Theo một số chủ trang trại, từ 1 tháng nay, giá gà công nghiệp bắt tại chuồng chỉ từ 19-20 nghìn đồng/kg, giá trứng giảm sâu chỉ còn khoảng 9 trăm đến 1 nghìn đồng/quả. Trong khi đó, số lượng gà công nghiệp hiện nay đã lên tới hàng chục triệu con nhưng lượng tiêu thụ khá chậm. Giá trứng và thịt gà công nghiệp đang ở giai đoạn “rẻ chưa từng thấy”!

Ông Phạm Văn Dũng - chủ trang trại trên 30 nghìn con gà đẻ trứng và 10 nghìn con gà thịt tại xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết: Với mức giá giảm xuống từ 1.000-1.100 đồng/quả, giá thịt gà công nghiệp ở mức 22-25 nghìn đồng/kg, hầu như ngày nào mở mắt ra ông cũng phải nhẩm tính số tiền lỗ từ bán trứng.

“Mỗi quả trứng bán ra, tôi phải chịu lỗ chi phí chuồng trại, lương công nhân” - ông Dũng cho biết.

{keywords}

Trứng gà công nghiệp sản xuất theo công nghệ khép kín có giá chỉ bằng 2/3 trứng gà ta, nhưng sức tiêu thụ vẫn chậm. 

Ông Phạm Văn Cường (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) cũng tỏ ra lo lắng khi giá trứng bán ra hiện nay chỉ khoảng 1,1 nghìn đồng/quả. “Tính gộp cả lương công nhân, chi phí sản xuất, khấu hao chuồng trại,... bán trứng với mức giá này là chúng tôi đang lỗ” - ông Cường cho biết.

Với gà công nghiệp loại ngon, thịt chắc, da vàng, lông mượt, chị Lê Thị Hải Yến (Yên Nhân, Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội) phải bắt với giá 27-28 nghìn đồng/kg, nhưng cũng chỉ dám lấy với số lượng rất ít vì hiện nay sức tiêu thụ gà công nghiệp rất chậm.

“Gà công nghiệp bán chậm, giá lại thấp, bởi hiện nay giá thịt lợn rẻ, nhiều người mua thịt lợn, đặc biệt là các bếp ăn công nghiệp. Ngoài ra, chuẩn bị đến giai đoạn học sinh nghỉ hè nên sức tiêu thụ của thịt gà công nghiệp càng chậm bởi từ trước đến nay, lượng gà công nghiệp bán cho các bếp ăn nhà trường rất lớn” - chị Yến cho biết.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, những năm qua, chăn nuôi gà có sự bùng nổ về số lượng và sản lượng, tăng trưởng bình quân trong năm qua về sản lượng là 9,9%, so với bình quân thế giới là 3,7%, chúng ta tăng hơn 2-3 lần. Chính tăng trưởng “nóng” đã tạo ra tình trạng khủng hoảng thừa sản phẩm.

Thực tế cho thấy, thịt gà và các phụ phẩm gia cầm được bán tràn ngập trong các siêu thị với giá rẻ mạt đã “cướp” mất một lượng khách hàng khá lớn, gây áp lực ghê gớm lên ngành chăn nuôi vốn đang bế tắc.

“Các sản phẩm đó trong nước cũng sản xuất được, quy trình sản xuất tươi ngon, đảm bảo chất lượng, vậy tại sao chúng ta lại cho phép những nội tạng, cánh, cổ, chân gà,... nhiều mặt hàng đã cận “đát” tuồn vào thị trường Việt Nam và làm khó người chăn nuôi trong nước?” - bà Phạm Thị Huân gay gắt đặt câu hỏi.

Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cũng thẳng thắn nêu ý kiến: “Trong khi gà Việt Nam trầy trật trong xuất khẩu chính ngạch ra nước ngoài vì vướng hàng rào kỹ thuật thì gà nước ngoài chất lượng kém lại ào ạt vào Việt Nam, không gặp bất cứ một cản trở nào”.

(Theo Lao Động)