Đó chính là lí do vì sao doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam thua ngay trên sân nhà, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho hay.
Mới đây, tỷ phú Central Group đã chính thức mua đứt Big C Việt Nam. Thương vụ đánh dấu thêm 1 chuỗi bán lẻ lớn tại Việt Nam về tay người Thái, sau chuỗi Metro Cash & Carry.
Trước đó, người Thái cũng đã có hàng loạt thương vụ trên thị trường bán lẻ Việt Nam như thương vụ Central Group mua lại 49% cổ phần Nguyễn Kim, hay việc Berli Jucker đánh bật chuỗi Family mart để thành lập B'mart...
Đánh giá về thị trường bán lẻ Việt Nam sau khi hai hệ thống bán lẻ lớn bậc nhất và có lịch sử nhiều năm kinh doanh ở Việt Nam bị thâu tóm, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam có rất nhiều tiềm năng nhưng chúng ta chưa biết cách khai thác, kể cả về chiến lược phát triển cũng như trên mỗi mặt trận cụ thể của doanh nghiệp và các bộ, ngành.
Ảnh minh họa |
Đại diện Hiệp hội Siêu thị Hà Nội chỉ ra một loạt yếu kém của ngành bán lẻ nội địa, cụ thể:
Thứ nhất, mối quan hệ cung ứng giữa nhà sản xuất và kênh phân phối thực sự có vấn đề. Vừa rồi, rộ lên câu chuyện Big C yêu cầu nâng chiết khấu nhưng không chỉ riêng gì Big C mà các siêu thị trong nước cũng "hành hạ" nhà cung ứng. Chiết khấu cao, chiếm dụng vốn khách hàng, nợ lâu thanh toán làm nhà cung ứng phải chờ đợi mệt mỏi...
Lấy ví dụ thực tế, ông Phú kể, vừa rồi có một nhà cung ứng muốn gửi hàng đến siêu thị A của nhà nước để bán nhưng một tháng trời họ mới được gặp mặt để đàm phán thì mất thời cơ rồi còn gì nữa. Chưa kể, phí tạo mã giá 1 triệu đồng, phí đầu kệ cao, bán hàng xong lại không thanh toán ngay vì kêu không có tiền, chiếm dụng vốn của khách hàng... như thế là không ổn.
"Phải làm việc với siêu thị, cam kết không nâng chiết khấu quá 15%. Siêu thị lớn thì ép nhà cung ứng, còn siêu thị nhỏ lại bị nhà cung ứng ép. Nếu cả hai bên không hữu nghị thì hàng Thái Lan, hàng Nhật họ sẽ tràn vào thôi", vị này nói.
Thứ hai, tính liên kết thương mại của doanh nghiệp sản xuất và phân phối Việt Nam quá kém. Hiện nay, 10 siêu thị trong nước vẫn cử 10 người đi mua đồ ăn từ nước ngoài về bán. Trong khi không nhập hàng của Việt Nam mặc dù hàng ngon, hàng sạch, hàng ant oàn không thiếu. Nếu không ngồi xem lại thì bán lẻ Việt Nam thua là đúng rồi.
Thứ ba, là tính chuyên nghiệp. "Tôi không khen ngợi nhà bán lẻ ngoại chuyên nghiệp nhưng các bạn vào siêu thị của họ cảm thấy hài lòng, thảnh thơi vì được phục vụ tử tế. Ở Aeon mall, khi bạn quên chìa khóa còn được nhân viên ân cần mang trả tận nơi, còn khi vào siêu thị nội có khi cả ngày bạn cũng chả được một câu cảm ơn tử tế nào. Như thế là rất nguy hiểm", ông Phú nói.
Thứ tư, là quy hoạch thiếu đồng bộ. Phát triển hệ thống phân phối mà không có quy hoạch là không ổn. Tôi không thể tưởng tượng ở Hà Nội 700m mà có đến 3 cái siêu thị. Lotte đang có siêu thị rồi thì Hapro lại cắm một cái vào giữa. Trong khi ở trong Sài Gòn thì cứ 1km là có 3 siêu thị. Chúng ta tự hại nhau mà thôi. Hapro đã phải đóng cửa ở 102 Thái Thịnh rồi.
Cũng theo ông Phú, hiện nay, hàng bình ổn giá đã được chi 200 tỷ đồng nhưng giá dầu ăn của siêu thị bình ổn vẫn cao hơn siêu thị bên ngoài khoảng 20.000 đồng.
"Tất cả những vấn đề trên đồng bộ lại làm cho bán lẻ Việt Nam yếu kém. Là người theo dõi, là người mở siêu thị đầu tiên, tôi xin nói siêu thị bây giờ đừng có bảo thủ để không nhìn nhận ra cái yếu nữa. Nếu không thay đổi thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà thôi, khi đó hàng ngoại sẽ vào, siêu thị ngoại sẽ lấy hết doanh thu của siêu thị nội", ông Phú nói.
(Theo Trí Thức Trẻ)