“Thuế phí cao như VN về lâu dài người dân vẫn sẽ bị thiệt thòi. Các nước khác Indonesia, Malaysia, hay thậm chí Campuchia cũng rẻ hơn chúng ta”.

Tiếp tục chia sẻ về việc giá bán xe tại Việt Nam (VN) hiện đang đắt gấp 3 lần Mỹ, cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, thậm chí có nhiều dòng xe chênh tới 60 - 80%, trao đổi với Đất Việt, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM khẳng định việc này đã kéo dài nhiều thời gian qua.

Theo ông Quản, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhà nước đánh thuế cao đối với các sản phẩm ô tô nhập khẩu.

Hiện ô tô đang phải chịu 10 loại thuế phí chẳng hạn như thuế nhập khẩu linh kiện từ 10-30%, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ 50-70%, thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 22%, thuế tiêu thụ đặc biệt từ 40-60%, thuế giá trị gia tăng (VAT) khoảng 10%. Ngoài ra còn phí trước bạ, phí cấp biển, phí bảo trì đường bộ...

“Việc này không có gì quá lạ cả. Giá ô tô bên Mỹ rẻ hơn nhưng khi vào VN nhà nước áp thuế đến 200% nữa. Do thuế quá cao nên người dân không thể mua được ô tô giá rẻ. Cùng với số tiền như nhau, người dân trong khu vực có thể đủ điều kiện để mua ô tô. Trong khi chúng ta lại phải trả cao hơn 3 lần”, ông Quản nhấn mạnh.

{keywords}

Các nước khác Indonesia, Malaysia, hay thậm chí Campuchia cũng rẻ hơn Việt Nam. Ảnh minh họa

Trong khi đó, lý giải tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN khẳng định, chúng ta chưa khuyến khích người dân dùng ô tô.

“Hiện nay kết cấu hạ tầng của chúng ta chưa tốt, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của giao thông, quy hoạch vẫn kém. Nếu áp dụng mua ô tô giá rẻ như các nước thì tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn còn nguy hiểm hơn nữa.

Nhiều chuyên gia đã khẳng định ùn tắc giao thông không phải do xe máy mà do xe ô tô cá nhân.

Vì vậy nhà nước đưa ra mức giá cao với ô tô là nhằm mục đích hạn chế người mua. Do đó chúng ta cũng không có gì quá lạ khi người dân VN dù thu nhập thấp nhưng vẫn phải mua giá cao so với các nước”, ông Thanh nhấn mạnh.

Cùng đưa ý kiến, ông Phan Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Tĩnh chia sẻ, với những điều kiện giao thông chưa đồng bộ như hiện nay ở Việt Nam thì việc nhiều người dân cùng sở hữu ô tô sẽ dẫn đến tình trạng quá tải tại các đô thị lớn.

“Chúng tôi thường nói với nhau rằng Việt Nam chưa bao giờ có giá ô tô rẻ cả. Cao gấp 2 lần so với Mỹ đã thấy sợ rồi. Giờ gấp 3 lần thì đúng là tôi hơi giật mình. Chủ trương của chúng ta như vậy cho nên tôi nghĩ người dân cũng cần cân nhắc và có lựa chọn cho phù hợp”, ông Sơn nói.

Ngoài ra, ông Sơn cũng cho rằng nhà nước cần phải có sự đánh giá toàn diện, khách quan, xét cụ thể từng đối tượng mua xe.

“Người mua xe sử dụng cho mục đích cá nhân thì có thể hạn chế. Nhưng nếu mua xe ô tô để kinh doanh phát triển, tạo ra công ăn việc làm, tiền của cho xã hội thì nên có những hỗ trợ khác. Hiện nay chúng ta đánh đồng doanh nghiệp kinh doanh với người mua xe phục vụ cá nhân. Ai cũng giống nhau cả, người kinh doanh, buôn bán chưa được nhận hỗ trợ nhiều”, ông Sơn nhấn mạnh.

Campuchia rẻ hơn

Một vấn đề khác ông Sơn nhắc đến đó là thời gian qua VN đã chú trọng đến vấn đề mở mang, cải thiện hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại nhiều nghịch lý đối với các loại hình giao thông vận tải. Đó là suất đầu tư đường cao tốc đắt hơn cả châu Âu, phí đường bộ của VN cao nhất Đông Nam Á, giá xăng của VN nhiều thời điểm được ghi nhận đắt hơn cả Mỹ…

Theo ông Sơn, thời gian vừa qua, các dự án BOT hay các suất đầu tư đường cao tốc của Việt Nam chưa công khai, minh bạch. Người dân và các chuyên gia rất khó có thể giám sát được. Sự mập mờ trên có thể trở thành một trong những nguyên nhân khiến giá phí tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

“Đúng là phí xăng, phí BOT hay phí xây dựng đường cao tốc của VN thuộc dạng cao nhất thế giới. Tôi nghĩ với nước có thu nhập trung bình như chúng ta thì có điều gì đó bất bình thường.

Về BOT tôi nghĩ nên xem xét, đánh giá lại chính xác chuyện đó. Người dân thời gian qua đã phản ứng khá gay gắt với phí BOT cao, bất hợp lý. Cần công khai minh bạch hồ sơ dự án, đầu tư hết bao nhiêu, thu phí trong bao lâu cho hợp lý và nên kéo dài thời gian thu ra để người dân không phải trả phí cao.

Còn về vấn đề kinh doanh vận tải, tôi đề nghị Chính phủ nên xem xét, hỗ trợ cho những người kinh doanh trong ngành giao thông vận tải được tiếp cận với mức giá phù hợp”, ông Sơn đưa phương án.

Ông Bùi Văn Quản cũng thừa nhận những bất cập trong quá trình thu phí tại VN. Đặc biệt, cá nhân ông và Hiệp hội Vận tải TP.HCM đã nhiều lần gửi các văn bản kiến nghị nhưng chưa được giải quyết một cách triệt để.

“Thuế phí cao như vậy thì về lâu dài người dân vẫn bị thiệt thòi là chính. Các nước khác Indonesia, Malaysia, hay thậm chí Campuchia cũng rẻ hơn VN. Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại việc thu phí và đưa ra các mức phí. Bởi lẽ phí cao hay thấp thì cũng đều do chủ trương của nhà nước. Nếu tình trạng này vẫn kéo dài sẽ không tốt, giá vận tải đương nhiên sẽ bị đẩy lên cao”, ông Quản lo lắng.

Còn nhiều tranh cãi

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng vấn đề thu phí tại Việt Nam hiện nay còn nhiều tranh cãi. Có người khẳng định các khoản chi phí của chúng ta đắt gấp nhiều lần so với thế giới, tuy nhiên nhiều người nhận định mức thu như vậy là phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.

“So sánh cao thấp hiện nay rất khó. Muốn làm được như vậy thì chúng ta phải loại những yếu tố không đồng nhất ra. Chúng ta cũng không thể so sánh chi phí 1km đường cao tốc của Việt Nam so sánh với Mỹ được. So sánh phải trên cùng một tiêu chí.

Hiện nay tôi thấy các nhà đầu tư cũng kêu ca về vấn đề này. Đầu tư đường cao tốc tại các nước làm trên mặt đường ổn định. Trong khi đó ở Việt Nam nền đất yếu, nhiều cầu, đền bù giải phóng mặt bằng lớn. Những khác biệt đó khiến giá cả của chúng ta bị đội lên”, ông Thanh nêu quan điểm.

Từ những vấn đề trên, ông Thanh cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra những phương án phù hợp hơn với mức sống của người dân.

“Việc để người dân tiếp cận với giá ô tô hợp lý và thuế giảm bớt thì các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc. Tôi cho rằng quan trọng nhất là chúng ta phải giám sát, quản lý được, tránh đầu tư lãng phí, thất thoát.

Trước hết cần xem lại khâu khâu hạch toán, giám sát thi công cho đến khâu quyết toán. Những việc này phải hết sức chặt chẽ, phải công khai minh bạch cho người dân biết. Khi đó người ta sẽ thông cảm, chia sẻ”, ông Thanh khẳng định.

Theo Đất Việt