Sau vòng thi bụng, chân, đuôi, đàn bò quay ngược người đọ mông, huê và vú để ban giám khảo chấm khả năng đẻ trước khi trao vòng nguyệt quế. Nhờ những tiêu chí đánh giá vừa thực, vừa thô, vừa hài ấy mà xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) tìm được “gương mặt sáng giá” trong cuộc thi ...bò đẻ được tổ chức cuối tháng 8 vừa qua.
Đây là cuộc thi nhan sắc bò đầu tiên ở tỉnh Quảng Nam, nhằm tìm ra giống bò tốt nhất cho bà con nông dân.
Tranh cãi tiêu chí, gay gắt sơ tuyển
Trời vừa sáng, sân thể thao xã còn chưa ráo sương đêm, mười con bò cái hoàn hảo nhất của mười thôn đã được bà con dắt tới đợi giờ ứng thí. Phía bên ngoài tường rào, từng đoàn người già trẻ gái trai lũ lượt kéo về, bà con nông dân sáng nay bỏ việc đồng để theo dõi cho bằng được cuộc thi trước nay chưa từng có. Ông Nguyễn Bá Hiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Hồng cười khà khà: “Biết bà con háo hức và đón đợi như vậy nên Ban tổ chức chuẩn bị cuộc thi này tới 3 tháng trời, riêng quy chế và tiêu chí chấm điểm thì tranh cãi kịch liệt, tới thời điểm nước rút mới “chịu nhau”. Bò là vật nuôi thân thuộc với bà con ở đây, họ nhìn vào là biết ngay con nào tốt con nào xấu, chấm không trúng khó ăn nói với bà con lắm”.
Trước nay, tỉnh Quảng Nam chưa từng có tiền lệ tổ chức một cuộc thi chọn bò nên ban tổ chức phải chạy vạy mượn quy chế và khung chấm điểm ở các tỉnh khác. Tuy nhiên, đem ráp vào các thí sinh bò đẻ của xã thì không khớp. Hết nước, mọi người họp bàn nhau tự lập quy chế và tiêu chí chấm điểm riêng cho cuộc thi này.
Ảnh: Thanh Trần. Phần thi “catwalk” của một thí sinh bò đẻ. Ảnh: Thanh Trần. |
“Lúc đầu tính đánh giá dựa trên dáng đi, ngoại hình thôi nhưng mọi người phản đối đó chỉ là bề ngoài, đã lên ngôi “quý bà” bò đẻ thì coi yếu tố đẻ quan trọng, cho nên phải đánh giá thêm cả mông, đùi, vú của bò nữa. Mông đùi nở to chứng tỏ khung chậu phát triển, đẻ tốt, vú đều không lép đảm bảo nguồn sữa cho con”, ông Hiến kể.
Tưởng vậy đã xong, khi lộ ra yếu tố đẻ tốt, các bên lại bắt bớ nhau kịch liệt về… huê (bộ phận sinh sản) của bò. Người nói chỉ cần to là đủ, người cãi không viêm nhiễm thì đẻ mấy cũng xong. Mỗi người một ý không ai nhường ai, cho đến khi ban tổ chức mời bên thú y can thiệp mới hay huê bò không chỉ to, mà còn phải có nhiều nếp nhăn chứng tỏ co giãn tốt thì khi đẻ bò con mới nhanh ra được. Rồi màu lông, mỏ, móng…cũng khiến các bên được dịp trổ tài “Quảng Nam hay cãi”.
Sau vô số lần họp bàn, hủy tiêu chí cũ - lập tiêu chí mới, ban tổ chức cũng đi tới thống nhất và lập ra bảng điểm với hàng chục tiêu chí trong bốn hạng mục đánh giá: ngoại hình, phần đầu, phần thân và khả năng sinh sản.
Tiêu chí gởi về, mười thôn của xã rộ lên cuộc đua đầy gay cấn ở vòng sơ tuyển. Ở thôn Hà Vy, những nhà có bò đẻ chiều nào cũng dắt ra đồng để mọi người bình chọn. Giữa hàng chục con bò na ná nhau, hết bác này tới cụ kia “soi” rồi sờ từng bộ phận thật tỉ mỉ để lựa được “ứng cử viên” sáng giá nhất đại diện thôn xóm đi thi.
Người nuôi bò, dân buôn bò, cán bộ thú y…có hiểu biết về bò làm ban giám khảo cho cuộc thi trước nay chưa từng có. |
Cuối cùng bò nhà anh Lương Bá Trình lọt vào “vòng trong”, mười ngày cận kề cuộc thi anh ra sức tẩm bổ, tắm rửa và chăm sóc cho “gương mặt đại diện” của thôn. Trong khi đó, ở các thôn khác, cán bộ thôn tới rà từng nhà, thấy con nào khả thi là lôi bảng tiêu chí chấm ngay tại chuồng rồi loại dần cho tới khi tìm được con phù hợp nhất.
Thi 'quý bà' bò đẻ… - ảnh 2 Các thí sinh bò trong cuộc thi “nhan sắc” bò đẻ tại xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Đăng quang nhờ…đẻ tốt
Đưa tay vỗ về con bò lai Sind hơn ba tuổi đã đẻ được hai lứa, ông Nguyễn Lành (thôn Hòa Hữu Đông) cười hiền khô: “Hồi mới nghe tui nghĩ cuộc thi chi mà lạ đời. Nhưng biết thi để tìm được giống tốt, làm cơ sở cho bà con căn cứ chọn giống thì hay quá, sau ni không chỉ thi bò, mà bất cứ con chi làm đầu tàu kinh tế được cũng nên đem đi thi hết”. 10 thí sinh bò đẻ trong cuộc thi này đều là giống bò lai Sind, bò Brahman… to khỏe, mỗi con nặng trên dưới ba tạ chứ không nhỏ như bò Việt và đặc biệt giá thành cũng rất cao.
Ban giám khảo bắt đầu chấm vòng một với tiêu chí ngoại hình, hai thôn Dục Tịnh, Ngọc Kinh Tây sát điểm tối đa vì hai con bò cái to cao nổi bật, da màu nâu đỏ nhìn rất mạnh mẽ. Khán giả vòng trong vòng ngoài hò reo, cá cược nhau đây là hai ứng cử viên sáng giá nhất. Phía trên sân khấu, ban tổ chức ra rả trong loa kêu người đại diện dắt các thí sinh quay dọc, quay ngang để chấm các bộ phận khác cho kỹ càng, rồi banh răng, mở mắt…
Đến phần thi “catwalk”, 10 thí sinh sải bước một vòng quanh sân xi măng, MC đồng thời đọc phần giới thiệu. “Sau đây là phần trình diễn của thí sinh đến từ thôn Đông Phước, thí sinh này vừa tròn 5 tuổi, ba năm liên tiếp gần đây năm nào cũng chỉ đẻ và đẻ; còn đây là thí sinh mang số báo danh 01 đến từ thôn Dục Tịnh, thí sinh này mất bình tĩnh trong suốt quá trình thi vì bò con đi theo nằm vạ đòi bú từ sáng đến giờ...”, tiếng loa vang lên trộn lẫn trong tiếng cười nắc nẻ của bà con.
Ông Võ Xuân Văn (một trong 16 thành viên ban giám khảo) nói như đứt hơi khi chạy mấy vòng theo các thí sinh: “Chấm có 10 con bò mà tụi tui loạn hết lên vì phải “soi” thiệt kỹ từ móng đến đầu. Ban giám khảo tụi tui toàn là những người có hiểu biết nhất về bò như dân nuôi, bảy đáp (dân buôn bò), cán bộ thú y…để cầm cân nảy mực cho khỏi mất lòng ai”.
Đang mải mê ví (đuổi) bò ra bóng mát ăn cỏ chờ kết quả, anh Lê Dũng bỗng nghe tên mình được xướng lên, con bò của anh đại diện cho thôn Phước Lâm đã…đăng quang. Cầm vương miện vòng qua cổ bò, anh bẽn lẽn cười: “Nhiều thôn bò trông đẹp hơn, tui nghĩ bò mình chắc… á hậu hai là cùng, không ngờ chừ đứng nhất luôn…”. Ông Hiến đứng bên chen vào: “To đẹp chỉ một phần thôi, con bò nhà anh “chắc nụi”, nhìn nó bước là biết khôn thôi rồi. Đã rứa cái huê to bình bố, nhăn như tờ giấy vò đẻ không mau mới lạ. Nó xứng đáng đăng quang, làm mẫu để bà con nhìn theo mà chọn giống”.
Năm trước, con bò lai Sind với bộ lông vàng thẫm mượt mà này sinh được một bê cái, anh Dũng chưa kịp bán thì bê bị kẹt chết trong núi. Năm nay, bò mẹ lại đẻ tiếp một con bê đực mà theo lời bà con thì “nhìn vô là ưng dắt về nhà nuôi liền”. Suốt buổi sáng, bê con nằm ngủ ngon ơ dưới chân mẹ, cả thôn phải thay nhau tới dỗ đi nơi khác để bò mẹ không vướng víu trình diễn. Ông Nguyễn Hải Chân (thành viên ban giám khảo) tếu táo: “Bò đẻ tốt nghĩa là đẻ nhanh và cho ra bê con khỏe mạnh, thí sinh đăng quang hôm nay lợi thế vì đem “bằng chứng sống” tới “làm lòe” với ban giám khảo”.
Bò của anh Lê Dũng, thôn Phước Lâm (Đại Hồng, Đại Lộc) đăng quang trong cuộc tỉ thí nhan sắc bò đẻ lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thanh Trần. |
Nức tiếng bò Đại Hồng
Con sông Vu Gia chảy qua xã Đại Hồng thắt eo lại tạo nên bãi bồi dưới chân cầu Hà Nha rộng mênh mông. Bãi bồi ấy là nơi trồng đậu, thảy bắp và các loại hoa màu gần như quanh năm của bà con. Mùa thu hoạch xong, nơi ấy lại hóa thành một thảo nguyên đẹp như tranh cho đàn bò ngàn con thỏa thuê gặm cỏ. Ông Hiến nói: “Xã có hơn 1.600 con bò, 700 con trâu đều thuần cỏ nhờ nguồn cỏ trên bãi dồi dào và xác cây bắp, đậu, rơm khô có quanh năm. Nhờ vậy nên bò khỏe mạnh và thịt cũng thơm có tiếng”.
Vùng “bê thui Cầu Mống” (thị xã Điện Bàn) coi đây là nguồn cung chủ yếu cho món bò đặc sản bởi thịt vừa thơm, vừa ngọt hiếm nơi nào có được. Hầu như ngày nào cũng có thương lái lên Đại Hồng tìm mua. Bê con lớn hơn chút nữa, những xã, huyện lân cận lại kéo tới mua về làm giống. Ông Huỳnh Ngọc Cài (thôn Ngọc Kinh Đông) nói: “Họ chuộng bò thịt một thì chuộng bò giống mười. Giống bò ở đây là bò lai Sind, Brahman nuôi nhanh lớn và sức đề kháng rất cao. Ngày nay người ta không nuôi bò lấy sức kéo, vậy nên bê đực mua về nuôi một thời gian để phối với bò cỏ, bê cái mua về nuôi để đẻ”.
Tiếng tăm bò Đại Hồng những năm gần đây như diều gặp gió nên nhà nào cũng nuôi bò, ít vài ba con, nhiều hàng chục con và đặc biệt đều chuộng nuôi bò cái. Bấm đốt tay nhẩm tính, ông Từ Thương (52 tuổi, thôn Hà Vy) cho hay bò cái chừng hơn hai tuổi thì bắt đầu động đực rồi mang bầu 9 tháng 20 ngày, sau lứa đầu mỗi năm tiếp theo đều đẻ một con. Bò mẹ đẻ tối đa được 9, 10 con bê. “Bê con nuôi 5 tháng bán tầm 15 triệu, nuôi thành bò thịt, bò giống thì bán trên dưới 20 triệu. Thành thử, những nhà có bò đàn đã thành đại gia trong làng cả rồi”, ông nói.
Tôn vinh đầu tàu kinh tế địa phương “Cuộc thi không chỉ để tìm ra con bò hoàn hảo nhất về ngoại hình lẫn chất lượng và khả năng sinh sản, mà còn để tôn vinh “đầu tàu” kinh tế địa phương. Những năm gần đây, bò là nguồn thu nhập chính của nông dân xã Đại Hồng, nuôi bò không quá vất vả như trồng lúa mà lại lãi cao. Nhất là bò đẻ, cứ nuôi một đẻ lời ra ba ra năm. Nhiều hộ tự tin nuôi con vào đại học, cất nhà cửa kiên cố…đều từ bò”- ông Nguyễn Bá Hiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. |
Theo Tiền Phong