9 tháng của năm 2016, người dân khu vực phía Nam bỏ ra trên 50.000 tỷ đồng mua vé số kiến thiết. Nhiều nhất là miền Tây, có tỉnh công ty xổ số thu về hàng nghìn tỷ đồng.

Suốt tuần qua, từ quán ăn, uống cho đến bến xe, tàu hay chợ ở các tỉnh miền Tây đều xôn xao chuyện thiếu phụ 32 tuổi bán thịt heo ở Trà Vinh trúng số độc đắc kiểu Mỹ với tổng giải thưởng trên 92 tỷ đồng. Tại các đại lý vé số, người mua thường xuyên ra vào và ai cũng hy vọng ít nhất một lần được "thần tài gõ cửa".

{keywords}

Vé số kiến thiết ở miền Tây.

Không phải bây giờ mà người dân miền Tây thích mua vé số kiến thiết từ rất lâu. Doanh thu từ loại hình vé số truyền thống này của cả khu vực luôn có con số năm sau cao hơn năm trước.

Theo báo cáo của Hội đồng Xổ số Kiến thiết (XSKT) khu vực miền Nam, từ tháng 1-9/2016, doanh số phát hành của 21 công ty XSKT là 63.380 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu tiêu thụ lên đến 50.635 tỷ cho thấy tỷ lệ tiêu thụ bình quân lên đến gần 80% trên tổng lượng vé số phát hành.

Có rất nhiều lý do để người dân khu vực phía Nam nói chung và miền Tây nói riêng mua vé số. Đầu tiên là người mua vé số muốn tìm lấy sự may mắn cho riêng mình, sau đó là muốn giúp người nghèo có được thu nhập qua từng tờ vé mà họ bán ra.

"Mua vé số lâu ngày cũng 'nghiện'. Ngày nào không mua dù chỉ một tờ cũng cảm thấy khó chịu khi đến giờ xổ số. Buồn nhất là có số mình 'nuôi' vài tháng nhưng không 'xổ', đến ngày mình quên mua thì nó 'xổ' mới tức. Tôi không mua số đuôi vì đó là cờ bạc, chỉ thích mua vé số kiến thiết", anh Thảo, chạy xe ôm ở phường 8, TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) nói.

{keywords}

Nhiều người ở miền Tây thích mua vé số với hy vọng được đổi đời.

Cùng quan điểm với anh xe ôm, anh Duy ở khu đô thị 5A (TP Sóc Trăng), cho biết trước đây mỗi ngày anh mua 1 tờ vé số kiến thiết, hiện nay tăng lên 3 tờ và thường chọn số đuôi 57, 58, 06 hoặc 60. Theo thanh niên 39 tuổi này, những con số vừa nêu được cho là mang lại may mắn cho anh Duy và người thân suốt hai năm qua khi đầu tư tiền vào vé số kiến thiết.

"Ngày nào hai số cuối 57 mà các số đầu đẹp thì tôi mua 5-7 tờ. 'Đeo' gần hai năm, mấy ngày trước giải đặc biệt ra số 57 nhưng tôi 'chưa tới số'. Tờ vé số may mắn có thể sẽ đến với tôi một ngày không xa", anh Duy cười tươi khi nói về hi vọng mong manh của bản thân.

Trò chuyện cùng phóng viên, Ngọc Bá - trưởng một nhóm tiếp thị mỹ phẩm ở Cần Thơ, cho biết anh này thường xuyên đi công tác các tỉnh miền Tây. Những chuyến đi vài ngày anh thường mang về cho vợ từ 40-50 tờ vé số kiến thiết.

"Tôi thích mua vé số để giúp người nghèo, còn vợ thì thích dò số vì hi vọng trúng giải độc đắc. Có hôm ngồi nhậu khoảng 3 giờ mà hơn chục cụ già với trẻ em mời mua vé số. Tôi mua hơn chục tờ giúp người nghèo và tặng bạn nhậu. Bạn nhậu thấy vậy cũng mua rồi tặng lại tôi nên trong túi có lúc vé số nhiều hơn tiền", anh Ngọc Bá chia sẻ.

Một giáo viên đã nghỉ hưu ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), nói rằng ông từng chứng kiến đồng nghiệp chạy xe qua khỏi cụ già bán vé số dạo khoảng 5 km ở đường Quản Lộ - Phụng Hiệp nhưng quay lại để tìm ông ấy vì quá thương người.

"Hôm đó, bạn tôi còn 100.00 đồng trong túi, được ông cụ bán vé số ở cầu Phụng Hiệp mời mua 7 vé nhưng tiếc tiền nên không mua. Chạy xe gần 10 phút, bạn tôi sốt ruột nên quay lại tìm người bán vé số vì sợ ông lão bán không được khi sắp đến giờ xổ số", vị cựu giáo viên kể.

Câu chuyện nhân văn của cựu giáo viên giống trường hợp phóng viên một tờ báo điện tử ở miền Tây khi đi tìm người đàn ông bán tờ vé số trúng độc đắc 92 tỷ đồng ở Trà Vinh. Đó là ngày 20/10, phóng viên gặp ông Phạm Bạch Vĩnh An khi người bán vé số dạo này cầm trên tay khoảng 300 vé số do Công ty TNHH Xổ số Kiến thiết tỉnh Bình Thuận phát hành.

Sau một giờ trò chuyện, anh phóng viên mua giúp ông Vĩnh An 7 vé và tặng lại người bán 2 vé. Tối về đến nhà, ông An vui mừng gọi điện cho anh phóng viên để báo tin họ trúng giải tám với tiền thưởng 100.000 đồng/vé.

"Đam mê" vé số và trúng giải đặc biệt nhiều tỷ đồng nhưng cũng có người không giữ tiền được lâu. Một trong số đó là trường hợp của dược sĩ ở thị trấn Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề, Sóc Trăng), trúng giải đặc biệt 7 vé loại 1,5 tỷ đồng/vé và hàng chục tờ giải khuyến khích.

"Sau khi trúng số, anh ấy mua vé số ngày càng nhiều hơn nhưng không trúng. Anh này đi du lịch khắp nơi, xài tiền vô tội vạ cho đến khi chiếc xe Camry mua từ tiền trúng số cũng bán. Giờ đây anh dược sĩ chỉ đi xe máy vì hết tiền trúng số", tài xế của người trúng số kiến thiết trên chục tỷ đồng kể.

Phó giám đốc một công ty XSKT ở miền Tây chia sẻ: "Nhiều người thích mua vé số kiến thiết thì họ thấy rằng đây là trò chơi có thưởng lớn, công khai, minh bạch. Có người không chơi thường xuyên nhưng mua khi họ gặp người già, trẻ em bán vé số".

Hiện, miền Tây có 9 tỉnh vào nhóm doanh số phát hành 80 tỷ đồng/kỳ (tuần) là Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Long An, Cần Thơ, Bến Tre và Bạc Liêu. Các tỉnh còn lại là Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang và Cà Mau có doanh số phát hành 70 tỷ đồng/kỳ.

Tỷ lệ vé số tiêu thụ của nhóm 1 là 79-93% còn nhóm 2 là 45,5-72%.

Theo báo cáo của Hội đồng Xổ số Kiến thiết miền Nam, tổng số tiền trả thưởng trong 9 tháng qua của 21 công ty XSKT trong khu vực là 24.533 tỷ đồng.

Các công ty đã nộp ngân sách Nhà nước 17.283 tỷ đồng, tăng khoảng 4,5% so với cùng kỳ năm 2015 và đạt gần 94% kế hoạch năm 2016. Tổng lợi nhuận từ vé số kiến thiết ở miền Nam từ tháng 1-9/2016 là 6.603 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2015 và đạt 94% kế hoạch năm 2016.

(Theo Zing)