Việc mua vàng trôi nổi gây khó khăn cho quản lý chất lượng, tăng thêm rủi ro cho người mua vàng.

Trong hơn nửa tháng qua, giá vàng nội liên tục cao hơn giá vàng ngoại từ 2,7 triệu đến 3 triệu đồng/lượng, thậm chí 4 triệu đồng/lượng.

Mua vàng trôi nổi

Lý giải về hiện tượng trên, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng một trong những nguyên nhân là do sự thiếu hụt về nguồn vàng nguyên liệu. Cụ thể, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng trong mấy năm qua khiến giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với vàng thế giới.

{keywords}

Điều này theo VGTA khiến cho người dân bị thiệt thòi vì phải mua vàng miếng với giá đắt hơn so với giá quốc tế. Đối với các doanh nghiệp có sản phẩm gia công, xuất khẩu vàng trang sức, do phải mua vàng nguyên liệu với giá cao hơn giá vàng quốc tế nên càng bán càng lỗ và không có điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ.

Không chỉ vậy, nó buộc các doanh nghiệp phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường. Như vậy đã vô tình tiếp tay cho những kẻ buôn lậu vàng, tạo điều kiện cho thị trường ngoại tệ “chợ đen” phát triển do những kẻ buôn lậu thu gom ngoại tệ để nhập lậu vàng, tác động tiêu cực đến công tác quản lý thị trường vàng và công tác điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Bằng chứng rõ nhất là ngày 25-11, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên, An Giang đã phát hiện một đối tượng vận chuyển trái phép 18 kg vàng từ Campuchia vào Việt Nam. Người này còn thừa nhận trong tháng 11-2016 đã ba lần mang vàng về Việt Nam nhưng không rõ số lượng bao nhiêu.

Ông Nguyễn Trọng Bình, chủ một tiệm kinh doanh vàng lâu năm ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết trong mấy năm nay, bình thường chỉ cần vênh nhau khoảng 500.000 đồng/lượng là đã xảy ra hiện tượng nhập lậu vàng, trong khi ở thời điểm hiện tại độ vênh này lên đến 3 triệu đồng/lượng. Do đó việc nhập lậu vàng qua biên giới càng dễ xảy ra.

{keywords}

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng gặp khó vì thiếu nguyên liệu để sản xuất. Trong ảnh: Khách hàng đang mua vàng tại cửa hàng vàng bạc đá quý SJC Minh Khai (TP.HCM).

“Nhìn từ góc độ kinh doanh vàng nữ trang thì nó bao giờ cũng gắn liền với sản xuất, đó là một dòng chảy lưu thông hàng hóa không thể tách rời. Nếu không cho nhập khẩu vàng thì việc các doanh nghiệp phải mua vàng trôi nổi, vàng nhập lậu để sản xuất là khó tránh khỏi” - ông Bình nhấn mạnh.

Theo ông Trần Thanh Hải, chuyên gia ngành vàng, với ngành hàng khác lợi nhuận 1%-2% là không đáng kể nhưng với vàng thì đây là tỉ lệ đáng để những kẻ buôn lậu tranh thủ.

“Tôi nhận thấy cứ khi có chênh lệch giá, thị trường có nhu cầu mà không đáp ứng được tất yếu sẽ phát sinh buôn lậu. Khi vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới thì vàng ngoại chảy vào Việt Nam. Ngược lại, khi giá vàng nội rẻ hơn vàng ngoại thì hiện tượng chảy máu vàng qua biên giới là đương nhiên” - ông Hải nói.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, xác nhận với báo chí NHNN đã nắm được thông tin về việc mua bán vàng nguyên liệu tại tiệm vàng. Đơn vị này cũng đã báo cáo NHNN, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để hạn chế tình trạng nhập lậu vàng.

Nên cho nhập vàng có lộ trình

Để giải bài toán vàng lậu, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc nên cho nhập khẩu vàng nguyên liệu. Ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VGTA, nói: “Khi cho nhập khẩu vàng nguyên liệu thì ngoại tệ được chuyển qua con đường chính ngạch, ngân hàng quản lý được đầu ra đầu vào. Một điểm đáng chú ý nữa là nếu được nhập khẩu vàng nguyên liệu bằng con đường chính thức cũng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu vàng nữ trang. Nhờ đó mà Nhà nước cũng có thêm nguồn thu ngoại tệ từ vàng xuất khẩu và tiền nộp thuế xuất khẩu, ước tính từ 8,68 triệu đến 17,36 triệu USD/năm”.

Trước ý kiến cho rằng cho nhập vàng sẽ gây áp lực lên tỉ giá, ông Đinh Nho Bảng cho rằng mỗi năm nhu cầu về vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang trong nước tối đa khoảng 20 tấn, tương đương khoảng 868 triệu USD. Nếu cho nhập thì phải có lộ trình chứ không phải nhập một lần. Do vậy đừng lo lắng cho phép nhập khẩu vàng là các doanh nghiệp sẽ được nhập vô tội vạ.

“Mặt khác, nếu cho nhập khẩu vàng trở lại thì đương nhiên áp lực về vàng nguyên liệu trong nước cũng giảm và như vậy sẽ kéo giá vàng trong nước và tỉ giá ngoại tệ trên thị trường tự do sẽ xuống ngay. Khi mà chênh lệch không đáng kể thì cũng chẳng còn ai quan tâm đến nhập lậu hay xuất lậu vàng. Do đó, áp lực lên ngoại tệ cũng không còn lớn” - ông Bảng nói.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cũng nhận định khi cho nhập khẩu vàng thì sẽ tăng nhu cầu về ngoại tệ và ảnh hưởng tới tỉ giá nhưng không gây tác động xấu đến thị trường tỉ giá. Bởi nếu cần khoảng 868 triệu USD để nhập khẩu vàng nguyên liệu so với tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 200 tỉ USD mỗi năm thì đó là con số không nhiều.

Nhiều ý kiến khác cũng đề xuất chỉ nên cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho những doanh nghiệp đã được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (theo quy định tại Điều 5 Nghị định 24/2012). Bên cạnh đó chỉ nên ưu tiên cho các doanh nghiệp xuất khẩu vàng để lấy ngoại tệ, quản trị tốt, hóa đơn chứng từ rõ ràng.

Vàng có độn bột lạ

Mới đây, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện một đường dây kinh doanh vàng từ Hong Kong (Trung Quốc) vào Việt Nam tiêu thụ. Đáng chú ý, khi lấy mẫu phân tích, lực lượng chức năng phát hiện trong vàng có độn bột lạ. Cụ thể, vàng miếng khi đưa vào máy phân tích vẫn đủ tuổi 99,9% nhưng khi phân kim chỉ đạt tỉ lệ 40%.

Báo chí dẫn lời Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Một thỏi vàng bán 400- 500 triệu đồng thì loại vàng dởm này có trị giá chỉ khoảng 105-120 triệu đồng. Ngay cả người buôn bán vàng lâu năm có kinh nghiệm cũng khó có thể phát hiện được. “Thủ đoạn này tiếp tục có diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng và người dân cần đề cao cảnh giác, đặc biệt vào những tháng cuối năm nhu cầu tiêu thụ vàng rất lớn”.

Trước đó, tại thị xã Dĩ An, Bình Dương cũng xảy ra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách dùng vàng giả đổi lấy vàng thật.

800 triệu USD - tương đương gần 18.000 tỉ đồng - là kim ngạch xuất khẩu vàng trang sức, đá quý của Việt Nam trong năm qua. Con số này được Bộ Công Thương đánh giá là khiêm tốn, kém gấp 15 lần so với nước láng giềng Thái Lan.

(Theo Pháp luật TP.HCM)