Mỗi kg tỏi trong nước đang có giá bán 50.000 đồng chưa tới 3 USD, trong khi đó nếu được chế biến lên men thành tỏi đen theo công thức của Nhật thì giá bán có thể lên tới 150 USD/kg. Thiếu công nghệ chế biến đã khiến cho nông sản Việt bị thua thiệt ngay trên sân nhà.

Hay như câu chuyện cá ngừ của Việt Nam thường có mức giá thấp hơn Nhật Bản. Nếu người Nhật chỉ mất 2-3 ngày cho một chuyến đi biển, thì chỉ riêng việc đến được ngư trường, thuyền câu của Việt Nam đã phải mất 3 ngày. Cộng thêm bằng đó thời gian để quay về đất liền, con cá phải bảo quản trong đá suốt 1 tuần. Thế nên dễ hiểu vì sao cá ngừ Nhật lên bờ còn tươi rói, trong khi cá của Việt Nam đã giảm chất lượng đi nhiều.

Thiếu công nghệ chế biến đã khiến cho nhiều loại nông sản phải bán với mức giá rẻ mạt ngoài vỉa hè. Cách đây không lâu, trên vỉa hè nhiều tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh chất hàng đống trái thanh long với giá bán rẻ bèo: loại ruột đỏ giá 7.500đ/kg, ruột trắng 5.000đ/kg. Hay như hiện nay tại Hà Nội, quả vải, loại quả trồng nhiều ở Bắc Giang và Hải Dương đang được bán với mức giá chỉ từ 20.000 đồng/kg. 

Trong khi đó, trái thanh long của Việt Nam được nhiều nước nhập về chế biến ra hơn 10 sản phẩm. Ở Thái Lan thì các loại trái cây có thể chế biến nhiều loại bánh kẹo, mứt khác nhau.

{keywords}
Vải được mùa mất giá vì thiếu công nghệ sau thu hoạch

Ngay cả các sản phẩm đã được chế biến qua nhưng do công nghệ còn hạn chế nên vẫn bị ép giá. Đơn cử như mặt hàng rau củ quả chưa đưa vào chế biến mà đa phần chỉ mới qua sơ chế hoặc xuất khẩu thô. Điển hình là mặt hàng ngô bao tử, nhiều doanh nghiệp không có công nghệ chế biến đóng gói nên chủ yếu xuất khẩu theo kiểu đóng bao. Khi qua nước ngoài, sản phẩm được đóng gói, bán với thương hiệu của nước khác.

“Chính vì chúng ta có quá ít sản phẩm chế biến, gia tăng giá trị nên thường xuyên phải chịu cảnh được mùa - rớt giá. Chưa có ngành công nghiệp chế biến đủ mạnh và đa dạng để nâng giá trị sản phẩm thì nông sản VN còn thiệt đơn thiệt kép trên thị trường quốc tế và lãng phí nguồn nguyên liệu, đáng lẽ có thể chuyển thành hàng hóa ngay trên quê nhà”, đại diện chuyên gia trong ngành nông nghiệp chia sẻ.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Các số liệu thống kê cho thấy tiềm năng phát triển cực lớn của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam. Với dân số 91 triệu dân, phần lớn ở độ tuổi dưới 30, đây là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của dịch vụ thực phẩm và khả năng tiêu thụ thực phẩm chế biến. Năm 2015, tổng mức tiêu thụ thực phẩm và đồ uống trên thị trường nội địa đạt hơn 40 tỷ USD, chiếm 71% tổng giá trị sản xuất, còn lại 21% là xuất khẩu.

Áp dụng công nghệ chế biến thực phẩm và đồ uống để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp trong nước là đòi hỏi cấp thiết đối với các doanh nghiệp trong cuộc cạnh tranh với hàng ngoại. Chính vì thế những triển lãm chuyên ngành Thực phẩm – Đồ uống – Máy móc Bao bì (VietFood & Beverage and ProPack) đóng gói mang tới hiệu quả tích cực trong việc phát triển ngành thực phẩm và đồ uống. 

 “Chúng tôi biết thị trường Việt Nam không ngừng tăng trưởng và nhu có nhu cầu lớn các thiết bị bảo quản thủy hải sản. Công nghệ sẽ giúp bảo quản thực phẩm tươi hơn, nâng cao giá trị dinh dưỡng và vì thế sẽ giúp phát triển xuất khẩu hải sản được tốt hơn”, đại diện một doanh nghiệp nước ngoài cho hay.

{keywords}
Nâng cao giá trị nông nghiệp từ công nghệ sau chế biến

Các doanh nghiệp là thành viên thuộc Hiệp hội Ba Lan và EU sẽ tư vấn các cách thức chăn nuôi sinh học, áp dụng các phương pháp mới trong quy trình chế biến và bảo quản thực phẩm. Điều này sẽ rất hữu ích cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gia cầm trong nước.

Có sự tham gia của các tập đoàn lớn đến từ các nước phát triển, sẵn sàng cung cấp chuỗi dây chuyền lắp ráp, đóng gói, bảo quản, mục đích cốt lõi là sự tăng trưởng giao thương, xúc tiến thương mại, mang lại giá trị cho các nhà cung cấp và người tiêu dùng. 

Nếu như các doanh nghiệp nhỏ giới thiệu các sản phẩm mới, tìm kiếm những khách hàng và đo lường phản ứng người tiêu dùng, thì các ông lớn trong tranh thủ tạo dựng lòng tin và thế vững chắc trong cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng. Triển lãm này có sự tham gia của 450 doanh nghiệp với 500 gian hàng trưng bày sẽ được tổ chức từ ngày 10-13/08 tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo khảo sát của Grant Thormton Vietnam năm 2015, ngành chế biến thực phẩm và đồ uống được đánh giá là một trong hai ngành thu hút đầu tư nhiều nhất với sự tăng nhẹ từ 33% của năm trước lên 34%. 

Là nước nông nghiệp nhiệt đới, Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú, đa dạng là đầu vào quan trọng cho ngành công nghiệp chế biến. Đất nước đang phát triển, thu nhập của người dân không ngừng tăng và lối sống thay đổi đặc biệt là tại các trung tâm thành phố, mang lại nhu cầu về tiêu thụ nhiều đồ ăn nhẹ, thực phẩm tiện dùng và đắt tiền. 

Thị trường trong nước lớn với chi phí lao động thấp và quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp thực phẩm khiến thị trường này có sức sống mãnh liệt. Chính vì điều đó, kéo theo ngành chế biến, đóng gói bao bì, bảo quản, máy móc dây chuyền sản xuất... cũng tăng trưởng song song.

N.Hải