Các hãng hàng không trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt phi công được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử sắp xảy ra trong khoảng 2 thập kỷ tới.
Thiếu hụt phi công do nghỉ hưu
Tình trạng thiếu hụt phi công được dự báo từ rất lâu nhưng mãi tới thời điểm này, các hãng hàng không mới chịu có những động thái đối phó, khi tình thế khiến họ buộc phải hành động. Hãng Boeing ước tính, toàn thế giới sẽ cần thêm 635.000 phi công trong 2 thập kỷ tiếp theo, căn cứ vào số lượng máy bay được chế tạo cũng như việc hàng ngàn phi công khác chuẩn bị nghỉ hưu trong thời gian sắp tới.
“Đây là một trong những chu kỳ tuyển dụng phi công lớn nhất trong lịch sử”, Chủ tịch Hiệp hội Phi công Thế giới Tim Canoll nhận định. Hiệp hội này có khoảng 60.000 thành viên ở Mỹ và Canada.
Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 và Khủng hoảng tài chính năm 2008, ngành công nghiệp hàng không rơi vào chu kỳ suy thoái và nhiều hãng hàng không phải sáp nhập, điều này khiến nghề phi công trở thành nghề nghiệp khó tìm việc và có mức lương không cao.
Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch sôi động trở lại nhưng số lượng phi công sẵn sàng bay không tăng tương ứng. Nhiều hãng hàng không nhỏ ở Mỹ buộc phải hủy chuyến vì thiếu phi công. Nhiều hãng hàng không phải ngừng phục vụ ở một số thị trường.
Nhiều hãng hàng không Mỹ phải đối mặt tình trạng thiếu hụt phi công chưa từng có tiền lệ. (Ảnh: PTN) |
“Có quá ít các phi công cho tất cả các chặng bay hiện nay và với làn sóng nghỉ hưu, tình hình sẽ lên đến mức khủng hoảng”, Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Khu vực Bắc Mỹ Faye Malarkey Black nhận định.
Một thành viên của hiệp hội này, chủ yếu vận hành các chặng bay ngắn cho các hãng lớn, thậm chí đã phải hủy chuyến vì họ không thể tìm được phi công thay thế cho những người bị ốm hoặc điều khiển máy bay dự phòng.
Các hãng hàng không hiện đang áp dụng các biện pháp đối phó với tình trạng thiếu hụt phi công bằng cách đầu tư vào các cơ sở đào tạo và các chương trình tuyển dụng, cũng như trợ cấp chi phí đào tạo cho các học viên phi công. Các hàng hàng không còn phải chi hàng trăm triệu USD để tăng lương và phúc lợi cho phi công, đồng thời các hãng hàng không Mỹ và châu Âu đang tìm cách thu hút lại những phi công bỏ việc để sang bay cho các hãng hàng không tại Trung Đông và châu Á.
“Không có phi công nào với đầu óc sáng suốt lại đưa ra quyết định tới Trung Đông tìm việc ở thời điểm hiện tại”, phi công Scott Stewart cho biết. Anh Stewart rời Mỹ năm 2010 để bay cho hãng hàng không Emirates Airline của Dubai, nhưng trở lại Mỹ năm 2017 và hiện bay cho hãng Delta Air Lines.
Phi công sẽ là "món hàng" đắt giá
Trong nhiều thập kỷ vừa qua, các hãng hàng không thường tuyển dụng các phi công quân sự nghỉ hưu để lấp đầy các vị trí thiếu hụt, nhưng việc cắt giảm quân số lực lượng vũ trang khiến giải pháp này gặp trở ngại. Trong bối cảnh hiện nay, khi các hãng hàng không dân dụng Mỹ thiếu hụt nhân sự thì chính lực lượng không quân nước này cũng thiếu phi công.
Theo Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Đại tướng David Goldfein, Không quân Mỹ đang thiếu khoảng 2.000 phi công. Tướng Goldfein nhận định rằng, Mỹ “không đào tạo đủ phi công để đáp ứng cho lĩnh vực hàng không dân dụng và quân sự”.
"Điều này khiến phi công được coi là món hàng đắt giá, lương và thưởng của phi công bay chặng ngắn ở mức thấp nhất, được nâng lên khoảng 50.000 USD mỗi năm, tăng lên so với mức 30.000 USD năm 2016", Chủ tịch Hiệp hội Phi công Thế giới Tim Canoll cho biết.
Năm 2017, American Airlines tăng tổng mức lương và trợ cấp cho phi công và tiếp viên lên đến 230 triệu USD, khoản tiền này được tăng lên đến 350 triệu USD trong năm 2018 và dự kiến là ở cả năm 2019. Các hãng hàng không như Delta Air Lines và hãng hàng không giá rẻ Southwest Airlines cũng tăng lương đáng kể cho phi công của mình.
Động thái tăng lương cao như vậy nhằm mục đích thu hút đủ phi công mới để thay thế các phi công chuẩn bị nghỉ hưu. Hãng hàng không American Airlines ước tính sẽ có khoảng 75% trong số 15.000 phi công của hãng này sẽ nghỉ hưu trong khoảng thời gian 15 năm sắp tới.
Trong khi đó, hãng hàng không Delta Air Lines ước tính 50% trong số hơn 14.000 phi công của hãng sẽ tới độ tuổi nghỉ hưu vào thập kỷ tiếp theo. Đại diện của Delta Air Lines cho biết, hãng này lên kế hoạch phối hợp với nhiều trường đại học để tăng cường tuyển dụng trong bối cảnh hãng này cần hơn 8.000 phi công trong những năm tới.
“Đây là ngành công nghiệp tuyệt vời nhất trong toàn bộ sự nghiệp của tôi”, phi công kỳ cựu Bill Krupp với 20 năm trong lĩnh vực hàng không dân dụng cho biết, hiện nay ông bay cho hãng hàng không Delta Air Lines. Ông Krupp ra nước ngoài làm việc vào năm 2005 sau khi hãng hàng không của ông bị phá sản, song ông mới quay trở lại Mỹ sau một thời gian bay cho các hãng hàng không Trung Đông.
Hãng hàng không United Continental không công bố số lượng phi công sẽ được tuyển dụng trong những năm sắp tới, tuy nhiên đại diện hãng này cho biết, các bước đi cần thiết cho chương trình tuyển dụng phi công cho các hãng hàng không khu vực của hãng này được triển khai. Đồng thời, đại diện hãng này cho biết, khi làm việc trong các hãng hàng không khu vực của mình, các phi công sẽ có cơ hội bay cho United Continental và đây là điều hấp dẫn nhất đối với các phi công mới.
Không chỉ các hãng hàng không của Mỹ phải tranh giành phi công, nhiều hãng hàng không trên thế giới cũng đối mặt với tình trạng tương tự. (Ảnh: HS) |
Không chỉ các hãng hàng không của Mỹ tranh giành phi công, nhiều hãng hàng không trên thế giới cũng phải làm điều này khi tình trạng thiếu hụt phi công đang chực chờ bùng nổ.
Người đứng đầu bộ phận tuyển dụng của hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu Ryanair, Mark Duffy viết trên mạng xã hội rằng, hãng này sẽ trả mức lương rất cao cho các cơ trưởng của hãng hàng không Norwegian Air Shuttle. Đại diện của Norwegian Air Shuttle không bình luận về tuyên bố này nhưng cho biết hãng hàng không Norwegian Air Shuttle có tuyển dụng các phi công của Ryanair và có kế hoạch tuyển dụng thêm.
Một số hãng hàng không khác thành lập các trung tâm đào tạo phi công của riêng mình để tránh phải chi nhiều tiền cho cuộc chiến giành giật phi công với các hãng khác. Hãng hàng không Qantas Airways của Australia đầu tư 15 triệu USD trong năm 2018 cho học viện đào tạo phi công của mình, còn hãng hàng không Emirates Airline mở cửa trung tâm đào tạo có tổng vốn đầu tư lên đến 270 triệu USD vào năm 2017.
(Theo WSJ/ VTC News)
'Cắt' đặc quyền miễn thuế của phi công, tiếp viên
Phi công, tiếp viên hàng không không được hưởng định mức hành lý miễn thuế cho từng lần nhập cảnh như hành khách mà 90 ngày mới được miễn thuế 1 lần.
Hé lộ chỗ ngủ của phi công trên những chặng bay dài
Chỗ ngủ của khách trên máy bay không còn mấy ai xa lạ nhưng chỗ ngủ của phi công luôn là một ẩn số khiến mọi người tò mò.
Bức thư của phi công khiến hành khách hết bực mình vì delay
Bức tâm thư của cơ trưởng Việt Nam Nguyễn Quang Đạt sẽ giúp các bạn có cái nhìn cảm thông hơn với những hành trình bay không may bị trễ giờ.
Lương 2 tỷ/năm, phi công vẫn bỏ việc đòi tăng lương
Hãng hàng không Lufthansa (Đức) đối mặt với thiệt hại nặng nề sau cuộc đình công của hàng nghìn phi công...
Phi công tiết lộ chỗ ngồi tốt nhất trên máy bay
Đi du lịch bằng máy bay ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, việc chọn lựa được một chỗ ngồi đẹp, êm ái, ít xóc trong suốt hành trình trên máy bay chưa hẳn nhiều người đã biết.
Phi công bị cấm để ria mép rậm rạp
Theo quy định mới của hãng hàng không Qantas (Australia), phi công sẽ được diện đồng phục mới, kèm theo đó là quy định chặt chẽ về bộ ria mép.