật nuôi bò sữa. Ngoài ra, nghề bò sữa cũng đòi hỏi phải cần cù, siêng năng. Không chỉ dậy sớm vắt sữa, cho bò ăn đúng giờ để đảm bảo bò cho sản lượng tốt mà còn phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, dụng cụ vắt sữa thật tốt để sữa không bị nhiễm vi sinh. Thêm nữa là phải năng chăm sóc bò để biết được tình hình sức khỏe của từng con nhằm có cách phòng bệnh”, chị Thúy chia sẻ.

Từ năm 1996, FrieslandCampina VN (với các nhãn hiệu nổi tiếng như Cô Gái Hà Lan, YoMost, Friso, Fristi…) đã thực hiện việc ký hợp đồng thu mua sữa trực tiếp với các hộ nông dân và tiến hành chương trình Phát triển ngành sữa nhằm giúp nông dân chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững.

Trong gần 15 năm qua, công ty đã đầu tư hơn 10 triệu đô la cho các hoạt động: xây dựng 4 trung tâm làm lạnh, 41 điểm thu mua, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng đội ngũ khuyến nông với hơn 70 người để hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi bò. Ngoài ra, chương trình luôn khuyến khích người nông dân sản xuất sữa chất lượng tốt thông qua chính sách trả tiền theo chất lượng sữa.

  • An Nhiên