Thay vì sản xuất các loại trà uống thông thường, chị Lê Minh (Tân Cương, Thái Nguyên) chuyển sang chế biến các loại chè cao cấp, cho thu nhập cao. Mỗi cân trà bán ra thị trường có giá 3-4 triệu đồng/kg. Tết, chị chỉ cần bán vài cân trà đinh là có thể đổi được mấy chỉ vàng 9999.

Làm mới trà, bội thu tiền tỷ

“Trung bình mỗi tháng, tôi bán 5-8 kg trà đinh với giá 3-4 triệu đồng/kg, trà nõn 10-15 kg với giá 800.000-1,5 triệu đồng/kg thì ngang bằng lúc trước bán vài tạ chè thường chỉ 200.000-300.000 đồng/kg. Tuy khâu thu hoạch, chế biến đều vất vả hơn nhưng giá trị mang lại lớn nên ai cũng hứng khởi”, chị Minh nói.

Chị Lê Thị Minh (xóm Nam Hưng, xã Tân Cương, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) cho hay, nhờ chuyển đổi sang chế biến và sản xuất các phân khúc trà (chè) cao cấp như đinh, tôm, nõn, mỗi tháng chị thu về ngót nghét cả trăm triệu đồng. Vào thời gian cao điểm như các dịp lễ, Tết, chị chỉ cần bán vài cân trà đinh có thể đổi được mấy chỉ vàng 4 số 9.

{keywords}
Trà đinh thường được thu hoạch khi còn non và hái kiểu một tôm nõn
{keywords}
Để hái được một cân trà đinh tươi cần 4-5 thợ chuyên nghiệp

Lặng ngắm cơ ngơi, chị kể, để có kết quả thành công như vậy là cả một hành trình dài thấm đẫm gian khó, khi tự tay chị đổ bỏ hàng chục, hàng trăm cân chè vì không đạt yêu cầu.

Chị cho hay, cơ duyên đưa chị đến với trà đinh nõn là vào năm 2010, khi thị trường nở rộ loại trà Nhật rất được người tiêu dùng ưa chuộng, với đặc điểm nhỏ cánh, thơm dịu, nước xanh. Đặt lên bàn cân so sánh với chè bản địa, chị thấy chất lượng khá tương đồng nhưng về mẫu mã và hình thức chè Việt Nam kém xa.

Điểm mấu chốt khiến trà Việt tụt hậu, mất giá so với trà Nhật là ở khâu hái búp và sao sấy. Trà búp của Nhật thường chỉ thu hoạch khi còn non và hái kiểu 1 tôm 2 lá, 1 tôm nõn hay còn gọi là chè đinh, nên màu nước sẽ xanh và sánh. Trong khi đó, trà Việt thường thu hoạch khi quá tuần tuổi và hái kiểu 1 tôm nhiều lá nên dẫn đến việc nước trà đục, không trong.

{keywords}
Búp trà đinh khá nhỏ nên trong quá trình chế biến chị Minh rất cẩn trọng

Không chịu bỏ cuộc, chị Minh ngày đêm nghiên cứu để tìm ra phương pháp chế biến làm sao ra được loại trà có chất lượng tốt nhất. Đầu tiên, chị cải tiến toàn bộ quy trình sản xuất từ khâu hái, sao sấy, đánh hương cho đến đóng gói thành phẩm.

Chị nhận thấy, nếu trước đây để sản xuất được 1 kg trà khô thông thường chỉ cần 5 kg trà tươi và 1 người thợ đảm nhiệm, thì với trà đinh nõn, con số này phải tăng gấp 4-5 lần ở mỗi bước, mỗi khâu. Khi chè hái về không được sao ngay mà phải để hong khô trên giá tầm 30-45 phút để loại bỏ nước còn đọng lại do sương đêm. Các máy vò, máy sấy cũng cần phải thiết kế chuyên biệt để khi hoạt động tránh làm nát cánh chè.

Trong đó, yếu tố quan trọng nhất để làm ra loại trà thượng hạng đòi hỏi người chế biến phải có tay nghề cao và tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc sản xuất. Công đoạn sao chè là quan trọng nhất, quyết định đến mùi hương, màu sắc của nước. Nếu để non lửa chè sẽ có mùi ngái, nước đục, còn để già lửa sẽ dẫn đến hiện tượng cháy, nước đỏ.

{keywords}
Công đoạn sấy khô là quan trọng nhất, quyết định đến màu sắc, hương vị trà

Bắt kịp nhu cầu thị trường

Hiện sản phẩm trà đinh nõn do chị Minh sản xuất được phân phối tại hầu hết các tỉnh thành trên cả nước và có mặt tại  Nga, Trung Quốc, EU,...

Theo chị Minh, để một sản phẩm bán được giá cao, ngoài chất lượng tốt thì chưa đủ, mặt hàng còn phải phù hợp với xu thế thị trường và thị hiếu của khách hàng. Quãng thời gian đổi mới dây chuyền sản xuất là thời điểm chị và gia đình phải trải qua rất nhiều áp lực, bởi đòi hỏi vốn lớn mà thành quả chưa thấy đâu.

Không nôn nóng, chị bình tĩnh xử lý mọi việc bằng cách vẫn duy trì sản xuất trà uống thông thường nhưng đổi mới theo nhu cầu của khách, phân nhỏ, đánh mạnh vào nguồn cầu chuyên biệt. Chính nhờ lối đi đúng đắn trong lúc nguy nan mà sau này lại bẩy giúp trà đinh nõn tiến sâu vào thị trường.

Nhằm tiếp cận người tiêu dùng một cách khôn khéo, thời gian đầu, chị thường tặng kèm các tép nhỏ trà thượng hạng khi khách mua sản phẩm chè khác, từ đó tìm kiếm ra được nguồn khách mới trong các mối cố định.

{keywords}
Nước trà đạt chuẩn thường xanh trong, có hương thơm dịu

“Sau mỗi lần mua hàng, tôi thường xin lại số điện thoại của khách để khi họ dùng xong có thể hỏi thêm về tình hình sản phẩm, từ đó đưa ra chiến lược sản xuất, tiếp cận thị trường cho phù hợp. Bởi tôi luôn tâm niệm rằng, chỉ có người trực tiếp dùng sản phẩm mới đánh giá được chính xác thứ họ cần” - chị chia sẻ

Để bắt kịp dòng chảy của thị trường, chị thường xuyên tìm đặt mua các sản phẩm trà xuất khẩu của nước bạn như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ,... để thấy được xu hướng, mẫu mã, kiểu cách mà người dùng trên thế giới đang hướng tới. Qua đó, thấy sản phẩm của mình cần có những gì và đổi mới ra sao.

Ngoài ra, chị còn sớm áp dụng công nghệ thông tin trong khâu buôn bán. Chị kể, chính khách hàng là người đưa chị đến gần hơn với Internet, thương mại điện tử.

“Nếu 7-8 năm trước mà hỏi tôi về ATM, chuyển khoản, hóa đơn điện tử chắc tôi chết lặng bởi chẳng biết đó là gì, vì ngay cả việc nhìn thấy cây rút tiền cũng là thứ xa xỉ” - nữ nông dân Thái Nguyên nhớ lại.

Sau 10 năm vận hành, dây chuyền sản xuất trà giờ trở nên chuyên nghiệp và quy củ. Đây đang là cỗ máy “hái ra tiền”, giúp chị Minh đổi chè thành vàng ròng. Chị cũng mở được thêm 2 nhà xưởng, với dây chuyền hiện đại, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nhân công, thu về mỗi năm hàng tỷ đồng.

Hoàng Dung