Dù chuẩn bị sẵn tâm lý, tôi chưa bao giờ nghĩ “cuộc chiến” giữa giới xe ôm truyền thống và GrabBike lại "nóng" đến vậy.
Trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM liên tiếp xảy ra các vụ xe ôm truyền thống tấn công các GraBike đến đổ máu. Theo Công ty Grab Việt Nam, tính đến nay đã có hơn 100 vụ tài xế xe ôm công nghệ bị hành hung.
Để làm rõ về “cuộc chiến” khốc liệt này, phóng viên đã thâm nhập vào đội quân GrabBike.
Nhập môn lấy số
Không khó để tôi có thể vào được đội quân xe ôm công nghệ. Chỉ với vài cú click chuột trên trang web đăng ký làm thành viên GrabBike sẽ có người gọi điện thoại đến hướng dẫn.
Với sinh viên, chỉ cần mang thẻ sinh viên, chứng minh thư, giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xe máy là có thể trở thành một xe ôm công nghệ.
Phải chạy đủ 10 cuốc, các GrabBike mới được phát quần áo, mũ bảo hiểm đồng phục. |
Còn với tôi, đến công ty để đăng ký, ngoài giấy tờ trên, tôi còn phải đem theo sơ yếu lí lịch, sổ hộ khẩu.
Sổ hộ khẩu được xem là “bản đặt cọc” của GrabBike đối với công ty. Bởi ngoài số giấy tờ trên và 2 tiếng đồng hồ bổ túc kiến thức về cách phục vụ hành khách, chúng tôi không phải nộp bất cứ khoản lệ phí nào.
Vượt qua được 20 câu hỏi trắc nghiệm sau hơn 2 tiếng đồng hồ bổ túc kiến thức, tôi được cấp mã số đối tác và cài phần mềm GrabBike lên điện thoại. Nhân viên nhận đăng ký của công ty nói rằng tôi phải chạy đủ 10 cuốc mới phát áo và mũ Grab.
Ngày đầu bước chân vào cộng đồng GrabBike, để thăm dò, tôi đóng quân ở khu vực Trung Kính - Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy, Hà Nội), gần Viện huyết học truyền máu Trung ương. Sau khi mở tài khoản được 30 phút, tôi nhận được cuốc xe chở khách từ ngõ 299 Yên Hòa đến Km12 Văn Điển (huyện Thanh Trì).
Tôi ngỡ ngàng khi cuốc xe dài khoảng gần 17 km chỉ nhận được con số 50.000 đồng (trừ 15% cho công ty, tôi chỉ nhận được hơn 42.000 đồng). Tham khảo giá từ một xe ôm truyền thống, anh nói rằng với quãng đường như thế ít nhất phải 100.000 đồng mới thèm gạt chân chống xe.
Nhiều cuốc ngắn, tôi chỉ kiếm được 11.000 đồng. |
Sau 2 ngày, tôi chạy đủ 10 cuốc xe để đến công ty lấy áo, mũ đồng phục. Có những cuốc xe chỉ có giá 11.000 - 15.000 đồng bởi quãng đường ngắn. Trung bình tôi cũng kiếm được 150.000-200.000 đồng/ngày sau khi đã trừ chi phí xăng xe.
Những màn “dằn mặt” của giới xe ôm
Được phát áo, mũ đồng phục, tôi bắt đầu lượn lờ nhiều hơn để tìm vị trí đẹp. Cũng từ đây, tôi mới hiểu được “cuộc chiến” khốc liệt trong giới xe ôm công nghệ và truyền thống.
Sau khi “đổ” cuốc từ tòa nhà Keangnam đi Hồ Tùng Mậu, trong cái nắng 37 độ C, tôi tấp vào phía cổng sau tòa nhà Keangnam đợi khách.
Vừa dừng xe ở quán trà đá, bỗng nhiên tôi thấy chân mát lạnh, ướt sũng. Trong quán trà đá, mấy người đàn ông mặt sạm đen, tay ôm mũ bảo hiểm nhìn tôi chằm chằm như muốn ăn tươi nuốt sống. Đó đều là dân xe ôm truyền thống. Họ muốn gây gổ để dằn mặt bất cứ ai đến “địa bàn” của mình.
Lập tức, tôi chuyển xe sang vị trí khác nơi có một GrabBike đợi khách để chạy trốn những ánh nhìn hằn học phía sau.
Thấy tôi tới, một thanh niên chạy Grab giới thiệu tên M. (24 tuổi, quê Phú Thọ) cười bảo đợi khách nên đứng xa chỗ mấy ông xe ôm truyền thống. Hầu như GrabBike nào đến đây cũng bị gây gổ. Chuyện hắt nước, đuổi thẳng mặt và dọa đánh là cơm bữa.
Thậm chí có người còn bị xin đểu mũ bảo hiểm, "ăn" mũ bảo hiểm vào đầu.
M. kể, ngày cậu mới chạy cũng nổ cuốc ở đây, lơ ngơ đứng chắn mặt mấy xe ôm truyền thống, suýt nữa M. "ăn" mũ bảo hiểm vào đầu nếu không nhanh chân di chuyển.
Cậu ta khuyên tôi đến bất cứ nơi nào bắt khách, nếu có “áo xanh” đồng phục thì nên lại gần để “nương tựa” lẫn nhau. Nếu không, tôi phải đứng càng xa xe ôm truyền thống càng tốt.
“Thực ra là mình không muốn dây dưa với họ cho mệt người. Chứ bây giờ anh em Grab đông như kiến, chỉ cần lên nhóm Facebook hô hào, anh em đến yểm trợ ngay”, M. nói.
Đang nói chuyện với M. thì cuốc xe của tôi bị hủy. Khách hàng gọi điện xin lỗi nói rằng vì trời nắng nên đi taxi. Ở đây, tôi càng có thời gian để nghe M. nói về chuyện nghề.
M. cho biết ngày 8/6, tại đường Trường Trinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội, đoạn gần Ngã Tư Sở) xảy ra vụ “choảng” nhau lớn giữa xe ôm truyền thống và GrabBike, mà nguyên nhân là tranh giành khách.
Ngay sau khi GrabBike bị đánh, người này đã đăng tải vào group nhóm nhờ trợ giúp. Khoảng 30 phút sau, hơn 100 xe ôm GrabBike đến yểm trợ. May mắn là lúc đó gã xe ôm truyền thống đã chuyển đến một vị trí khác.
(Theo Zing)