Động vật hoang dã rất khác so với vật nuôi và tình trạng nuôi nhốt sẽ khiến những nhu cầu sinh học của chúng không được đáp ứng. Nhiều vật nuôi hoang dã có thể ủ mầm bệnh và dễ dàng lây sang cho con người...
Quần thể nhiều loài động vật có nguồn gốc từ Đông Nam Á đang bị đe doạ bởi nạn mua bán thú nuôi – từ các loài khỉ cho tới cu li, từ chim tới cú, từ tắc kè cho tới rùa.
Mua bán thú nuôi hoang dã đang là một trong những lý do khiến hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trở thành mối đe doạ lớn đối với đa dạng sinh học. Thực tế, đây là mối đe doạ trực tiếp lớn thứ hai đối với sự sinh tồn của các loài, chỉ sau việc môi trường sống ngoài tự nhiên của chúng bị phá huỷ.
Nuôi thú cưng hoang dã - mối đe doạ tiềm ẩn với con người - ảnh minh họa |
Theo tổ chức bảo tồn động vật hoang dã WWF-Việt Nam, hoạt động mua bán động vật hoang dã để làm vật nuôi tạo ra làn sóng khai thác không bền vững các loài động vật hoang dã trong tự nhiên.
“Mặc dù người ta biện luận rằng các con vật được gây nuôi trong môi trường nuôi nhốt, nhưng trên thực tế, hầu hết chúng được săn bắt từ tự nhiên. Người ta cũng lập luận rằng, nuôi nhốt động vật hoang dã sẽ không ảnh hưởng tới quần thể của chúng ngoài tự nhiên - một lập luận đã được chứng minh là sai lầm.” - tổ chức WWF-Việt Nam nhấn mạnh.
Dẫn chứng cho quan điểm này, WWF-Việt Nam cho biết, trong những thập kỷ từ năm 1975 đến 2005, khoảng 1.3 triệu cá thể vẹt xám châu Phi đã bị săn bắt làm vật nuôi và hậu quả là loài này đang phải đối diện với sự tuyệt chủng. Hay kỳ đà không tai của Malaysia được phát hiện bởi các nhà sưu tầm vào năm 2012 khi chúng đang bị rao bán làm vật nuôi trên các diễn đàn online. Chúng bị săn bắn nhiều đến nỗi số lượng quần thể của chúng hiện đang bị suy giảm trầm trọng...
Động vật hoang dã rất khác so với vật nuôi và tình trạng nuôi nhốt sẽ khiến những nhu cầu sinh học của chúng không được đáp ứng. Nhiều vật nuôi hoang dã có thể ủ mầm bệnh và dễ dàng lây sang cho con người.
Hầu hết các loài khỉ mang vi rút herpes B - một loại vi rút có thể gây chết người; rùa và một số loài bò sát có thể mang vi khuẩn salmonella - một vi khuẩn có thể gây bệnh truyền nhiễm đặc biệt cho trẻ em, vẹt và các loài chim khác cũng có thể lây truyền một số bệnh sang người trong đó có bệnh cúm gia cầm.
“Phần lớn các căn bệnh mới hiện nay đều do động vật lây truyền sang cho con người. Ngoài ra, khi các loài vật hoang dã trở thành gánh nặng đối với chủ nhân của chúng, người ta có thiên hướng sẽ thả chúng trở lại tự nhiên. Điều này rất nguy hiểm bởi chúng có thể truyền bệnh cho con người và các loài bản địa. Đặc biệt chúng có thể gây ra nguy hiểm do là loài hoang dã, chưa được thuần phục, mặc dù bị nuôi nhốt nhiều năm. “ – tổ chức WWF-Việt Nam nhấn mạnh.
Theo WWF-Việt Nam thì nuôi nhốt động vật hoang dã cũng gây ra những tổn thương đối với thể chất và tinh thần của chúng. Rất nhiều trường hợp động vật nuôi nhốt khi được giải cứu đều trong tình trạng sức khoẻ tồi tệ. Chỉ trong điều kiện nuôi dưỡng chuyên nghiệp, đầy đủ cơ sở vật chất, các loài hoang dã mới có thể được đảm bảo về sức khoẻ. Đối với mỗi một cá thể động vật hoang dã được mang về nuôi tại một nhà nào đó, sẽ có rất nhiều cá thể đồng loại khác đã bị chết trên đường vận chuyển hoặc tại các chợ buôn bán.
WWF-Việt Nam kêu gọi không sở hữu một số những loài hoang dã và khuyến khích mọi người mua những sản phẩm có nguồn gốc hoang dã được sản xuất một cách bền vững. Tuy nhiên, điều đáng buồn là buôn bán động vật hoang dã làm thú nuôi đã đạt tới mức độ đe doạ nghiêm trọng tới quần thể của chúng ngoài tự nhiên.
Rồng Komodo là một ví dụ điển hình. Đây là một loài rất nguy hiểm, thường săn các loài động vật to lớn như hươu nai trong tự nhiên. Chúng cần rất nhiều thức ăn, sống lâu và rất hung dữ và đã từng có nhiều trường hợp tấn công người. Thêm nữa, săn bắn và mua bán, sở hữu loài này là bất hợp pháp.
Trong khi nhiều loài chim trở thành thú nuôi phổ biến, không phải loài nào cũng được phép nuôi giữ. Những loài chim lớn như đại bàng và các loài chim ăn thịt khác rất khó để giữ trong môi trường nuôi nhốt bởi chúng đã quen sải cánh trong một không gian rộng lớn. Nuôi dưỡng những loài này rất tốn kém và gây khó khăn cho cả con người và động vật.
Và kể cả khi các loài có nguồn gốc hoang dã có thể sống trong môi trường nuôi nhốt và không đòi hỏi nhiều chăm sóc công phu, nuôi giữ các loài này sẽ gây ra nhiều mối đe doạ đối với quần thể của chúng ngoài tự nhiên. Buôn bán thú nuôi từ hoang dã còn tạo ra một xu hướng trong xã hội và tạo ấn tượng rằng sỡ hữu thú nuôi hoang dã là một việc hoàn toàn bình thường, trong khi đó rất nhiều loài đang bị đe doạ. Vì thế, nuôi giữ động vật hoang dã thúc đẩy buôn bán và săn bắt những loài này trong tự nhiên, tạo lợi nhuận khổng lồ cho các hoạt động này.
Động vật hoang dã, không như các loài thuần dưỡng, đều có vai trò sinh thái riêng. Khi số lượng quần thể một loài hoang dã giảm xuống một mức độ nhất định nào đó, nó được coi là tuyệt chủng về mặt sinh thái, có nghĩa là quần thể của chúng quá nhỏ để thực hiện vai trò sinh thái của chúng. Ví dụ đối với các loài là con mồi hoặc động vật săn mồi, việc ăn các loài đã chết sẽ giúp giải quyết vấn đề bệnh dịch tiềm năng, giữ cho quần thể các loài khác được kiểm soát.
Đây là một trong những ví dụ điển hình về vai trò sinh thái của các loài và đó chính là lý do tại sao chúng cần được sống trong môi trường của chúng. Giữ chúng trong nhà làm động vật nuôi sẽ không phù hợp và ngăn cản nỗ lực bảo vệ chúng trong tự nhiên và môi trường sống của chúng.
(Theo VnMedia)