Thật đáng xấu hổ. Buổi tiêu hủy hàng nhái, hàng giả tại Bộ KH-CN - cơ quan hàng đầu về chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ - trở nên hỗn loạn vì cảnh tranh lấy đồ một cách công khai. Không có gì có thể thanh minh cho hành vi đáng xấu hổ đó. Bởi vì, càng bao biện càng đánh mất lòng tự trọng.

Chưa có kinh nghiệm?

Chuyện khôi hài và đáng xấu hổ này xảy ra tại ngay trụ sở Bộ KH-CN, ngày 21/10, khi Thanh tra Bộ này phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP. Hà Nội (PC 46) tổ chức tiêu hủy hàng nhái, hàng giả.

Đây là hàng fake (nhái) các thương hiệu nổi tiếng, thời thượng như Dior, Louis Vuitton, LV,... lại là sản phẩm thời trang như túi xách, ví da, dây lưng, đồng hồ, vòng đeo tay,... với số lượng lên đến 2.349 sản phẩm, thế nên ối người thèm muốn được sở hữu.

{keywords}
Hàng giả, hàng nhái bị tiêu hủy ở Bộ KH-CN

Thế là, vừa tuyên bố lý do xong, hàng chưa kịp chuyển đi tiêu huỷ thì gần như tất cả những người ở đó, trong đó có cả cán bộ, viên chức Bộ KH-CN, nhà báo, đã ào lên, xông vào "cướp" hàng.

Đã có người quay lại clip này, đưa lên báo chí và mạng xã hội, khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ. Ngay sau đó, Bộ KH-CN đã yêu cầu các bên liên quan giải trình, làm rõ trách nhiệm cá nhân trong vụ việc. Những người đã lấy hàng chưa tiêu hủy buộc phải trả lại hàng trước 12h trưa 25/10 và tùy mức độ sẽ bị xem xét kỷ luật.

Liên quan đến quy trình tiêu hủy hàng giả, hàng nhái, trao đổi với PV.VietNamNet, một lãnh đạo từng công tác tại Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, cho biết, quy trình này phân ra hai loại: tiêu hủy bắt buộc và tiêu hủy hội đồng.

Với loại tiêu hủy bắt buộc, chủ hàng phải chi trả chi phí tiêu hủy. Trước khi tiêu hủy, chủ hàng phải ký hợp đồng với cơ quan môi trường để họ xử lý và chịu trách nhiệm về số hàng đã ký.

Với trường hợp tiêu hủy hội đồng, hội đồng phải lên phương án bảo vệ, phải mời các cơ quan liên quan cùng tham gia chứng kiến, tránh làm thất lạc hàng hóa, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công tác tiêu hủy. Đặc biệt, khi tiêu hủy hàng phải thành lập vòng trong, vòng ngoài để bảo vệ nghiêm ngặt hiện trường.

Nhận xét về chuyện tranh cướp hàng giả tại Bộ KH-CN, vị này cho rằng, đó có thể do đơn vị tổ chức tiêu hủy hàng giả thiếu kinh nghiệm. Nhưng việc việc thiếu kinh nghiệm xem ra không hợp lý vì đây là cơ quan hàng đầu về đấu tranh hàng vi phạm nhãn hiệu, đã nhiều lần tổ chức tiêu hủy. Địa điểm là trụ sở cơ quan cấp bộ.

Với người lấy đồ "Thực sự tôi không hiểu họ suy nghĩ thế nào mà hành động như thế".

Đánh mất lòng tự trọng

Thực tế, tại Việt Nam đã từng xảy ra các vụ tranh cướp hàng tiêu hủy, nhưng chỉ liên quan đến thực phẩm bẩn.

Hồi 4/2012, đã có 2,2 tấn thịt bò, thịt trâu không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối chở từ Hà Nội vào TP.HCM, đã bị bắt và tiêu hủy. Thế nhưng, chỉ sau khoảng 1 tiếng, 33 bao tải đựng thịt được tiêu hủy qua loa đã bị cướp lại, chở thẳng vào xưởng chế biến lòng lợn ở Bình Dương.

Hay, năm 2009, khi dịch cúm gia cầm bùng phát, 1.500 con gà không giấy tờ kiểm dịch được chở đến bãi tiêu hủy. Hàng trăm người dân xã Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội) đổ xô ra cướp gà, thậm chí còn leo cả lên cabin, lái xe ra chỗ rộng cho... dễ cướp.

{keywords}
Cướp gà ở Thường Tín (Hà Tây)

Mới nhất là hành động tranh cướp hàng hiệu giả tại Bộ KH-CN, chuyên gia đấu tranh hàng gian, hàng giả từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả (389) nhận xét: "Thật đáng xấu hổ". Bởi, Bộ KH-CN phải là nơi để cả nước nhìn vào trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái.

Ấy vậy mà, tại cơ quan trung ương hàng đầu về chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ - lại diễn ra cảnh tranh cướp hàng giả một cách công khai, trước mặt cơ quan chức năng. Trong khi đó, Chánh thanh tra Bộ này còn thanh minh rằng không nhìn thấy rõ ai lấy thì khó chấp nhận được.

Chuyên gia từ ban 389 cho hay, muốn chống hàng giả, phải có những con người thật, thật từ trong chính cơ quan thực thi công vụ. Nếu không có sự trung thực, thật thà thì hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ sẽ vẫn tràn lan và công khai thách thức dư luận như hiện nay.

“Cần thực hiện nghiêm lệnh của Thủ tướng Chính phủ rằng ở đâu xảy ra sai phạm sẽ phải xử lý trách nghiệm người đứng đầu?”, vị lãnh đạo 389 nhấn mạnh.

Bên cạnh câu chuyện về trách nhiệm của cơ quan tổ chức tiêu hủy hàng giả, dư luận lại cho rằng, câu chuyện tranh lấy hàng giả là thể hiện lòng tham, sự a dua, mà đánh mất lòng tự trọng của mình.

Đáng chú ý, những người tham gia vào đám đông tranh tranh lấy hàng lại chính là những người đến chứng kiến tiêu hủy hàng giả, là cán bộ của cơ quan có trách nhiệm trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí thuệ, là các nhà báo đến đưa tin để giúp công chúng nhận thức đúng từ đó nói không với hàng giả.

Thế nhưng, trong buổi tiêu hủy ấy, thay vì đứng chứng kiến, thay vì lấy kéo cắt nát những món hàng giả, thì họ lại lao vào tranh nhau lấy cho mình những món hàng giả mà đáng lẽ ra phải tiêu hủy để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Thật xấu hổ thay vì lòng tự trọng của con người, đã bị vài món hàng fake dễ dàng đè bẹp.

Nói như nhà báo Phạm Trung Tuyến, những con người đó đã trở về với bản năng của mình, bỏ qua mọi giá trị để hình thành nên phẩm giá của một con người.

Bảo Phương - Ngọc Hà