“Chính sách thuế phí của Việt Nam bảo hộ sản phẩm trong nước khiến người dân không được tiếp cận với các dòng ôtô chất lượng tốt, giá cả hợp lý”.

Thu nhập thấp, mua ôtô cao

Thống kê mới đây cho thấy, giá bán xe tại Việt Nam (VN) hiện đang đắt gấp 3 lần Mỹ, cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, thậm chí có nhiều dòng xe chênh tới 60 - 80%.

Trao đổi với Đất Việt trước thông tin trên, ông Tô Văn Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Đà Nẵng cho rằng đây không phải là vấn đề mới. Chuyện người dân VN phải mua xe ôtô đắt gấp nhiều lần so với các nước đã được nhắc đến từ nhiều năm nay. Tuy nhiên đến nay, tình hình vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Theo ông Hiệp, hiện nay người dân VN muốn sở hữu một chiếc ôtô, họ phải trả cho chiếc xe ấy rất nhiều loại thuế và phí. Điều này xuất phát từ chính sách thuế phí của VN bảo hộ sản phẩm trong nước quá nhiều, dẫn đến người dân không được tiếp cận với các dòng ôtô chất lượng tốt, giá cả hợp lý.

“Tỷ lệ nội địa hóa ôtô của VN không tăng lên bao nhiêu, chỉ có 1 vài hãng. Hơn nữa chất lượng của các xe cũng chưa thật sự tốt, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Nếu kéo dài sự bảo hộ như vậy thì đương nhiên thị trường sẽ không thỏa mãn được nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và giá cả của xe rất cao. Về lâu dài việc này sẽ tác động xấu đến nền kinh tế”, ông Hiệp nói.

{keywords}

Người VN thu nhập thấp nhưng đang phải mua ôtô giá cao. Ảnh minh họa

Từng đi công tác tại nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới, ông Hiệp cho rằng VN đang đi ngược lại với các nước khi người dân và công chức nhà nước gặp khó khăn trong việc tiếp cận mua xe ôtô.

“Tại Thái Lan hay Malaysia, xe ôtô trở thành phương tiện phổ biến của người dân cũng như công chức. Tôi từng nói chuyện với những người bạn ở đó, việc sở hữu xe rất đơn giản nếu như anh có nhu cầu. Họ phải đóng thuế và các khoản phí rất cao, chẳng hạn thuế bảo hiểm, đóng phí đường bộ, phí bãi nhưng vẫn đủ khả năng để sắm xe. Trong khi ở VN thì điều này hoàn toàn ngược lại”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Đà Nẵng lo ngại, nếu tiếp tục duy trì tình trạng này sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện để phát triển ngành sản xuất ô tô trong nước.

“Các dòng xe nhập từ Nga, Thái Lan, chất lượng hơn hẳn trong nước. Hay đơn cử như dòng xe Toyota sản xuất trong nước nếu so sánh với Thái Lan chúng ta vẫn thua xa.

Ở Indonesia cũng vậy. Hiện nay họ sản xuất các xe trong nước rất chắc chắn, giá cả hợp lý, trong khi chúng ta sản phẩm của chúng ta không tốt, giá thành cao. Nếu cứ duy trì tình trạng này thì người dân vẫn sẽ phải mua xe ôtô giá đắt, các sản phẩm của chúng ta làm ra sẽ khó cạnh tranh được với các nước”, ông Hiệp lo lắng.

Từ những phân tích trên, ông Hiệp khẳng định, đang có một nghịch lý xảy ra tại VN khi người dân thu nhập thuộc loại thấp trên thế giới nhưng phải bỏ ra một số tiền quá lớn để mua xe ô tô.

“Nếu so sánh với các nước trong khu vực cùng điều kiện với VN thì đó là một sự bất hợp lý. Là một công dân trong cùng khối ASEAN mà chúng ta lại có sự khác biệt quá lớn.

Đành rằng chúng ta cũng cần kiểm soát giá ôtô. Nếu rẻ quá, các xe ồ ạt vào thì sẽ không đảm bảo được vấn đề phát triển lâu dài. Tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận lại việc này. Các cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi chính sách để người dân được tiếp cận với những ưu đãi tốt hơn trong việc phát triển xe ôtô.

Một đất nước văn minh mà xe máy đông không kiểm soát được, trong khi ôtô hạn chế thì không phải là một bài toán đúng”, ông Hiệp nêu quan điểm.

Việt Nam... đắt nhất thế giới

Một vấn đề khác ông Hiệp nhắc đến đó là thời gian qua VN đã chú trọng đến vấn đề mở mang, cải thiện hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, trong lĩnh vực giao thông vận tải ở nước ta hiện nay đang tồn tại nhiều nghịch lý. Đó là suất đầu tư đường cao tốc đắt hơn cả châu Âu, phí đường bộ của VN cao nhất Đông Nam Á, giá xăng của VN nhiều thời điểm được ghi nhận đắt hơn cả Mỹ…

Theo ông Hiệp, đầu tư đường cao tốc, xây dựng BOT là một chủ trương đúng đắn, là cách làm tốt để phát triển hệ thống giao thông đường bộ. Đặc biêt, đây là biện pháp để xã hội hóa trong đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông.

Nếu không huy động vốn từ bên ngoài, chắc chắn Bộ GTVT sẽ không thể cải thiện các tuyến đường giao thông trên cả nước như thời gian qua. Tuy nhiên khi đưa ra các quy định về BOT thì đến nay các Bộ, ngành đã có nhiều vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

“Chúng ta nhiều lần đưa ra yêu cầu công khai về tổng vốn đầu tư của quãng đường đó, thời gian hoàn vốn. Tuy nhiên việc kiểm tra, kiểm soát việc thu phí vẫn còn rất nhiều vấn đề gian lận.

Thứ hai, quy định khoảng cách giữa các trạm BOT là 70 km. Hiện nay rất nhiều trạm thu phí chưa đến 50 km, có nơi chưa đến 40 km. Đây là một vi phạm rõ rệt, không công bằng với người dân.

Tiếp theo, trước đây không có trạm BOT, người dân đóng phí bảo trì đường bộ. Hiện nay mỗi đoạn BOT phủ lên, người dân phải đóng thêm phí. Như vậy là phí chồng phí. Đó là sự bất hợp lý”, ông Hiệp chỉ rõ.

Là một chuyên trong lĩnh vực GTVT, ông Hiệp cho rằng đã đến lúc VN cần phải thay đổi để hội nhập với thế giới cũng như nâng cao giá trị sản xuất trong nước.

“Chúng ta cần làm lại hệ thống giao thông công cộng. Thứ hai, phải khuyến khích người dân được sử dụng ô tô đúng với thu nhập. Các nước làm được thì VN cũng phải tính toán giải quyết việc này”, ông Hiệp nhấn mạnh.

(Theo Báo Đất Việt)