Việt Nam chi 16.000 tỷ đồng nhập rau quả Thái Lan trong vòng 10 tháng qua, chiếm 57% thị phần rau quả nhập khẩu vào Việt Nam. Thế nhưng, mới đây truyền thông Thái Lan đưa tin có tới 64% rau quả nước này không an toàn, việc này khiến không ít người e ngại: Liệu rau quả Thái đang bán trên thị trường có bị nhiễm độc?

Những năm gần đây, rau, hoa quả Thái Lan phủ khắp thị trường Việt Nam, thay thế hoa quả Trung Quốc. Do đó, trên sạp kệ, hàng chục loại quả Thái như: nhãn, xoài, bòn bon, sầu riêng, me, chôm chôm, măng cụt,... đổ bộ, chiếm 1/3, thậm chí là một nửa, các mặt hàng hoa quả bày trên kệ nếu vào thời điểm hoa quả Việt khan hàng.

Đáng chú ý, do chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả lại không quá cao như các loại hoa quả nhập khẩu từ Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,... và chỉ nhỉnh hơn hoa quả trong nước từ 5.000-20.000 đồng/kg tùy loại, tùy thời điểm, nên hoa quả Thái Lan được nhiều người Việt Nam ưa chuộng.

Thực tế, theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ NN-PTNT, chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2017, giá trị nhập khẩu rau quả vào Việt Nam đạt 1,25 tỷ USD, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm 2016.

{keywords}
Tại các siêu thị, cửa hàng thậm chí ngay tại các chợ truyền thống, “chợ mạng”, rau quả Thái Lan được bày bán tràn lan.

Trong đó, thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Thái Lan, với giá trị đạt 722 triệu USD (khoảng 16.000 tỷ đồng), chiếm 57% thị phần nhập khẩu rau quả, tăng 220% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu rau quả Việt Nam vào thị trường Thái Lan được cho là quá khiêm tốn, chỉ bằng 1/20 so với rau quả Thái đổ bộ vào Việt Nam.

Với con số trên, lượng hoa quả Thái cao gấp hơn 3 lần lượng hoa quả Trung Quốc (18% thị phần) đổ về Việt Nam.

Theo các chuyên gia trong ngành, mấy năm gần đây, người tiêu dùng e ngại sử dụng các loại rau củ Trung Quốc vì sợ “dính độc”; và để an toàn hơn, ngoài hoa quả Việt Nam, họ chuyển dần sang chọn mua các loại rau quả nhập khẩu từ Thái Lan. Vì thế, trên thị trường rau quả nhập khẩu, hàng Thái ngày càng về ồ ạt.

Thế nhưng, mới đây, truyền thông Thái Lan đưa tin, hơn 64% rau quả của nước này không an toàn do dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá mức cho phép, trong đó có các sản phẩm sử dụng khá phổ biến gồm cải xoắn lá, rau má, đu đủ, dứa, nho,... được tiêu thụ tại thủ đô Bangkok và 4 địa phương khác của nước này.

Thông tin trên khiến người tiêu dùng Việt không khỏi lo sợ. Đây không phải là lần đầu tiên truyền thông Thái Lan đưa tin về rau quả nước này tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng.

Trước đó, vào đầu tháng 5/2016, kết quả khảo sát của Hệ thống cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan (Thai-Pan) tiến hành trên 138 mẫu rau và trái cây phổ biến ở Bangkok, Chiang Mai và Ubon Ratchathani cho thấy, có đến 57% mẫu xét nghiệm được dán nhãn Q của Cục Tiêu chuẩn Thực phẩm và Sản phẩm Nông nghiệp Quốc gia (ACFS), tìm thấy hàm lượng chất độc cao. Ngoài ra, 25% sản phẩm có chứng nhận hữu cơ (được coi là không sử dụng hoá chất) có dư lượng hoá chất vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Trao đổi với PV. VietNamNet về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công thương Hà Nội), chia sẻ, ông cũng mới biết thông tin này và theo ông, người tiêu dùng lo lắng sợ mua phải hàng nhiễm độc là có cơ sở.

Lý do là bởi, rau quả Thái đang được bán tràn lan tại Việt Nam. Trong khi đó, không cơ quan chức năng nào dám chắc rằng tất nguồn hàng nhập khẩu từ Thái Lan về đều an toàn. Bởi, ngoài nguồn hàng nhập chính ngạch còn có nhập tiểu ngạch, hàng xách tay. Đó là chưa kể, hàng rào kỹ thuật của ta còn khá lỏng lẻo, hầu như mới chỉ kiểm tra được phần ngọn.

“Cần kiểm tra hàng tận gốc, lập đoàn sang các vùng nguyên liệu Thái Lan khảo sát, xem xét. Nếu thấy đảm bảo an toàn, sản xuất theo quy trình chuẩn thì mới cho nhập. Qua cửa Hải quan, cần kiểm tra chặt một lần nữa trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ”, ông Phú nói.

Ông đề xuất, với nhập khẩu chính ngạch, nên áp dụng cách làm của Trung Quốc. Để mở cửa cho thịt lợn Việt Nam, họ cử đoàn sang tận nước ta xem xét từ khâu chăn nuôi đến khâu giết mổ,... Với rau quả Thái Lan, chúng ta cũng có thể áp dụng cách làm tương tự để người tiêu dùng không lo sợ khi mua rau quả Thái nói riêng và thực phẩm nhập khẩu nói chung.

Bảo Phương